Dầu khí đối với nước ta không chỉ đóng góp rất lớn vào thu ngân sách hằng năm, chỉ đứng sau nguồn thu từ đất đai, mà hoạt động dầu khí còn có ý nghĩa quan trọng trong thực thi chủ quyền trên biển của quốc gia.
Vừa là doanh nghiệp, vừa tham gia quản lý nhà nước về dầu khí
Với tính chất ấy, Luật Dầu khí qua các thời kỳ được thiết kế rất đặc biệt, trong đó quy định trực tiếp về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với các mô tả về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền vừa như một doanh nghiệp tham gia hoạt động dầu khí, vừa có phần thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí.
Việc sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí lần này vẫn theo cách ấy. Chỉ khác ở chỗ, qua nhiều lần dự thảo, đến bản trình kỳ họp Quốc hội (QH), các điều khoản về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của PVN được tách thành một chương riêng, đặt ở cuối dự thảo, liền trước phần điều khoản thi hành.
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai góp ý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: QH
Tuy nhiên, câu hỏi là làm sao bóc tách được PVN ở hai vai: (1) Quản lý nhà nước theo nhiệm vụ Chính phủ giao, (2) doanh nghiệp như bao nhà thầu dầu khí khác.
Đại biểu (ĐB) Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho hay ở lần sửa đổi Luật Dầu khí năm 2000, cơ quan thẩm tra của QH đã đặt vấn đề cần bóc tách rõ hai chức năng của PVN. “Sau 22 năm, tôi nghĩ những đề xuất đó vẫn còn giá trị” - bà Mai nói.
Dù Chính phủ có nêu ra các mô hình tương đồng như Malaysia với biểu tượng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petronas nhưng nữ ĐBQH dẫn chứng các mô hình khác, khi Gazprom của Nga hay British Petroleum của Anh... đều kinh doanh độc lập, không dính dáng đến quản lý nhà nước.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thì nhắc tới những đóng góp to lớn của PVN cho nền kinh tế nhưng cũng không quên những tai tiếng, sai phạm, tiêu cực đang gây ra nhiều hệ lụy, vốn làm thiệt hại cả tiền bạc và cán bộ, cần nhiều năm để khắc phục.
Từ thực tiễn ấy, ông đề nghị dự luật cần bóc tách rõ nhất có thể giữa PVN là một doanh nghiệp nhà nước, nhất thiết phải tuân thủ các quy định pháp luật về doanh nghiệp, bảo đảm công bằng và bình đẳng như các doanh nghiệp khác; và PVN ở vai trò thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước được Chính phủ giao.
Luật Dầu khí điều chỉnh nhiều hoạt động phức tạp, đa dạng, có tính đặc thù cao của lĩnh vực dầu khí, theo thông lệ quốc tế. Vậy nên không tránh khỏi những xung đột với các đạo luật khác.
Vì vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí lần này mô tả ít nhất hai trường hợp các thỏa thuận, giao kết giữa các doanh nghiệp, nhà thầu “không bị coi là vi phạm pháp luật” về cạnh tranh cũng như về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cần đảm bảo minh bạch
Còn ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng quy định như dự thảo về thẩm quyền của PVN “rất nhập nhèm, khó xác định trách nhiệm, không minh bạch, dễ phát sinh tiêu cực”.
ĐB tỉnh Bến Tre dẫn dự thảo, quy định Bộ Công Thương có thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch khai thác, phát triển mỏ, thu dọn công trình dầu khí nhưng thẩm quyền điều chỉnh các kế hoạch này lại giao cho PVN trong trường hợp tổng mức đầu tư hoặc tổng chi phí sau điều chỉnh lần lượt nhỏ hơn 10% và 20%.
“Quy định như vậy dễ dẫn đến tiêu cực, câu kết với nhà thầu chia nhỏ để đáp ứng tiêu chí, nhằm vụ lợi, tránh sự kiểm soát của cấp có thẩm quyền” - bà Thủy băn khoăn.
Vì vậy, bà đề nghị xác định rõ PVN chịu trách nhiệm tới đâu trong trường hợp những nội dung do PVN thẩm định, phê duyệt hay tham mưu thẩm định, phê duyệt gây hậu quả thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước.
Nhìn chung, ý kiến của các ĐBQH đều xác định PVN đóng hai vai là một thực tiễn pháp lý. Tuy nhiên, như ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), dự luật cần dự liệu rõ hơn những hậu quả có thể xảy ra khi phát sinh tranh chấp. Bởi có lúc PVN xuất hiện với tư cách một bên ký hợp đồng, có lúc xuất hiện với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước.
Luật Dầu khí (sửa đổi) trình QH xem xét theo quy trình hai kỳ họp. Vậy nên đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để cùng cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo báo cáo ở kỳ họp QH sau.
“Trường hợp đặc biệt”
Một trong những định hướng quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật là phải đảm bảo tính cụ thể. Tuy nhiên, trong 64 điều khoản của dự thảo, có 21 điều khoản giao Chính phủ quy định cụ thể. Tôi nghĩ cần rà soát để cụ thể hóa tối đa những điều khoản này.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rất nhiều những trường hợp đặc biệt, như trường hợp đặc biệt không qua đấu thầu vẫn lựa chọn được nhà thầu, trường hợp đặc biệt gia hạn hợp đồng, trường hợp đặc biệt trong thu hồi chi phí, điều kiện đặc biệt của hợp đồng ưu đãi đặc biệt. Tất cả quy định này đều giao trách nhiệm quyết định cho Thủ tướng Chính phủ.
Tôi nghĩ những điều khoản đặc biệt như thế này có thể vô hiệu hóa rất nhiều điều khoản khác của luật. Vì vậy, tôi đề nghị rà soát để thu hẹp những trường hợp đặc biệt như vậy.