Toàn cảnh vụ bê bối Qatar đang làm rúng động nghị trường châu Âu

14/12/2022 08:22

Các cơ quan giám sát cho rằng đây có thể là vụ bê bối tham nhũng 'nghiêm trọng nhất', 'gây sốc nhất' tấn công Brussels trong nhiều năm.

Bà Eva Kaili phát biểu trong một phiên họp của Nghị viện Châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 7/12/2022. Ảnh: EP/Getty Images

Bà Eva Kaili phát biểu trong một phiên họp của Nghị viện Châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 7/12/2022. Ảnh: EP/Getty Images

Cảnh sát liên bang Bỉ hôm 9/12 đã tiến hành ít nhất 16 cuộc đột kích, bắt được 5 người với cáo buộc “tổ chức tội phạm, tham nhũng và rửa tiền”. Các cuộc lục soát đã tìm được 600.000 euro tiền mặt, các điện thoại và máy tính.

Ban đầu thủ phạm không phải là những tên tuổi lớn ở Brussels: một cựu thành viên Nghị viện châu Âu, một vài trợ lý nghị sĩ và một lãnh đạo nghiệp đoàn.

Nhưng vào buổi tối, rõ ràng đây không chỉ là chuyện của một số người đã và đang bỏ túi những đồng tiền trái phép. Eva Kaili, Phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu, người thường lên tiếng bảo vệ Doha, đã bị cảnh sát bắt giữ.

Ngày 11/12, các công tố viên liên bang của Bỉ đã buộc tội bốn người, trong đó có bà Kaili, về tội tham nhũng, rửa tiền và tham gia vào một tổ chức tội phạm đại diện cho một “quốc gia vùng Vịnh”, mà truyền thông Bỉ và một số thành viên Nghị viện châu Âu cho rằng đó là Qatar.

Văn phòng công tố liên bang Bỉ cho biết “có nghi ngờ rằng các bên thứ ba ở các vị trí chính trị và/hoặc chiến lược trong Nghị viện châu Âu đã được trả một số tiền lớn hoặc tặng những món quà đáng kể để gây ảnh hưởng đến các quyết định của Nghị viện".

Ngày 12/12, cảnh sát Bỉ cũng đã tiến hành nhiều cuộc lục soát khác vào các văn phòng tại trụ sở Nghị viện châu Âu tại Brusels. Và cùng ngày, nhà chức trách Hy Lạp tuyên bố đã đóng băng các tài sản của bà Eva Kaili.

Một phiên họp của Nghị viện châu Âu. Ảnh minh họa: AFP

Một phiên họp của Nghị viện châu Âu. Ảnh minh họa: AFP

Những người liên quan chính trong bê bối

Tờ New York Times đưa tin, 6 người đã bị chính quyền thẩm vấn cho đến nay, trong đó có hai người được thả. Những người khác đã bị bắt giữ hôm 9/12 bao gồm Francesco Giorgi - chồng của bà Kaili, cũng là trợ lý cho nghị sĩ châu Âu người Italy, Andrea Cozzolino; cha của bà Kaili là ông Alexandros Kailis. Hai người còn lại là Luca Visentini, người đứng đầu Liên đoàn Công đoàn Quốc tế, và Pier Antonio Panzeri, cựu thành viên Nghị viện châu Âu.

Chồng bà Kaili, ông Giorgi là cố vấn về các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi tại Nghị viện châu Âu và là người sáng lập Fight Impunity, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào các vi phạm nhân quyền.

Nhân vật trung tâm trong "bê bối Qatar" là Eva Kaili, người Hy Lạp, một trong 14 Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu và là thành viên của nhóm Liên minh cấp tiến Xã hội và Dân chủ (S&D) tại cơ quan này. Bà là một trong những nhân vật quyền lực nhất, vốn là một cựu dẫn chương trình tin tức nổi tiếng ở Hy lạp và cũng là một trong những nữ nghị sĩ quyến rũ nhất của Brussels.

Nhưng bà Kaili cũng nổi lên như là một trong những người ủng hộ Qatar mạnh mẽ nhất. Gần đây bà đã gọi Qatar là nước đi đầu về quyền lao động, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Lao động Qatar, bất chấp những lo ngại sâu sắc của quốc tế về điều kiện cho công nhân xây dựng các sân vận động World Cup.

Các tổ chức chính trị mà Eva Kaily tham gia đã nhanh chóng phản ứng với cuộc điều tra. Đảng Xã hội Hy Lạp đã nhanh chóng ra thông báo khai trừ Eva Kaili khỏi đảng này. Bà cũng bị nhóm Liên minh Xã hội và Dân chủ tại Nghị viện châu Âu đình chỉ tư cách thành viên.

Phản ứng của Liên minh châu Âu

Quan chức hàng đầu của EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về các cáo buộc trong vụ việc. Bà von der Leyen phát biểu tại một cuộc họp báo: “Sự tự tin và tin tưởng vào các tổ chức của chúng ta cần các tiêu chuẩn cao nhất về tính độc lập và liêm chính". Bà cũng kêu gọi thành lập một cơ quan giám sát đạo đức độc lập trong tương lai.

“Vụ việc này sẽ đi vào lịch sử như một trong những vụ vi phạm lớn nhất và gây sốc nhất—có thể là vụ bê bối lớn nhất trong nền chính trị châu Âu", ông Alberto Alemanno, Giáo sư về Luật Liên minh Châu Âu tại trường HEC Paris, nhận xét.

EU có ba cơ quan chính định hình luật, bao gồm Nghị viện, Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu. “Mắt xích yếu nhất trong hệ thống toàn vẹn châu Âu là Nghị viện châu Âu, nơi có ít sự kiểm tra và kiểm soát nhất so với các tổ chức khác", Giáo sư Alemanno nói. “Không ai bị xử phạt vì không báo cáo về một cuộc họp, quyên góp hoặc quà tặng. Vì vậy, kiểu văn hóa không bị trừng phạt này tràn ngập Nghị viện châu Âu.”

Vụ bê bối có tác động gì đối với Qatar?

Cuộc điều tra của các quan chức Bỉ diễn ra khi Qatar đang tổ chức giải bóng đá lớn nhất hành tinh, FIFA World Cup. Đất nước này đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về những điều kiện lao động và đối xử với người lao động nhập cư, đặc biệt là tại những công trình phục vụ giải đấu.

Việc duy trì danh tiếng tốt cho đất nước là rất quan trọng, vì Qatar đang nỗ lực để đạt được các thỏa thuận với các nước EU về khí đốt tự nhiên. Ngoài ra, một đề xuất cho phép người Qatar đi lại miễn thị thực đến khu vực Schengen (khu vực miễn thị thực) của EU cũng đang được đưa ra tại Nghị viện châu Âu.

Philip Nichols, Giáo sư tại Đại học Pennsylvania và là chuyên gia về tham nhũng, cho biết: “Vụ việc làm giảm uy tín của Qatar và gây khó khăn cho việc chứng minh rằng họ đã làm được điều gì đó thúc đẩy tiến bộ về quyền lao động”.

Ông Nichols cũng chỉ ra rằng vụ bê bối tham nhũng xảy ra ngay sau khi công dân Qatar được phép đến các quốc gia thuộc khu vực Schengen của Liên minh Châu Âu mà không cần thị thực. “Việc đi lại miễn thị thực đến khu vực Schengen là về niềm tin. Những gì Qatar làm đã làm suy yếu nghiêm trọng nỗ lực tạo ra [không gian] du lịch miễn thị thực.”

Về phần mình, Qatar phủ nhận các cáo buộc sai trái trong một bài đăng trên Twitter của Bộ Ngoại giao. Cơ quan này nói: “Bất kỳ mối liên hệ nào của Chính phủ Qatar với các tuyên bố được đưa ra là vô căn cứ và là thông tin sai lệch nghiêm trọng".

Bà Kaili trước đó đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Qatar trước thềm World Cup 2022, đi ngược lại những tiếng nói chỉ trích nước này. "Qatar là quốc gia đi đầu về quyền lao động... Tuy nhiên, một số người ở đây đang kêu gọi phân biệt đối xử với họ. Họ bắt nạt họ (Qatar) và buộc tội tất cả những ai nói chuyện với họ hoặc cho rằng dính líu đến tham nhũng”, bà Kaili phát biểu vào tháng 11 trước Nghị viện châu Âu trong khi các nhà lập pháp đang tranh luận về vấn đề nhân quyền ở ở Qatar.

Giáo sư Alemanno nói rằng vụ bê bối là một "hồi chuông cảnh tỉnh" đối với EU và niềm tin vào thể chế này có thể đã bị xói mòn.

Hậu quả từ cuộc điều tra ở Brussels đã đến rất nhanh. Nhóm S&D tại Nghị viện châu Âu đã kêu gọi tạm dừng đề xuất tự do hóa thị thực cho du khách Qatar, và báo cáo viên của Đảng Xanh cho biết ông sẽ bỏ phiếu chống lại biện pháp này nếu nó được đưa ra bỏ phiếu vào tuần tới.

Trong khi đó, Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu đã lên kế hoạch tới Arab Saudi và Qatar trong những tuần tới. Giờ đây, điểm đến sau đã bị hủy bỏ - nghĩa là đối thủ hàng đầu của Doha sẽ thu hút mọi sự chú ý.

Bạn đang đọc bài viết "Toàn cảnh vụ bê bối Qatar đang làm rúng động nghị trường châu Âu" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).