Tp.HCM: Nhiều Tổng công ty nhà nước làm ăn không hiệu quả, có nguy cơ mất vốn

24/07/2023 15:02

Nhiều Tổng công ty nhà nước trực thuộc UBND Tp.HCM có các khoản đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp không hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn nhà nước.

Theo Kiểm toán chuyên đề công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và báo cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND Tp.HCM, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra đối với Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Tp.HCM (HFIC) có các khoản đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp không hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn nhà nước. 

Người đại diện vốn tại các công ty liên kết, các khoản đầu tư khác để xảy ra tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, có nguy cơ tiềm ẩn mất vốn Nhà nước; chưa phê duyệt BCTC từ năm 2017-2021 của Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Tp.HCM; chưa thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của công ty con để xảy ra tồn tại như chưa kết chuyển giá trị còn lại của tài sản cố định hình thành từ Quỹ khoa học công nghệ khi chuyển sang sử dụng cho hoạt động SXKD từ năm 2019 tại Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Tp.HCM; một số khoản công nợ ứng trước cho người bán trên 3 năm nhưng không tổ chức đối chiếu xác nhận công nợ và có biện pháp thu hồi nợ.

tong-cong-ty-ben-thanh-1690185480.jpg
Tổng công ty Bến Thành.

Đối với Tổng công ty Bến Thành: Chậm thẩm định báo cáo đánh giá hiệu quả và phê duyệt xếp loại doanh nghiệp năm 2020, 2021; Các vấn đề liên quan đến việc liên doanh giữa Công ty TNHH Khách sạn Bến Thành Norfolk và Tổng công ty đã hết thời hạn từ ngày 28/10/2021. Việc thuê đất tại ấp 4 phường Tân Thới Hiệp, Quận 12; Công tác xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện đề án tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 theo quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Người đại diện vốn tại các Công ty liên kết để xảy ra tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ có nguy cơ tiềm ẩn mất vốn đối với khoản vốn đầu tư (nếu có); Việc quyết định đầu tư bổ sung vốn trong năm 2021 đối với Công ty CP Du lịch Bến Thành Non Nước trong khi kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này bị lỗ từ năm 2019.

Đối với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn: Các khu đất (31 khu đất) do Công ty mẹ, các đơn vị thành viên Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV đang quản lý và sử dụng (đã lập thủ tục về thuê đất) nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường chưa ký hợp đồng thuê đất; 03 khu đất chưa có đầy đủ các thủ tục để nộp tiền thuê đất, điều này ảnh hưởng đến nguồn thu của NSNN; việc chậm trễ phê duyệt quỹ lương hàng năm cho Tổng công ty.

Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Công ty mẹ có vốn góp tại các doanh nghiệp chưa có biện pháp quản lý và xử lý kịp thời để tránh thua lỗ, đã và có nguy cơ thất thoát vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết có kết quả kinh doanh lỗ (gồm: 03 công ty con; 07 công ty liên doanh, liên kết, 05 công ty đầu tư dài hạn khác).

Người đại diện vốn của Công ty mẹ tại các doanh nghiệp có vốn góp chưa có báo cáo kịp thời và đầy đủ về Tổng công ty để có các giải pháp khắc phục theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 47, Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ (Ông Đào Công Tiến - Đại diện vốn tại Công ty CP Đầu tư Y tế Sài Gòn, ông Lê Bá Phát - Đại diện vốn tại Công ty CP Đầu tư Satra Thái Sơn, ông Nguyễn Đức Bình - Đại diện vốn tại Công ty TNHH Lương thực Ngọc Đồng).

Việc để xảy ra các khoản công nợ phải thu khó đòi có nguy cơ không thu hồi được, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn của Nhà nước, của Tổng công ty; Việc Ban Tổng Giám đốc và các Phòng, ban liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh chính năm 2021 của Công ty mẹ không hiệu quả.

Tại Tổng Công ty Liksin hoạt động đầu tư góp vốn kém hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Cử người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có góp vốn đầu tư liên doanh, liên kết không đúng với Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty.

Việc thuê đất tại địa chỉ Lô 17, đường số 1, KCN Tân Đức, Long An đến nay chưa đưa vào sử dụng; Việc chưa có hợp đồng thuê đất đối với 02 cơ sở nhà đất tại 66 và 76 Tôn Thất Tùng, phường Bến Thành, Quận 1; Chậm trễ trong công tác thẩm định, phê duyệt, thực hiện đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp giai đoạn 2018-2020 tại Tổng Công ty.

Người đại diện vốn tại các công ty liên doanh, liên kết, các khoản đầu tư khác để xảy ra tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ, có nguy cơ mất vốn Nhà nước đối với các khoản vốn đầu tư.

Việc cử người đại diện vốn không phù hợp quy định theo Điều lệ của Tổng Công ty ban hành kèm theo Quyết định số 4477/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh; Đối với việc Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Tổng Công ty kiêm nhiệm thành viên Hội đồng quản trị tại doanh nghiệp khác không đúng quy định tại Mục b Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 159/2020/NĐ-CP;Việc thuê đất tại địa chỉ Lô 17, đường số 1, KCN Tân Đức, Long An (diện tích 4.942,3 m2) đến nay chưa đưa vào sử dụng (thuê từ tháng 12/2010).

Đối với Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn: Chậm phê duyệt và chỉ đạo thực hiện công tác cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn thực hiện Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Phương án cơ cấu lại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Thành phố giai đoạn 2018-2020).

Chưa chỉ đạo các Sở, ngành có biện pháp xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất đai, tài sản trên đất của Tổng công ty, như: chưa cấp quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản trên đất; chưa ký hợp đồng thuê đất và ra thông báo cho Tổng Công ty nộp tiền thuê đất; thu hồi các diện tích đất mà Tổng công ty không còn nhu cầu sử dụng...

Tổng công ty để phát sinh nợ phải thu khó đòi chiếm tỷ trọng cao trong nợ phải thu, phải trích lập dự phòng, dẫn đến khả năng có nguy cơ mất vốn; Để xảy ra một số khoản đầu tư, liên doanh, liên kết có nguy cơ tiềm ẩn mất vốn của Nhà nước; (iii) Người đại diện chủ sở hữu và người đại diện vốn Nhà nước tại các công ty liên kết được kiểm toán chưa thực hiện đầy đủ quy định về quyền và trách nhiệm theo quy định.

Đối với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn: khoản đầu tư góp vốn vào 02 doanh nghiệp không hiệu quả, tiềm ẩn.

KTNN đề nghị UBND Tp.HCM chỉ đạo Sở ngành chức năng thành phố và các đơn vị được kiểm toán tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với tập thể cá nhân có liên quan đến các nội dung trên.

 

Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM: Nhiều Tổng công ty nhà nước làm ăn không hiệu quả, có nguy cơ mất vốn" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).