Các chuyên gia cho rằng, ước tính Việt Nam hiện có được dự trữ ngoại tệ tương đương 14 - 15 tuần nhập khẩu. Nhưng, dự trữ ngoại hối phụ thuộc vào cán cân thanh toán quốc gia, có được là từ xuất nhập khẩu, kiều hối, vốn FDI và vốn gián tiếp nước ngoài, vay nợ quốc tế... Nên dự trữ ngoại hối có lúc tăng, lúc giảm. Tuy nhiên, với mức dự trữ ngoại hối hiện nay, nếu có nhu cầu ngoại hối đột biến, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn có thể can thiệp để ổn định tỷ giá.
VND chịu sức ép mất giá
Theo quan sát, tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong bối cảnh trên thị trường thế giới đồng USD quay đầu giảm nhẹ. Cụ thể, trong tuần từ 11/7 - 15/7, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên, đặc biệt tăng mạnh phiên cuối tuần. Chốt tuần (15/7), tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.225 VND/USD, tăng 48 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng mạnh trong tuần qua, chốt phiên 15/7 tăng 280 đồng ở chiều mua vào và 360 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.330 VND/USD và 24.430 VND/USD.
Mở đầu tuần này (ngày 18/7), tỷ giá trung tâm tăng tiếp tới 20 đồng, niêm yết ở mức 23.245 VND/USD. Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần là 23.942 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.548 VND/USD.
Đây là phiên tăng thứ năm liên tiếp của tỷ giá trung tâm. Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng sáng 18/7 cũng được điều chỉnh tăng khá mạnh từ 10 - 33 đồng. Cụ thể, Vietcombank tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua – bán so với cuối tuần trước, ở mức 23.310 – 23.590 VND/USD.
VietinBank tăng 17 đồng ở cả hai chiều, lên 23.305 – 23.585 VND/USD, trong khi BIDV tăng 20 đồng, lên 23.310 – 23.590 VND/USD. Sacombank tăng 33 đồng ở mỗi chiều trong khi Eximbank tăng 20 đồng, cùng niêm yết USD ở mức 23.350 – 23.550 VND/USD.
Trước những diễn biến bất lợi cho VND, liệu Việt Nam có đủ công cụ để điều hành, kiểm soát tỷ giá trong thời gian tới?
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, VND đang chịu sức ép mất giá khi thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam tương đối cao, vượt khả năng bù đắp của cán cân tài chính. Vì thế, Việt Nam đang cố gắng ổn định tỷ giá hối đoái, chủ yếu là để ổn định lạm phát.
Thực tế, NHNN sau một thời gian ngắn đã buộc phải dùng dự trữ ngoại tệ bán ra để ổn định tỷ giá hối đoái và cân bằng cung cầu của nhập khẩu. Việc này có thể kéo dài khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam so với năm trước đã giảm từ 29% xuống còn 17%. “Đây cũng là một sự kiềm chế rất lớn của NHNN. Theo tôi, cách làm của NHNN trong năm vừa qua rất tốt. Nếu NHNN duy trì được tỷ giá này cho đến hết năm nay, năm sau Việt Nam có thể sẽ không bị tác động nhiều bởi tình hình kinh tế quốc tế dự kiến sẽ rất xấu”, ông Nghĩa đánh giá.
Kỳ vọng ổn định tỷ giá
Tỷ giá USD/VND, lãi suất tăng dần khiến hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi khi áp lực cạnh tranh gia tăng. Theo ông Nghĩa, chỉ số USD Index (DXY) tăng mạnh nhưng là so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, không so với VND, nên các nước khác xuất khẩu vào Mỹ thời điểm này có lợi vì đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không có lợi nhiều vì đồng USD chỉ tăng giá so với VND khoảng 2% trong 6 tháng qua, trong khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác tới 9-10%. Tuy nhiên, vào giai đoạn hiện tại, NHNN đang tập trung vào việc chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên có thể chúng ta phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao hơn.
Hơn nữa, nếu VND tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Do đó, ổn định tỷ giá là một mục tiêu quan trọng để kiểm soát lạm phát chi phí đẩy hiện nay.
Với doanh nghiệp nhập khẩu, Giám đốc Công ty TNHH Midico chuyên sản xuất đế giày cao cấp nhựa PU Lê Quang Doãn chia sẻ: “Trong ngành nhựa có tới 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, vì vậy tỷ giá tăng đương nhiên giá nguyên liệu cũng bị đội thêm. Khi giá nguyên liệu tăng sẽ đẩy giá hàng hóa thành phẩm đến tay người tiêu dùng tăng theo. Chỉ những doanh nghiệp lớn mới có vốn nhiều để nhập nguyên liệu dự trữ và chủ động trong sản xuất, xuất khẩu các đơn hàng lớn”.
Trong bối cảnh thị trường hàng hóa và ngoại hối còn diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi. Mặt khác, doanh nghiệp nên đa dạng hoá các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng đồng USD.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thường xuyên nên lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi. Các doanh nghiệp có thể sử dụng các hợp đồng hoán đổi (SWAP), hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm đảm bảo cho các hoạt động xuất, nhập khẩu được kế hoạch hoá một cách khoa học, dài hạn. Điều đó sẽ tạo lòng tin cho ngân hàng tài trợ cũng như các khách hàng quốc tế, để có thể ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào, bao gồm cả đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro lạm phát, tiền tệ…