TP.HCM sẽ công khai doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sở hữu nhà chung cư

24/06/2022 12:05

Cần phải có giải pháp để giải quyết triệt để tranh chấp về nhà chung cư xảy ra ngày càng tăng, gây bất ổn xã hội…

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Ngày 23/6/2022, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã có chỉ đạo về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức cần có giải pháp tăng cường, chủ động kiểm tra, xử lý đối với các khiếu nại, tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn quản lý.

Các tranh chấp chủ yếu liên quan đến quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ...

Cũng theo chỉ đạo này, Chủ tịch UNBD TP.HCM yêu cầu trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền giải quyết, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức chủ động phối hợp, báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan; không để xảy ra tình trạng người dân tập trung khiếu nại đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong đó, Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ nghiên cứu nội dung đề xuất của Sở Xây dựng về việc chấp thuận cho đăng tải các nội dung vi phạm của các doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng để người dân nắm thông tin; đối chiếu các quy định pháp luật liên quan và tình hình thực tiễn để báo cáo, đề xuất trình UBDN TP.HCM xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn số 1440/UBND-ĐT về việc triển khai kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM trên cơ sở Công văn số 4192/SXD-TT của Sở Xây dựng về vấn đề này.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM,  trên địa bàn thành phố có 1.518 chung cư với 2.445 lô, bao gồm 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Những quận có nhiều chung cư như quận 5 (245 chung cư), quận 1 (230 chung cư), quận Bình Thạnh (156 chung cư), quận 7 (103 chung cư), quận Tân Bình (67 chung cư), quận Tân Phú (76 chung cư) và TP. Thủ Đức (154 chung cư)… Riêng huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi không có chung cư.

Thời gian qua, Sở Xây dựng tiếp nhận ngày càng nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị và tranh chấp liên quan đến nhà chung cư. Qua rà soát, các nội dung phản ánh, kiến nghị và các tranh chấp chủ yếu liên quan đến quyền, nghĩa vụ của chủ đầu, ban quản trị, ban quản lý, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ... tại nhà chung cư.

Một số chung cư có nội dung phản ánh phức tạp, kéo dài, liên quan đến trách nhiệm của nhiều đơn vị quản lý hành chính các cấp như cấp giấy chứng nhận, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy, quỹ bảo trì, công tác theo dõi, giám sát các đối tượng có liên quan trong việc thực hiện các quy định pháp luật về nhà chung cư tại địa phương.

Do đó, cần phải tăng cường vị trí, vai trò và chức năng quản lý nhà chung cư tại địa phương, sự phối hợp của các Sở, ngành, quận huyện để cùng giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tránh tình trạng phản ánh khiếu nại kéo dài, vượt cấp.

Quy định xử phạt mới về nhà chung cư

Ngày 28/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16 "Quy định xử phạt hành chính về xây dựng", có hiệu lực từ tháng 02/2022.

Trong đó, hàng loạt biện pháp xử phạt hành chính vi phạm liên quan đến nhà chung cư, mức độ từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng được áp dụng.

Đối với chủ đầu tư chung cư, Điều 67 quy định: Phạt 80 - 100 triệu đồng nếu: Kinh doanh vũ trường; không mở tài khoản kinh phí bảo trì hoặc mở tài khoản không đúng quy định; không hoặc chậm có văn bản đề nghị UBND cấp xã tổ chức hội nghị nhà chung cư; không lập kế hoạch bảo trì hằng năm hoặc lập không đúng quy định; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành không đủ năng lực…

Phạt 200-260 triệu đồng nếu chủ đầu tư: Không bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng; quản lý, sử dụng kinh phí quản lý vận hành không đúng; không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định…

Đối với ban quản trị nhà chung cư, Điều 69: Phạt 60-80 triệu đồng nếu: Không có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao hồ sơ nhà chung cư; chậm hoặc không có văn bản đề nghị UBND cấp huyện yêu cầu CĐT phải bàn giao hồ sơ nhà; không có văn bản đề nghị chủ đầu tư chuyển giao kinh phí bảo trì...

Phạt 100-120 triệu đồng nếu: Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì sai quy định; tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung; tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý, vận hành…

Đối với người sử dụng nhà chung cư, Điều 70: Phạt 20-40 triệu đồng nếu: Gây thấm, dột căn hộ chung cư không thuộc quyền sở hữu, quản lý; sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc; kinh doanh hàng hóa nguy hiểm gây cháy nổ hoặc mất vệ sinh; Sử dụng căn hộ vào mục đích không phải để ở.

Phạt 60-80 triệu đồng nếu có hành vi: Chiếm dụng diện tích nhà ở, lấn chiếm không gian xung quanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng…

Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM sẽ công khai doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sở hữu nhà chung cư" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).