Hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng
Theo thông tin từ Báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ đột biến khoảng 31 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, báo cáo tài chính quý II/2022 cho thấy, EVN báo lỗ hơn 22.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước lãi trên 3.500 tỷ đồng trước thuế. Mức lỗ này của EVN được cho là do yếu tố khách quan khi không được tăng giá điện trong khi chi phí đầu vào biến động khiến lỗ đột biến lên tới khoảng 1,3 tỷ USD năm 2022.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải đơn vị nào trực thuộc EVN cũng có bức tranh tài chính “tối màu”. Cụ thể, dù chưa có báo cáo tài chính năm 2022 nhưng thông tin trên website của EVNCPC cho thấy, đơn vị này ghi nhận tới hơn 41 nghìn tỷ đồng doanh thu (tăng gần 8% cùng kỳ).
Đồng thời, EVNCPC cũng chưa tiết lộ chi tiết về lợi nhuận nhưng mức nộp ngân sách của đơn vị là gần 600 tỷ đồng và các đơn vị trực thuộc, công ty con, liên kết đều kinh doanh có lãi. Được biết, trong năm 2022, EVNCPC đặt kế hoạch doanh thu sản xuất kinh doanh điện khoảng 37,938 tỷ đồng, lợi nhuận 553 tỷ đồng.
Không chỉ trong năm 2022, nhiều năm trở lại đây, doanh thu của EVNCPC đều ghi nhận mức cao. Giai đoạn 5 năm trước (2017 đến 2021), doanh thu thuần của EVNCPC tăng trưởng 41%. Cụ thể, vào năm 2017, doanh thu thuần của đơn vị đạt 27 nghìn tỷ đồng, tới năm 2021 đã vượt mốc 39 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh doanh thu “khủng”, lợi nhuận trước thuế của EVN cũng khá cao ở mức từ 759 tỷ tới hơn 1 nghìn tỷ trong giai đoạn nêu trên (tăng 1,4 lần). Nhiều năm “ăn nên làm ra” đã giúp quy mô tài sản của EVNCPC cũng tăng mạnh. Từ mức 26,4 nghìn tỷ đồng (năm 2017) lên tới 34,5 nghìn tỷ đồng (năm 2021).
Có thể thấy, EVNCPC là một “điểm sáng” trong bức tranh tài chính chung của EVN với doanh thu, lợi nhuận trước thuế ở mức cao. Đồng thời, đơn vị này cũng có hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng giúp mỗi năm doanh nghiệp thu về cả trăm tỷ đồng từ tiền lãi tiền gửi và cho vay.
Cụ thể, trong cơ cấu tài sản của EVNCPC, tiền mặt bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn giai đoạn năm 2017 – 2021 duy trì ở mức từ 3,6 nghìn tỷ đồng đến 4,7 nghìn tỷ đồng.
Trừ năm 2017, lãi tiền gửi và cho vay EVNCPC có được là khoảng 51 tỷ đồng. Các năm còn lại trong giai đoạn trên, lãi tiền gửi và cho vay của doanh nghiệp duy trì ở con số hàng trăm tỷ đồng.
Nợ lương, thưởng của người lao động hàng nghìn tỷ đồng
Mặc dù có hàng nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng, nhưng nhiều năm qua, báo cáo tài chính của EVNCPC vẫn cho thấy, giai đoạn 2017 – 2021, doanh nghiệp đang phải trả nợ lương, thưởng cho người lao động cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Điển hình, ghi nhận tại ngày 31/12/2021, số tiền EVNCPC phải trả cho người lao động là 1,1 nghìn tỷ đồng. Trong khi năm trước đó (2020), khoản mục nợ phải trả người lao động của EVNCPC là 1,2 nghìn tỷ đồng và hơn 1 nghìn tỷ đồng vào năm 2019. Ghi nhận BCTC qua các năm giai đoạn 2017-2021, khoản nợ người lao động của EVNCPC dao động trong khoảng trên dưới 50% tổng quỹ lương.
Không chỉ về lương, nhiều năm qua, EVNCPC cũng nợ quỹ phúc lợi khen thưởng. Cụ thể, tính tại thời điểm ngày 31/12/2021, số tiền nợ quỹ này cũng đã lên tới gần 1 nghìn tỷ đồng (948 tỷ đồng).
So với thời điểm ngày 31/12/2017, số nợ phải trả quỹ phúc lợi khen thưởng của EVNCPC đã tăng tới khoảng 30% (667 tỷ đồng). Đáng chú ý, khoản tiền phải trả quỹ này của EVNCPC có xu hướng tăng khi tính tại thời điểm ngày 31/12 của các năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là 656 tỷ đồng, 701 tỷ đồng, 804 tỷ đồng.