Tiêu hủy 13 chú chó ở Cà Mau: Cơ sở pháp lý chưa vững

11/10/2021 09:04

Với nhiều người, chó, mèo là người đồng hành thân thiết trong cuộc sống; việc tiêu hủy chúng phải đúng pháp luật, đảm bảo tính hợp lý, hợp pháp.

Vụ tiêu hủy đàn chó của gia đình ông Phạm Minh Hùng khi về Cà Mau tránh dịch đang là mối quan tâm của dư luận. Với nhiều người, chó, mèo là người đồng hành thân thiết, đem đến nguồn vui, niềm an ủi trong cuộc sống. Do đó, việc chính quyền xử lý đàn chó khiến họ đau lòng và đặt ra các vấn đề về tính hợp lý, hợp pháp của việc tiêu hủy.

Chỉ có một con nhiễm virus, “xử” cả đàn chó

Ngày 8-10, ông Hùng chở vợ, mang theo đàn chó 15 con (gồm bốn con chó lớn và 11 con chó con) cùng đồ đạc lỉnh kỉnh chạy xe máy từ Long An về Cà Mau.

Ông Hùng cho biết đàn chó ở với gia đình ông từ lâu. Trước khi dịch bùng phát, ông làm phụ hồ tại Long An được 250.000 đồng/ngày thì đàn chó có 100.000 đồng mua thức ăn. Nay dịch bệnh, ông chở vợ về Cà Mau (quê người em dâu) để tránh dịch. Đường xa gian khổ nhưng vợ chồng ông quyết mang chó theo vì sợ chúng bị bắt ăn thịt hoặc chết đói.

UBND huyện Trần Văn Thời họp báo chiều 10-10. Ảnh: TRẦN VŨ

15 con chó theo vợ chồng ông Phạm Minh Hùng về quê. (Ảnh cắt từ clip)

Tuy nhiên, sau khi vượt gần 300 km về đến Cà Mau, vợ chồng ông xét nghiệm và ra kết quả dương tính với COVID-19 nên phải đi bệnh viện điều trị. Đến ngày 9-10, ông hay tin đàn chó 13 con (do ông Hùng đã cho bớt hai con chó con tại chốt kiểm dịch) và cả con mèo của vợ chồng người em đều đã bị Trạm Y tế xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời tiêu hủy.

UBND huyện Trần Văn Thời xác định phải tiêu hủy đàn chó này bởi chủ nhân đã dương tính với COVID-19 và có một con qua xét nghiệm dương tính với một loại virus. Tuy nhiên, loại virus gì thì phía UBND huyện Trần Văn Thời chưa thông tin cụ thể.

Chó, mèo không lây dịch bệnh cho người

BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết không có bằng chứng khoa học về việc chó, mèo bị nhiễm COVID-19 và lây cho người.

Chó, mèo có thể bị nhiễm loại virus cũng có tên corona nhưng chủng virus này cũng chỉ lây bệnh trên chó, mèo và không có khả năng lây cho người.

HOÀNG LAN

Phải chứng minh được chó, mèo có khả năng lây nhiễm

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), về cơ sở pháp lý, Điều 6 Nghị định 90/2017 quy định phạt 5-6 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh đã công bố và sản phẩm của chúng qua vùng có dịch bệnh động vật mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch.

Đồng thời, cơ quan chức năng phòng chống dịch bệnh phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc giết mổ động vật và xử lý nhiệt sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm trên.

Còn tại điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định 117/2020 cũng quy định hành vi “đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những động vật… có khả năng lây truyền bệnh dịch” bị phạt tiền 20-30 triệu đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy (điểm c khoản 6 Điều 12).

Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, Quyết định 173/2020 ngày 1-2-2020 và Quyết định 07/2020 ngày 26-2-2020 của Thủ tướng thì bệnh COVID-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Long An và Cà Mau là các địa phương đang có dịch bệnh, gia đình ông Hùng cũng đang nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, TS Cao Vũ Minh cho rằng hiện chưa có kết luận khoa học nào khẳng định chó, mèo là động vật có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 sang người. Do đó, người có thẩm quyền phải chứng minh được chó, mèo là động vật có nguy cơ lây nhiễm thì mới xử phạt và áp dụng biện pháp tiêu hủy được.

“Tiêu hủy là đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch”

Chiều 10-10, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), chủ trì họp báo để thông tin vụ tiêu hủy đàn chó của gia đình ông Phạm Minh Hùng.

Ông Công cho biết theo phản ánh của những người cách ly cùng vợ chồng ông Hùng thì đàn chó, mèo này đi lung tung nên nhiều người trong khu cách ly đề nghị giải quyết vì sợ lây bệnh. Bên cạnh đó, do áp lực chống dịch nên xã lập biên bản tiêu hủy. Về quy trình xử lý tiêu hủy, huyện sẽ làm rõ thêm và thông tin cho báo chí sau, nếu có sai sẽ xử lý nghiêm và đúng quy định.

Tại buổi họp báo, các PV được xem clip người đàn ông là anh em với ông Hùng bắt từng con bỏ vào bao và các hình ảnh thiêu đốt xác đàn chó nhằm khẳng định thông tin đàn chó bị giết ăn thịt là không đúng sự thật.

Bạn đang đọc bài viết "Tiêu hủy 13 chú chó ở Cà Mau: Cơ sở pháp lý chưa vững" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).