Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Người dân chịu thiệt thòi, HTX vẫn từ chối bàn giao (Bài 2)

29/08/2022 06:37

Ngay ở Thủ đô Hà Nội, nhiều người dân vẫn phải chịu hàng loạt các thiệt thòi khi mua điện qua các hợp tác xã (HTX). Thậm chí, có HTX điện yếu kém nhưng vẫn không muốn bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT).

Thủ đô còn nhiều HTX điện khu vực nông thôn

Chúng tôi đến tìm hiểu HTX dịch vụ điện năng Thị trấn Thường Tín, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội không xa. Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về các hoạt động của HTX liên quan tới quá trình bàn giao LĐHANT, đại diện của HTX này đã từ chối không gặp và nói thẳng không muốn bàn giao lưới điện.

thuong-tin-1618826324887936149486-1661683919.jpg
Công tơ điện tại thị trấn Thường Tín vẫn phải đi đọc số điện (Ảnh:TX)

Thậm chí, có Giám đốc một HTX điện cũng trên địa bàn huyện Thường Tín còn cho người "đe" sẽ mời công an tới làm việc khi chúng tôi muốn tiếp cận thông tin về việc có bàn giao LĐHANT cho ngành điện hay không!?

Một cán bộ của điện lực Thường Tín cho biết, trước đó lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội về làm việc với UBND huyện, lãnh đạo huyện Thường Tín đã bày tỏ quan điểm mong muốn ngành điện tiếp nhận lưới điện ở một số địa bàn của huyện, trong đó phải kể tới lưới điện của Thị trấn Thường Tín. 

"Muốn đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của thị trấn ngày càng tăng cần phải đầu tư thêm khoảng 5 trạm biến áp. Tuy nhiên, HTX điện quản lý thì điện ở đây có đầu tư hay không là do họ quyết định", một cán bộ kỹ thuật điện lực Thường Tín chia sẻ.

Trao đổi với Dân Việt, ông Đào Duy Chiến – Phó Giám đốc Điện lực Thường Tín cho biết: Hiện trên địa bàn huyện vẫn còn 6 HTX bán lẻ điện bao gồm: HTX điện năng thị trấn Thường Tín; HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ tổng hợp Duyên Thái, HTX Nông nghiệp Liên Phương, HTX nông nghiệp Nguyễn Trãi, HTX nông nghiệp Văn Bình, HTX nông nghiệp Tâm Minh.

Ngoài Thường Tín, nhiều địa phương khác của TP. Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều tổ chức kinh doanh mua bán điện. Bên cạnh những HTX đang hoạt động tốt vẫn còn tồn tại những HTX được người dân phản ánh về chất lượng dịch vụ và không chịu đầu tư cải tạo lưới điện, trạm biến áp.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND huyện thời gian gần đây, một trong những vấn đề bức xúc của cử tri Thường Tín là tình trạng điện yếu, ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân. UBND huyện Thường Tín đã có buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực Hà Nội tìm giải pháp nhưng vẫn bế tắc. Nguyên nhân chính là do một số HTX điện yếu kém vẫn tiếp tục hoạt động, không đầu tư nâng cấp trạm biến áp, lưới điện nhưng cũng không chịu bàn giao cho ngành điện.

Bài 2, Người dân chịu thiệt thòi HTX vẫn từ chối bàn giao - Ảnh 2.

Nhiều HTX điện không đủ điều kiện đầu tư nâng cấp lưới điện, trạm biến áp nâng cáo chất lượng phục vụ cho người dân như các đơn vị thành viên của EVN (Ảnh: TX)

Người dân thiệt thòi

Nếu so sánh những khu vực mà các Công ty điện lực đang bán điện trực tiếp tới người dân và những khu vực lưới điện hạ áp nông thôn do các HTX điện quản lý ở ngay Thủ đô Hà Nội sẽ thấy hàng loạt các thiệt thòi cho người tiêu dùng.

"Cửa hàng kinh doanh của tôi ở đầu nguồn nên tôi thấy điện của HTX vẫn ổn định. Nhưng vào mùa nóng, một số hộ cũng phản ánh là điện có nhiều lúc yếu. Tất nhiên là nếu được mua điện trực tiếp từ ngành điện và hưởng đầy đủ các dịch vụ của Công ty điện thì sẽ tốt hơn", bà N.T.T ở phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín chia sẻ.

Đối với các khách hàng đang mua điện trực tiếp từ ngành điện, khi có sự cố về điện dẫn tới mất điện sẽ có đội ngũ kỹ sư của ngành điện xử lý, khắc phục sự cố nhanh, chuyên nghiệp hơn… Còn các khách hàng mua qua các HTX bán lẻ, chắc chắn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn, như chất lượng điện, khả năng xử lý sự cố, giá bán điện, ...

Đối với một số HTX điện có sự yếu kém, nhưng để bàn giao về ngành điện cần căn cứ kết quả kiểm tra đối với tổ chức kinh doanh điện không đủ điều kiện hoạt động điện lực. Sau đó, UBND thành phố quyết định giao cho Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội tiếp nhận, bán điện trực tiếp cho khách hàng theo quy định. 

Nhưng để đánh giá ở sự yếu kém, vi phạm các quy định về kinh doanh điện lại không hề đơn giản.

Theo Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHN), hiện đơn vị này cũng đã hoàn thành nghiệm thu 221/221 dự án đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ với lưới điện hạ áp RE2 (TBA); xử lý 81 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, vượt 20% so với kế hoạch. 

Đối với công tác thu hồi dự án RE2, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Tài chính thu nợ lũy kế được 181.092 triệu đồng; trả nợ Ngân hàng Thế giới số tiền 116.175 triệu đồng.

Từ năm 2016, UBND TP đã ban hành quyết định 3736/QĐ-UBND về kế hoạch phát triển điện nông thôn. 

Theo Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn 92 HTX thuộc 18 quận huyện vẫn đang bán lẻ điện trực tiếp tới người dân. Trong đó, huyện Thanh Trì có 2 HTX, Gia Lâm có 1, Đông Anh 1, Mê Linh 1, Hà Đông 1, Sơn Tây, Chương Mỹ 8 HTX…

Tại thời điểm đó, UBND TP.Hà Nội đánh giá hệ thống lưới điện nông thôn thành phố Hà Nội mặc dù đã được đầu tư cải tạo nhưng chưa đồng bộ và hiện đại, tổn thất điện năng còn cao, bán kính cấp điện xa, chưa đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu phát triển sản xuất vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi tập trung của nhân dân; công tơ đo điện phổ biến là công tơ điện cơ, độ chính xác chưa cao; dự án đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ lưới điện hạ áp (được đầu tư từ dự án RE2) thực hiện không đúng tiến độ làm ảnh hưởng hiệu quả khai thác lưới điện hạ áp; tiếp tục thu hồi nợ vốn vay dự án RE2 đến năm 2025 từ các đơn vị tiếp nhận công trình lưới điện hạ áp để trả nợ vốn vay Ngân hàng Thế giới vẫn còn nhiều vướng mắc.

Hợp đồng tín dụng giữa Sở Tài chính Hà Nội và các Công ty điện lực tiếp nhận lưới điện hạ áp (được đầu tư từ dự án RE2) tại các xã chuyển giao EVNHANOI quản lý và bán lẻ điện trực tiếp đến các hộ dân từ năm 2015 chưa thực hiện đúng tiến độ, dẫn đến việc trả nợ vốn vay không đúng hạn.

Theo đó, thành phố sẽ rà soát, chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức kinh doanh điện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển điện lực theo quy định của pháp luật hoặc không có khả năng trả nợ vốn vay Dự án RE2 cho Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI) tiếp nhận, quản lý và bán lẻ trực tiếp đến hộ dân.

Nhưng cho đến nay, người dân nhiều vùng ngoại thành Hà Nội vẫn phải chịu thiệt thòi khi phải mua điện qua các HTX điện, "cánh tay nối dài" quản lý lưới điện hạ áp nông thôn. 

 

Từ tháng 11/1997, Nghị quyết kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa X đã nêu rõ: Giao cho ngành Điện xây dựng quy chế trực tiếp quản lý lưới điện nông thôn, tính lại giá bán điện hợp lý, trước mắt công bố giá trần áp dụng đối với nông thôn; cùng các Bộ hữu quan lập phương án trình Chính phủ quyết định việc đầu tư xây dựng các công trình điện nông thôn theo tinh thần "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Nhưng cho đến nay, công tác bàn giao và tiếp nhận LĐHANT vẫn vướng ngay từ các chính sách vẫn còn vênh nhau và thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể dẫn tới mỗi địa phương một kiểu. Các văn bản chỉ đạo liên quan tới HTX thì khuyến khích phát triển nhưng liên quan tới ngành điện thì theo hướng bàn giao LĐHANT.

Thậm chí, có nơi thì ra văn bản như bắt buộc phải bàn giao LĐHANT nhưng do vướng các cơ chế chính sách về định giá tài sản, về giải quyết việc làm cho người lao động…nên các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

 

Bạn đang đọc bài viết "Tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn: Người dân chịu thiệt thòi, HTX vẫn từ chối bàn giao (Bài 2)" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).