Khảo sát chung các hiệp hội doanh nghiệp, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) cho biết, các doanh nghiệp hiện giờ đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Doanh nghiệp cạn vốn, hoạt động chông chênh
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, thiếu vốn đang là vấn đề trầm trọng đối với doanh nghiệp bất động sản, thậm chí có nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản, một số khác đã phải vay tiền ngoài xã hội với lãi suất cao hay bán bớt tài sản, dự án, hoặc bán sản phẩm với chiết khấu sâu lên đến 40-50% giá hợp đồng.
Hiệu ứng sụt giảm niềm tin với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến huy động trái phiếu không thể là kênh giúp doanh nghiệp thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn. Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh làm trầm trọng thêm khó khăn về vốn. Nhiều doanh nghiệp lớn phải bố trí nguồn vốn để mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo Ban IV, trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo; thậm chí thông tin từ doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy, có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Việt cho nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình như doanh nghiệp Thái Lan đang tiến hành nhiều thương vụ đàm phán mua bán các nhà máy dệt may và sản xuất lĩnh vực khác.
Trong lúc chờ đợi phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo, nhiều doanh nghiệp ngành thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao.
Hay như, doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn, nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng nên doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới.
Còn với doanh nghiệp nông nghiệp do không thể tiếp cận được với tín dụng nên đã bỏ lỡ cơ hội thu mua nguyên liệu nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) có thời gian thu mua gấp, tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023, nên dự báo rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cần gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023
Nhận định về thanh khoản của nền kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, hiện nay có khoảng trên 20 ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên huy động thị trường 1 (thị trường dân cư) trên 90%, trong đó có 4 ngân hàng tỷ lệ này trên 100%.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường cũng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản thực sự. Biểu hiện là chiếm dụng vốn lẫn nhau, dòng tiền âm. “Thống kê của chúng tôi cho thấy, nhiều doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau với khối lượng lớn, lên tới hàng trăm nghìn tỷ. Trong đó, riêng 6 tập đoàn lớn số vốn chiếm dụng lẫn nhau lên tới 200.000 tỷ đồng. Đáng nói, phần lớn vốn chiếm dụng này có nguồn gốc từ ngân hàng.
Điều này làm tăng nguy cơ nợ xấu và thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM). Bởi, dòng tiền quay trở lại ngân hàng chậm, ở cả khu vực ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng bán lẻ”, ông Nghĩa cho hay.
Trong khi đó, room tín dụng cạn, các kênh huy động vốn như trái phiếu, chứng khoán đang đình trệ khiến tình trạng khan hiếm thanh khoản trở thành tình trạng chung của nền kinh tế. Nền kinh tế rơi vào tình trạng "dòng tiền âm".
Ban IV đánh giá, hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường, đặc biệt với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng đến mọi loại hình kinh doanh khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được nhà đầu tư trong ngắn hạn nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách. Thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng mạnh làm khó khăn về vốn thêm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp lớn phải bố trí tiền để mua lại trái phiếu trước hạn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trước khó khăn rất lớn về dòng tiền, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023, cần nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặt khác, với việc siết tín dụng với bất động sản, cần thiết phải phân tách các loại bất động sản để các loại hình như xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, các dự án xây dựng hạ tầng sản xuất... không bị ảnh hưởng tiêu cực theo chính sách chung.