Mỗi ngày có hàng chục chiếc xe trọng tải lớn vào ra gây ô nhiễm tiếng ồn và bụi đất.
Hoạt động khai thác tài nguyên, trong đó có tài nguyên đất thời gian qua đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của các địa phương nói riêng và kinh tế của cả nước nói chung. Tuy nhiên, hệ lụy của nó cũng rất lớn, kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân nơi khu vực khai thác. Cùng với đó gây ảnh hưởng tới cảnh quan, khu sinh thái.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã nhiều lần chỉ đạo nhằm chấn chỉnh công tác quản lý trong khai thác, sử dụng tài nguyên. Báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động khoáng sản từ Trung ương đến địa phương ngày càng được tăng cường; qua thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, các cơ quan chức năng đã ban hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, một số vụ việc vi phạm lớn đã được chuyển cơ quan công an khởi tố, điều tra theo quy định.
Xe chở đất từ mỏ đất thôn Phường Hóp chạy ra QL1A gây ô nhiễm bụi nghiêm trọng
Do đó, nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, môi sinh trong hoạt động khai thác khoáng sản, Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã triển khai thực hiện Chuyên đề “Công tác quản lý về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản”.
Chuyên đề nhằm thực hiện khảo sát thực tế tại một số địa phương đang nổi lên vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác tài nguyên, khoáng sản. Từ đó đánh giá, đưa ra các nhận định và kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý các sai phạm (nếu có). Đồng thời lan tỏa các mô hình điểm, những phương pháp, cách thức khoa học, đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp, đơn vị thuộc lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Trong quá trình thực hiện Chuyên đề, Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã nhận được phản ánh từ người dân thuộc vùng tái định cư thôn Phường Hóp (xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc tuyến đường dân sinh trên địa bàn hàng ngày phải gồng mình gánh hàng trăm chuyến xe vào ra chở đất từ mỏ đất thôn Phường Hóp của Công ty Cổ phần Lâm Nghiệp 1-5 “cày nát”. Tình trạng này khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đồng thời không thể tránh khỏi việc môi trường sống bị ô nhiễm.
Để tìm hiểu thông tin, ngày 03/11 phóng viên Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã có mặt tại tuyến đường này. Tại đây, PV ghi nhận những gì người dân phản ánh là có căn cứ. Tuyến đường nối từ QL1A vào khoảng 500m đã được rải thảm, song cũng được nhuộm một màu đỏ hồng của đất đồi, càng đi vào sâu, tình trạng tuyến đường càng tồi tệ. Ở giữa là mặt đường bê tông còn sót lại một vài nơi nhô cao lên, còn hai bên do bánh xe đi lại quá nhiều tạo thành đường lõm, có những nơi chênh lệch nhau gần cả mét rất nguy hiểm và trơn trượt vào mùa mưa.
Có mặt chưa đầy 20 phút, PV đã ghi nhận có hàng chục chiếc xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải nối đuôi nhau chở đầy đất chạy qua. Để phản đối, người dân dùng xô nhựa, đá, gốc cây đặt ra để ngăn đường, tuy nhiên tình trạng này vẫn không cải thiện.
Bụi đất phủ đầy cả bàn thờ gia tiên của người dân.
Trao đổi với PV, các hộ dân sinh sống gần khu vực bức xúc: “Thật sự chúng tôi không biết kêu ai nữa. Xã, huyện chúng tôi đều đã có ý kiến nhiều nhưng rồi đâu lại vào đó, có thay đổi được gì đầu. Người dân chúng tôi muốn có giấc ngủ trưa cũng không được, nhà cửa thì bụi đất nhuộm đỏ, kể cả bàn thờ tổ tiên, cha mẹ. Trong xóm này có rất nhiều người già yếu và trẻ nhỏ”.
“Chồng tôi bị tai biến mấy lần đi viện về, sức khỏe rất yếu, muốn nghỉ ngơi tý buổi trưa cũng không được, buổi tối muốn đi ngủ sơm tý cũng không ngủ nổi, sáng thì 3 đến 4 giờ xe đã chạy ầm ầm không muốn cũng phải dậy, có lẽ không có ai khổ như chúng tôi. Gọi xã về cũng chỉ đứng một lát rồi đi” - bà Lý chia sẻ.
Người dân bức xúc về tình trạng xe trọng tải lớn ra vào mỏ đất gây ô nhiểm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, nguy cơ mất an toàn giao thông khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Để thông tin được khách quan và đa chiều phóng viên đã có buổi làm việc với UBND huyện Phong Điền, khi PV cho xem video về thông tin người dân phản ánh, ông Hồ Đô, Phó Chủ tịch huyện cho biết: “Đúng như thế này thì không ai có thể chịu được, chạy thì phải có khung giờ cụ thể để người dân còn nghỉ ngơi chứ. Tôi sẽ chỉ đạo lực lượng Công an và các phòng ban liên quan kiểm tra xử lý thật nghiêm. Nếu cần tôi sẽ trực tiếp xuống kiểm tra và xử lý, không để người dân chịu mãi cảnh này được. Còn việc đường xuống cấp huyện đã có kế hoạch đầu tư cho bà con, khi hoàn thành sẽ phải có phương án hạn chế xe chở đất nếu không lại nát hết”.
Trước thực trạng trên, rất mong UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, sớm vào cuộc xử lý việc khai thác, quản lý mỏ đất của Công ty Cổ phần Lâm Nghiệp 1-5 nhằm chấn chỉnh việc khai thác tại mỏ và hoạt động vân chuyển đất ra khỏi khu vực mỏ, đảm bảo môi trường, an toàn và an sinh cho người dân vùng tái định cư thôn Phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền.