Lỗ 7,98 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm
Trong quý III/2022, Tổng công ty 36 ghi nhận doanh thu đạt 306,79 tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 3,29 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 10,75 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 10,3% về còn 8,8%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 29,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 6,19 tỷ đồng lên 26,98 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 19,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 4,64 tỷ đồng về 18,9 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 29,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 3,12 tỷ đồng lên 13,62 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Tổng công ty 36 ghi nhận lỗ 5,54 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 13,25 tỷ đồng.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Tổng công ty 36 ghi nhận doanh thu đạt 622,14 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 7,98 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 12,94 tỷ đồng.
Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.258,1 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13,1 tỷ đồng. Như vậy, với việc ghi nhận lợi nhuận trước thuế âm 7,98 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, Công ty còn cách rất xa kế hoạch lãi 13,1 tỷ đồng.
Dòng tiền âm kỷ lục từ khi niêm yết
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục ghi nhận âm 603 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 305,4 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 268,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 182,2 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022, Tổng công ty 36 đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh chính thâm hụt.
Được biết, cổ phiếu G36 niêm yết trên sàn từ năm 2016 tới nay. Kể từ năm 2016 tới nay, dòng tiền kinh doanh của Công ty âm nhưng chưa năm nào quá 603 tỷ đồng, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2016 với giá trị âm 273,33 tỷ đồng.
Như vậy, 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính của Tổng công ty 36 âm kỷ lục từ khi niêm yết tới nay.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Tổng công ty 36 giảm 2,6% so với đầu năm về 4.851 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu tài sản cố định đạt 1.371,1 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.239,8 tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng tài sản; tồn kho đạt 789 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 682,1 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 18,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 217,26 tỷ đồng lên 1.387,46 tỷ đồng và chiếm 28,6% tổng nguồn vốn.
Tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Đăng Giáp và người có liên quan tăng lên hơn 40%
Tổng công ty 36 từng là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đến năm 2016, Công ty được cổ phần hoá theo phương án bán 42,21% vốn điều lệ (18,15 triệu cổ phiếu) cho nhà đầu tư chiến lược; 10% vốn điều lệ (4,3 triệu cổ phiếu) chào bán thông qua đấu giá; 40% còn lại thuộc về cổ đông nhà nước (17,2 triệu cổ phiếu).
Kết thúc đợt IPO, vốn điều lệ Tổng công ty tăng lên 430 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông chiến lược là Công ty cổ phần Xây lắp và thương mại Trường Lộc sở hữu 32,9% vốn điều lệ (14,15 triệu cổ phiếu); Công ty cổ phần Vận tải và thương mại Anh Quân sở hữu 9,3% (4 triệu cổ phiếu). Nhóm hai cổ đông chiến lược mua vào với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Đối với kế hoạch IPO, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện đã mua vào 4,25 triệu cổ phiếu, chiếm 9,87% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn. Trong đó, giá IPO trung bình là 15.102 đồng/cổ phiếu.
Công ty cổ phần Xây lắp và thương mại Trường Lộc được thành lập năm 2003, cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 36 tại thời điểm đó. Trong khi đó, Công ty cổ phần Vận tải và thương mại Anh Quân được thành lập năm 2008, cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Đăng Ngọ, em trai ông Nguyễn Đăng Giáp. Như vậy, hai cổ đông chiến lược đều liên quan tới Chủ tịch Công ty.
Hiện ông Giáp chỉ còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị do theo yêu cầu tách bạch vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc tại công ty đại chúng.
Tới năm 2017, Công ty thực hiện tăng vốn điều lệ từ 430 tỷ đồng lên 727,3 tỷ đồng; trong đó, thực hiện chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1,33, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc đợt chào bán, tỷ lệ sở hữu của Bộ Quốc phòng còn 18,38% vốn điều lệ (vẫn sở hữu 17,2 triệu cổ phiếu, tương đương đầu năm 2016). Ngược lại, danh sách cổ đông lớn bất ngờ xuất hiện ông Nguyễn Đăng Giáp sở hữu 13,16%; ông Nguyễn Văn Hiền sở hữu 10,27%…
Như vậy, sau đợt cổ phần hóa doanh nghiệp và đợt phát hành tăng vốn mà việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, IPO, chào bán cho cổ đông hiện hữu và Nhà nước không tham gia, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước giảm mạnh theo thời gian từ 100% xuống còn 40% và hiện tại chỉ là 18,38%. Ngược lại, tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Đăng Giáp và người có liên quan tăng lên hơn 40%.
Báo cáo quản trị công ty bán niên 2022 của Công ty cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Đăng Thuận đã bán hết hơn 582.000 cổ phiếu nắm giữ (tương ứng 0,57%); ông Nguyễn Văn Hiền bán hết hơn 320.000 cổ phiếu (tương đương 0,32%), Công ty Trường Lộc và Công ty Quân Anh bán ra mạnh.
Ở chiều ngược lại, ông Giáp và hai người em là Nguyễn Đăng Hùng và Nguyễn Đăng Hiếu lại gia tăng sở hữu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/10, cổ phiếu G36 giảm 100 đồng về 5.600 đồng/cổ phiếu.