TP.HCM cần làm gì sau khi tiêm mũi 1 cho hơn 80% người lớn?

03/09/2021 15:06

Giáo sư James Trauer cho rằng để cứu sống được thêm nhiều người, TP.HCM vẫn cần giãn cách hiệu quả ở các điểm nóng, trong lúc tiêm vaccine nhanh cho toàn bộ người trưởng thành.

dich Covid-19 o Viet Nam anh 1

Trao đổi với Zing, ông James Trauer - chuyên gia về mô hình dự báo dịch tễ học tại Đại học Monash, Australia - nhận định tình hình dịch ở Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn, và TP.HCM hiện là mối bận tâm lớn nhất. Ông Trauer nhấn mạnh việc xúc tiến tiêm chủng nhanh và nhiều.

"Chỉ cần thêm 1% người dân được chủng ngừa là thêm rất nhiều người được cứu sống", ông nói.

Số liệu tiêm chủng của Bộ Y tế cập nhật đến ngày 2/9 cho thấy tỷ lệ dân số trên 18 tuổi tại TP.HCM đã được tiêm một mũi vaccine Covid-19 đạt 86%. Ở bước tiếp theo, chuyên gia của Đại học Monash góp ý cần phải ưu tiên tiêm mũi 2 cho các đối tượng dễ bị tổn thương.

Ngoài ra, giáo sư Trauer nhấn mạnh thành phố cần duy trì giãn cách xã hội hiệu quả tại những điểm nóng để ngăn các ca mắc lây lan, cho tới khi vaccine được phân phối tới tất cả người dân, cùng với hai tuần sau khi tiêm để cơ thể sinh miễn dịch.

Khó bóc tách toàn bộ F0 khỏi cộng đồng

Theo giáo sư Trauer, TP.HCM sẽ khó quay trở lại thời điểm thực thi chiến lược "0 ca Covid-19" hay bóc tách toàn bộ ca nhiễm ra khỏi cộng đồng được.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, virus corona đã cho thấy khả năng lây lan nhanh chóng ở khu dân cư đông đúc. Trong bối cảnh biến chủng Delta có khả năng lây lan cao hơn rất nhiều, mức độ giãn cách xã hội nghiêm ngặt - được cho là cần thiết để ngăn Delta lây lan ở các trung tâm đô thị - thực sự khó để duy trì cho tới khi đạt được mục tiêu tiêm chủng.

Tuy nhiên, "chỉ cần thêm 1% tỷ lệ dân số được tiêm vaccine trong khi dịch bệnh đang bùng phát là sẽ cứu thêm được nhiều mạng sống", ông nhấn mạnh.

Trong lúc đợi vaccine bổ sung, vị chuyên gia nói điều quan trọng là TP.HCM phải duy trì kiểm soát số ca mắc thông qua giãn cách xã hội ở những điểm nóng, cho tới khi vaccine được phân phối tới tất cả người dân, cộng với hai tuần để cơ thể sinh miễn dịch.

"Thật không may, biến chủng Delta khiến các nhóm dân cư bên ngoài trung tâm đô thị lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh", giáo sư Trauer lưu ý. Vì vậy, mặc dù mục tiêu tiêm chủng tại TP.HCM là hợp lý, ông nói điều quan trọng là không bỏ quên những người sống tại khu vực ngoài thành thị hoặc ở những nơi khó tiếp cận.

dich Covid-19 o Viet Nam anh 2

Nhân viên y tế tiêm lưu động tại nhà cho người dân trong thời gian tăng cường giãn cách. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trong giai đoạn nguồn cung vaccine khan hiếm cùng với những khó khăn trong việc kiểm soát biến chủng Delta hiện nay, giáo sư Trauer cho rằng cần ưu tiên bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Vì thế, nhóm người cao tuổi chính là nhóm cần có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, và cứ thế ưu tiên theo thứ tự giảm dần.

Do rất nhiều người chỉ mới tiêm mũi một ở TP.HCM, ưu tiên hàng đầu là tiêm liều thứ 2 cho người cao tuổi. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là cần tiêm càng nhanh càng tốt cho những người đủ điều kiện.

"Theo quan điểm của tôi, nhiệm vụ quan trọng nhất là cố gắng tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt trước khi họ tiếp xúc với virus lần đầu", ông Trauer nói.

"Và tốt hơn hết là tính cả thời gian tiêm mũi thứ 2 cộng thêm hai tuần nữa, đủ để kháng thể phát triển, trước khi người đó có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây bệnh lần đầu", theo vị chuyên gia.

Nếu có thể giảm số ca lây nhiễm trong cộng đồng cho tới khi đạt được mục tiêu tiêm chủng đó, rất nhiều người có thể được cứu sống. Nếu người cao tuổi muốn được tiêm phòng nhưng chưa có cơ hội, chúng ta phải tìm mọi cách để tiêm vaccine cho họ, ông Trauer nói.

Kế hoạch nới lỏng cần cân nhắc tỷ lệ tiêm vaccine

Trong bối cảnh không ít ý kiến kêu gọi các biện pháp nới lỏng giãn cách từng phần, ông Trauer lưu ý vào thời điểm lên kế hoạch, chính quyền nên cân nhắc tỷ lệ dân số được tiêm chủng.

Ông Trauer "ủng hộ các biện pháp kiểm soát giãn cách ở những điểm nóng vào lúc này", cho rằng cách tiếp cận tốt nhất là thắt chặt các biện pháp đến mức dịch bệnh được kiểm soát, dựa vào thước đo hệ số R (Hệ số lây nhiễm trong cộng đồng - hệ số chỉ ra một người bị nhiễm có thể lây cho bao nhiêu người khác - PV).

Sau đó, "nếu các trường hợp mắc không tăng thêm, chính quyền có thể dần dần nới lỏng các hoạt động an toàn nhất như hoạt động ngoài trời, nhà trẻ, trường tiểu học", ông Trauer nói.

dich Covid-19 o Viet Nam anh 3

TP.HCM siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó". Ảnh: Quỳnh Danh.

Còn trong giai đoạn hiện nay, giáo sư Trauer cho rằng vẫn cần áp dụng các quy định hạn chế hiệu quả ở những điểm nóng, trong khi cần bảo đảm mọi người trưởng thành ở TP.HCM được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine.

Việc thực thi các quy định hạn chế là nhằm kiểm soát số ca bệnh, theo giáo sư Trauer, để từ đó bảo đảm bệnh nhân có thể được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hỗ trợ cơ bản (trợ thở oxy), cho đến khi mọi người có cơ hội được tiêm chủng.

"Điều này đồng nghĩa với tình trạng giãn cách xã hội sẽ nghiêm ngặt và tiếp tục tùy vào tình hình dịch bệnh. Tuy có bất lợi, nhưng đó đều là vì cứu mạng sống của nhiều người dân", ông Trauer nói.

"Một khi số ca bệnh bắt đầu giảm do tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên, các hạn chế sẽ bắt đầu nới lỏng", theo vị chuyên gia Australia.

 

Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM cần làm gì sau khi tiêm mũi 1 cho hơn 80% người lớn?" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).