Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 từ đầu tháng 7 đến nay, TP.HCM thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, trạm y tế lưu động và điều trị tốt hơn nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng chi viện của địa phương, Trung ương.
Sau 3 tháng, đến ngày 6/10, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM, đề xuất chậm nhất trước ngày 15/10, các đoàn chi viện này sẽ rút quân và trở về địa phương.
Theo các chuyên gia, hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế chi viện lần lượt rút về có thể tạo khó khăn bước đầu cho y tế thành phố song hiện tại, TP.HCM có thể chủ động được.
Công việc | Nhân lực hỗ trợ (tính đến ngày 9/9) |
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, Trung tâm Hồi sức, khu cách ly | 6.627 nhân viên y tế của 37 bệnh viện Bộ, ngành, Trung ương và 37 Sở Y tế các tỉnh, thành phố. |
Lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, đội cấp cứu ngoại viện, trực tổng đài | 5.892 giảng viên, sinh viên của 28 trường đại học, cao đẳng trực thuộc Trung ương và các tỉnh, thành phố. |
Hơn 415 Trạm y tế lưu động tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức | 1.259 bác sĩ và học viên của Học viện Quân y |
Tổng nhân lực TP.HCM |
13.752 người từ 103 đơn vị, bao gồm bệnh viện Bộ, Ngành Trung ương, sở y tế các tỉnh, thành phố, trường đại học, cao đẳng và học viện. |
Không rút toàn bộ bệnh viện tuyến Trung ương
Trao đổi với Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết việc rút lực lượng chi viện từ các địa phương và bệnh viện Bộ, Ngành Trung ương khỏi thành phố đã được lãnh đạo TP.HCM tính toán kỹ lưỡng.
"Sở Y tế TP.HCM cũng đã có kế hoạch tái cơ cấu hệ thống các tầng điều trị dựa trên số lượng bệnh nhân, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Do đó, việc rút quân chi viện cũng sẽ không tạo khoảng trống cho y tế thành phố", Thứ trưởng Sơn cho biết.
Trung tâm Hồi sức | Số giường |
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy | 1.000 |
Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội | 500 |
Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) | 500 |
Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế | 650 |
Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM | 250 |
Theo Thứ trưởng Sơn, trong giai đoạn hiện nay, thành phố có thể đủ sức đảm đương việc cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Ông cũng cho biết không phải tất cả bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đều đồng loạt rút quân.
Việc rút quân chi viện sẽ không tạo khoảng trống cho y tế thành phố
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đóng trên địa bàn thành phố vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác điều trị.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) do Bệnh viện Chợ Rẫy vận hành vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Bên cạnh đó, các Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 do Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Trung ương Huế sẽ được tái cơ cấu khi nhân lực có kế hoạch rút quân dần dần. TP.HCM sẽ có kế hoạch đưa bệnh viện của thành phố tiếp quản các trung tâm này.
TP.HCM đủ năng lực điều trị
Tại họp báo cung cấp thông tin dịch Covid-19 ở TP.HCM chiều 7/10, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP đã chuẩn bị từ rất lâu cho tình huống lực lượng chi viện rút quân.
"Ngành y tế sẽ củng cố chất lượng điều trị của các hệ thống, đảm bảo tối thiểu 900 giường hồi sức (ICU) có đủ máy thở, monitor và 3.000 giường thở oxy để đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế", bà Mai nói.
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết tình hình dịch tại TP.HCM đã có nhiều diễn biến khả quan. Do đó, ông tin tưởng thành phố có đủ năng lực và chủ động công tác điều trị, ngay cả khi lực lượng chi viện từ các địa phương và Bộ Y tế rút quân.
"Tôi dự đoán số ca mắc tại thành phố sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, tỷ lệ bệnh nhân nặng cũng giảm dần", bác sĩ Khanh nói.
Các nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm việc tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu. |
"Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ cơ số giường hồi sức tích cực (ICU), nguồn oxy, máy thở. Phác đồ điều trị cũng dần dần hoàn thiện. Đặc biệt là người lớn tuổi và có nguy cơ cao tại thành phố đã được tiêm chủng vaccine đầy đủ. Vaccine là yếu tố quan trọng giúp tình hình dịch ở thành phố diễn biến khả quan hơn", ông nói thêm.
Thành phố có đủ năng lực và chủ động công tác điều trị, ngay cả khi lực lượng chi viện từ các địa phương và Bộ Y tế rút quân
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, thời gian đầu, việc ứ động số mẫu xét nghiệm lớn khiến công tác truy vết chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh, đối tượng nguy cơ cao bị Covid-19 "tấn công" dẫn đến quá tải giường oxy. Ngành y tế thành phố cũng vì thế không trở tay kịp.
"Yếu tố quan trọng khác giúp TP.HCM đủ năng lực y tế đó là mạng lưới tổ chăm sóc F0 cộng đồng và mạng lưới đội hồi sức cấp cứu. Khi tình hình ổn định hơn, có thể TP.HCM sẽ cần phải chi viện nhân lực để hỗ trợ các địa phương khác, nhất là miền Tây trước khi nguy cơ bùng phát dịch", bác sĩ Khanh dự đoán.
TP.HCM cần xây dựng năng lực y tế cơ sở
Trao đổi với Zing, GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết thời gian qua, song song việc hỗ trợ thành phố trong công tác điều trị, các chuyên gia của bệnh viện cũng tích cực khai giảng các lớp đào tạo liên tục cho y bác sĩ của các bệnh viện ở TP.HCM.
Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế giao hỗ trợ 10 bệnh viện vệ tinh trên địa bàn TP.HCM.
"Sau đợt dịch này, trình độ chuyên môn của đội ngũ y tế TP.HCM cũng được cải thiện hơn rất nhiều qua kinh nghiệm thực tiễn cũng như qua công tác đào tạo. Điều này giúp chúng ta có tâm thế khi điều trị các bệnh nhân thông thường một cách tự tin nhất", GS Tuấn chia sẻ.
GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, kiểm tra cơ sở vật chất tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19, trước khi trung tâm đi vào hoạt động. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM), để củng cố năng lực y tế trong cách ly, điều trị Covid-19, điều cần thiết nhất đó là thành phố đẩy mạnh củng cố mạng lưới y tế cơ sở.
"Mạng lưới y tế cơ sở là yếu tố quan trọng trong việc phòng, chống dịch Covid-19", ông nói.
Sau đợt dịch này, trình độ chuyên môn của đội ngũ y tế TP.HCM cũng được cải thiện hơn rất nhiều qua kinh nghiệm thực tiễn cũng như qua công tác đào tạo
GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
Chuyên gia Đại học Y Dược TP.HCM cho biết thành phố có dân số rất đông, thậm chí một xã, phường, thị trấn cũng có mật độ dân số rất cao. Do đó, việc phân bổ nhân lực nhân y tế phải dựa trên tổng dân số chứ không thể dựa vào đơn vị hành chính.
Ví dụ như chỉ cần số lượng F0 đạt 150 ca/1000.000 dân/tuần theo ngưỡng của Bộ Y tế, lực lượng cán bộ tại tuyến xã, phường, thị trấn khó đáp ứng được.
Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường hệ thống giám sát dịch tễ lên mức cao hơn, theo dõi diễn biến dịch thường xuyên để đáp ứng chủ động với sự thay đổi của tình hình. Song song đó, thành phố vẫn tiếp tục tích cực đẩy mạnh tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân trong thời gian tới.
Trước đó, trong báo cáo Tập hợp các góp ý của chuyên gia về giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn của UBND TP.HCM ngày 17/9, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng mạng lưới bác sĩ gia đình là mạng lưới y tế cơ sở tốt nhất, giải quyết quá tải cho các bệnh viện điều trị. Do đó, biện pháp điều trị đặc hiệu quá tải của ngành y tế là xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình.