Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2022
Kinh tế thế giới năm 2021 hồi phục rất khó khăn bởi sự bùng phát các đợt dịch với các biến chủng. Nhìn chung, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi, nhưng đã bị mất đà và không đồng đều giữa các nước/khu vực, phụ thuộc vào diễn biến và việc phòng, chống dịch.
Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2021, kinh tế toàn cầu và các nước phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, gồm: (i) dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đa số các nước phải chuyển mục tiêu chống dịch từ “Zero-COVID-19” sang “sống chung với COVID-19”, (ii) thời hạn các gói hỗ trợ và phục hồi kinh tế đã ở giai đoạn cuối, dư địa chính sách tài khóa - tiền tệ không còn nhiều; (iii) tình trạng gián đoạn, đình trệ chuỗi cung ứng kéo dài nghiêm trọng; (iv) giá cả nguyên vật liệu đầu vào, năng lượng tăng mạnh do nhu cầu sản xuất cùng với đà phục hồi của nền kinh tế; (v) lạm phát gia tăng mạnh do mặt bằng giá tăng và một phần là hệ lụy từ các gói hỗ trợ trong thời gian qua. Hiện nay, các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,6-5,9% năm 2021.
Về triển vọng năm 2022, các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi nhưng đà tăng sẽ chậm lại do các nước sẽ dần thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Kinh tế toàn cầu 2022 dự báo tăng trưởng 4,5-5%, trong đó các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 4-4,5%, và các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng 5,1-5,5%.
Tuy nhiên, trong năm 2022, kinh tế toàn cầu và từng nước vẫn tiếp tục đối mặt với 5 rủi ro chính sau: (i) dịch bệnh còn phức tạp với biến chủng Omicron và khả năng xuất hiện các biến chủng khác trong khi phân phối và tiến trình bao phủ vaccine COVID-19 có thể bị chậm lại, (ii) Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do tập trung thay đổi cơ cấu và lành mạnh hóa thị trường, (iii) giá cả, lạm phát còn ở mức cao khiến các nước bắt đầu thu hẹp chính sách và tăng lãi suất, (iv) rủi ro tài khóa, nợ doanh nghiệp và hộ gia đình gia tăng, (v) căng thẳng và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn còn phức tạp.
Triển vọng kinh tế Mỹ
Tăng trưởng GDP của Mỹ đạt mức cao trong nửa đầu năm, sau đó giảm đáng kể trong 6 tháng cuối năm; chủ yếu do các động lực cho phục hồi kinh tế giảm dần. Cụ thể, tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình giảm mạnh, trong khi khu vực sản xuất cũng có xu hướng giảm, các gói hỗ trợ kinh tế đã phát huy hết hiệu lực và đã xuất hiệu tác dụng phụ là lạm phát đang cao hơn mục tiêu của FED. Các dữ liệu mới nhất (17/12/2021) phản ánh rõ nét thực tế trên.
Đến hết tháng 11/2021, (i) Tiêu dùng trong quý III chỉ tăng 0,43% so với quý trước (thấp hơn mức tăng 2,74% và 2,88% của quý I và quý II; thậm chí, dự báo quý IV sẽ giảm 2,22%); (ii) chỉ số PMI sản xuất tháng 12 giảm xuống 57,8 điểm, mức thấp nhất trong năm 2021 và là tháng giảm thứ 5 liên tiếp kể từ mức đỉnh 63,2 điểm hồi tháng 7/2021; tỷ lệ lạm phát tháng 11 của Mỹ đã tăng lên 6,8%, cao nhất từ năm 1982 và là tháng thứ 9 liên tiếp vượt mức mục tiêu 2%. Nguyên nhân chủ yếu do dịch bệnh kéo dài, tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng, trong khi nhu cầu vẫn tăng, cộng với vòng xoáy lương - tiền.
Về triển vọng, kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải hơn vào năm 2022. Fed và các tổ chức quốc tế nhận định Mỹ cần kiểm soát được dịch bệnh để lấy lại đà phục hồi kinh tế và dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 5,8-6% năm 2021 và 3,9-4,5% năm 2022, sau đó giảm dần về mức tăng trưởng như trước đại dịch từ năm 2023 (1,7-2,5%). Trong khi đó, lạm phát của Mỹ được dự báo ở mức 3,2-3,6% năm 2021 và 2,5-2,8% năm 2022.
Triển vọng kinh tế EU
Kinh tế khu vực sau giai đoạn phục hồi chậm trong 6 tháng đầu năm, đã bất ngờ tăng trở lại trong quý III/2021 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế hàng đầu khu vực như Đức, Pháp, Ý. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này đã không thể duy trì trong quý IV do lạm phát tăng mạnh, ảnh hưởng đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng ngay từ đầu tháng 10. Tiêu dùng cá nhân của EU trong quý IV được dự báo giảm 0,67% so với quý trước, sau khi đã tăng 4,01% trong quý III và 3,73% trong quý II. Chỉ số PMI dịch vụ tháng 12 cũng giảm về 53,3 điểm (thấp hơn 2,6 điểm so với tháng 11) và là mức thấp nhất kể từ đầu quý II/2021.
Hơn nữa, lĩnh vực dịch vụ - tiêu dùng cũng chịu nhiều tác động do các nước thành viên áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt để đối phó với sự bùng phát của các biến chủng Delta, Omicron,… Trong khi đó, nguồn cung ứng toàn cầu bị đình trệ đã ảnh hưởng tới sản xuất của khu vực, chỉ số PMI sản xuất tháng 12 của EU ở mức 58 điểm (tương đương 3 tháng liền trước) và sụt giảm đáng kể so 9 tháng đầu năm (dao động 62-63,5 điểm).
Về triển vọng kinh tế EU, các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng của khu vực khoảng 4,8 - 5% năm 2021 và 4,2-4,4% năm 2022 nhờ chi tiêu bị dồn nén được giải phóng kết hợp với các các gói hỗ trợ mới thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, một số rủi ro tiêu cực vẫn tồn tại, bao gồm hạn chế nguồn cung kéo dài, diến biến khó lường của đại dịch, giá năng lượng cao và tình hình nợ công cao tại một số nước thành viên. Trong khi đó, lạm phát khu vực được dự báo ở mức khoảng 1,6-1,8% năm 2021 và 2022.
Triển vọng kinh tế Trung Quốc
Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh trong nửa đầu năm 2021 nhưng đã chậm lại trong quý 3 do: (i) các đợt bùng phát COVID-19 và Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược “Zero COVID”, (ii) thiếu điện do khủng hoảng năng lượng cục bộ, và (iii) lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn sau khi Chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh để kiểm soát thị trường BĐS,…; nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong nguy cơ tăng trưởng thấp trong quý 4 khi nhiều chỉ tiêu như doanh số trong lĩnh vực bán lẻ, giá nhà, và sản lượng công nghiệp... đều giảm.
Ngược lại, thương mại quốc tế là điểm sáng, neo giữ đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được duy trì ở mức cao trong cả năm, trên 20%. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (12/2021), kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tháng 11/2021 đạt 324,53 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp đáng kể vào mức thặng dư thương mại 71,7 tỷ USD trong tháng 11. Xuất khẩu và thặng dư thương mại gia tăng còn giúp Trung Quốc ổn định tỷ giá, gia tăng dự trữ ngoại hối (đạt 3,22 nghìn tỷ USD, tháng 11/2021), tăng cường khả năng chống chịu các cú sốc cả từ bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế.
Về triển vọng, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng trên 6% năm 2021 cùng với việc thay đổi chính sách và mô hình tăng trưởng từ “tăng trưởng tốc độ cao” sang “tăng trưởng bền vững”. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 8% năm 2021, nhưng sẽ giảm tốc xuống 5,1-5,6% năm 2022, mở đầu cho giai đoạn tăng trưởng mới của kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, lạm phát của Trung Quốc được dự báo lần lượt là 1,1% năm 2021 và 1,8% năm 2022.
Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022
Trong bối cảnh thế giới dự báo có nhiều biến động, đặc biệt là diễn biến đại dịch COVID-19 còn phức tạp, khó lường, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 dự báo khoảng 4,5-5%, lạm phát toàn cầu khoảng 3,3%; chúng tôi cho rằng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Việt Nam sẽ là đa mục tiêu, trong đó trọng tâm vẫn là vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe và sinh mạng người dân; vừa phục hồi, phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới. Chúng tôi dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 như sau.
- Tăng trưởng GDP: năm 2022, các hoạt động KTXH được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn nhờ độ bao phủ vaccine, thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp và kinh nghiệm ứng phó của toàn xã hội. Hiện nay, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Theo đó, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng khoảng 6,5-7% nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 2022-2023. Đây là khả quan hơn so với mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra cho năm 2022 với GDP tăng khoảng 6-6,5%, CPI tăng dưới 4% (chúng tôi dự báo khoảng 3,5-3,8%). Để làm rõ hơn, chúng tôi đưa ra 2 kịch bản (có hoặc không có chương trình phục hồi) như sau:
Theo hướng cầu, các động lực tăng trưởng chính của nềnkinh tế trước đại dịch (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2022 nếu Việt Nam kiểm soát được tình hình dịch bệnh và tích cực triển khai chương trình tiêm chủng vaccine, cơ bản đạt khoảng 90% dân số đến hết quý 1/2022 (hiện là 77%), trong đó đầu tư và tiêu dùng phục hồi mạnh hơn năm 2021. Theo hướng cung, những động lực tăng trưởng chính sẽ tiếp tục là lĩnh vực nông-lâm–thủy sản (tăng trên 3%), lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (trong đó, công nghiệp chế biến – chế tạo đạt mức tăng trưởng cao trên 10%) và khu vực dịch vụ (nhất là du lịch, vận tải – kho bãi, lưu trú – ăn uống...) phục hồi dần và ngày càng tốt lên.
- Lạm phát: năm 2022, dự báo lạm phát sẽ ở mức 3,5-3,8%, cao gấp gần 2 lần so với năm 2021. Đây là mức lạm phát cao hơn trung bình toàn cầu và các nước ASEAN; lý do chính là: (i) lạm phát Việt Nam gia tăng (chậm hơn các nước) cùng với đà phục hồi kinh tế; (ii) giá cả, lạm phát toàn cầu còn ở mức cao (tương đương năm 2021) dẫn đến vẫn còn hiện tượng “nhập khẩu lạm phát”, (iii) độ trễ của chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, bao gồm cả việc thực hiện Chương trình phục hồi. Đây vẫn là mức lạm phát thấp hơn mục tiêu dưới 4% và một số yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát như nguồn cung hàng hóa dồi dào, lực cầu tiêu dùng sẽ không đột biến, khả năng chưa điều chỉnh một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn.
- Hoạt động xuất nhập khẩu: dịch bệnh toàn cầu và Việt Nam được dự báo sẽ kiểm soát tốt hơn (do bao phủ vaccine và thuốc, kinh nghiệm phòng chống dịch) cùng với việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã và sẽ có hiệu lực (như RCEP), tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới cho hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam, nhất là khi các đối tác chính (như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc) vẫn duy trì phục hồi, dù Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm hơn, duy trì sức cầu. Theo đó, năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu được dự báo tăng trưởng ở mức 13-15%, ước đạt 740-750 tỷ USD, trong đó xuất khẩu dự báo đạt khoảng 372-380 tỷ USD (tăng 13-15%). Nhập khẩu dự báo đạt 366-372 tỷ USD, tăng 11-13% so với năm 2021 để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, cũng như tăng nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, tình hình xuất, nhập khẩu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của các biến chủng COVID-19 mới (như Omicron) khiến thương mại toàn cầu bị sụt giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy phần nào; cũng như chiến lược chống dịch “Zero COVID” của Trung Quốc khiến việc lưu thông hàng hóa XNK gặp nhiều khó khăn.
- Vốn FDI: năm 2022, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng ở mức “vừa phải’’ do dịch bệnh còn phức tạp, thu hút FDI của Việt Nam có một số lợi thế, trong đó phải kể đến các FTA đã và sẽ có hiệu lực, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng còn diễn ra, ổn định chính trị, nỗ lực cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam…v.v. Tuy nhiên, yếu tố cản trở chính trong thu hút và giải ngân FDI vẫn là là dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; do đó, nếu Việt Nam tích cực thúc đẩy chương trình tiêm chủng và sớm đạt 90% dân số hết quý 1/2022 và kiểm soát được dịch bệnh, dự báo FDI đăng ký sẽ đạt khoảng 32-33 tỷ USD (tăng 5-10%); FDI thực hiện sẽ đạt 22-23 tỷ USD (tăng khoảng 10-15%).
- Thâm hụt NSNN, nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ: Với tiềm lực, dư địa tài khóa tương đối khả quan, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò trọng yếu, phối hợp chặt chẽ với CSTT và các chính sách khác để hỗ trợ phục hồi, phát triển KT-XH giai đoạn 2022-2023. Nếu thực hiện chương trình hỗ trợ, dự báo thâm hụt ngân sách sẽ ở mức khoảng 5-5,1% GDP năm 2022 (cao hơn 1,1 điểm % so với không có chương trình hỗ trợ) và ở mức khoảng 5,8-6% GDP năm 2023 (tăng khoảng 2,4 điểm % so với không có chương trình hỗ trợ). Trong khi đó, nợ công sẽ ở mức khoảng 44-44,8% GDP năm 2022 (cao hơn 0,5 điểm %) và ở mức khoảng 42-43% GDP năm 2023 (cao hơn 1-1,5 điểm % so với không có chương trình). Trong khi đó, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ sẽ tăng khoảng 20 nghìn tỷ đồng mỗi năm; tương ứng với tăng thêm khoảng 0,17 điểm % năm 2022 và 0,32 điểm % năm 2023 (so với không có chương trình).
- Lãi suất: năm 2022 dự kiến NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Do đó, lãi suất dự báo được duy trì ở mức thấp, mặc dù trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất, nhu cầu tín dụng và áp lực lạm phát tăng lên (như phân tích ở trên) có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng nhẹ so với năm 2021.
- Tỷ giá: năm 2022, tỷ giá dự kiến tăng ở mức 0,5-1% so với cuối năm trước do: (i) hoạt động kinh tế phục hồi khiến nhu cầu thanh toán, vay ngoại tệ bằng đồng USD tăng lên; (ii) Fed thực hiện thu hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng khiến cho giá trị đồng USD duy trì ở mức cao; (iii) dự trữ ngoại hối duy trì ở mức cao giúp giá trị VND ổn định; (iv) cán cân thương mại dự báo tiếp tục thặng dư; và (iv) kiều hối tiếp tục tăng so với năm 2021, hỗ trợ tỷ giá ổn định.
- Tăng trưởng tín dụng: năm 2022, dự kiến tín dụng sẽ được mở rộng hơn, dự kiến tăng14-15%. Định hướng phát triển tín dụng của NHNN trong năm 2022 sẽ tập trung vào việc phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế; thúc đẩy tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có hiệu quả, chú trọng định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế.
- Về kinh tế số: Kinh tế số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 và giai đoạn 2022-2025 nhờ sự bùng nổ của công nghệ và nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng số. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần sớm khắc phục các rào cản về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế số. Theo dự báo của Google, Temasek, Bain & Company, kinh tế số Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á với mức tăng 29-30%/năm giai đoạn 2022-2025; thương mại điện tử tăng khoảng 32%/năm, gấp 1,8 lần trung bình khu vực; tốc độ tăng giá trị và số lượng giao dịch thanh toán điện tử đạt 35-40%/năm…v.v.
Tám kiến nghị để Việt Nam đạt mục tiêu phục hồi và tăng trưởng
Để đạt được mục tiêu phục hồi, tăng trưởng kinh tế ở mức 6-6,5% như Quốc hội giao hay có thể cao hơn (6,5-7% như chúng tôi dự báo), chúng tôi có 8 kiến nghị như sau:
Một là, quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ là quyết tâm thực hiện “đa mục tiêu” (chứ không chỉ có mục tiêu kép), gồm: vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo năng lực y tế, an sinh xã hội, năng lực chống chịu các cú sốc bên ngoài và tâm thế phục hồi, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong và sau đại dịch.
Hai là, cần sớm ban hành và thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch, với chiến lược nhất quán là “sống chung an toàn với COVID”, trong đó cần quan tâm, có kế hoạch tổng thể về nâng cao năng lực y tế.
Ba là, cần thực thi hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023. Chương trình này cần gắn kết với Chiến lược phòng chống dịch, đề án cơ cấu lại nền kinh tế và 3 đột phá chiến lược.
Bốn là, đẩy nhanh, quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc sớm nhất có thể. Sớm sửa đổi các bộ luật được sự quan tâm lớn của người dân và DN hiện nay như “một luật sửa 8 luật”, luật Đất đai, luật Nhà ở...
Năm là, phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm: (i) thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, (ii) kiểm soát rủi ro phát sinh, rủi ro lạm phát, rủi ro tài khóa (do phải chấp nhận nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ, tín dụng tăng trong tầm kiểm soát), (iii) kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính (đan xen giữa lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm); (iv) Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, hệ thống chia sẻ thông tin phục vụ hiệu quả phối hợp chính sách từ hoạch định đến khâu thực thi …
Sáu là, có kế hoạch, giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô (nhất là kiểm soát lạm phát, giá cả, nợ xấu… đang gia tăng), đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tiền tệ, tài khóa, đưa về quỹ đạo ổn định, bền vững hơn sau khi kết thúc Chương trình phục hồi, phát triển KTXH.
Bảy là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Chính phủ cần sớm ban hành các đề án cơ cấu lại cấu phần quan trọng (DNNN, TCTD, đầu tư công và đơn vị sự nghiệp công…) nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và NQ 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội.
Tám là, hết sức chú trọng tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp: cần đẩy nhanh thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ; tăng tính gắn kết giữa các khối doanh nghiệp (trong nước với FDI, lớn với nhỏ); áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ đối với mọi loại hình doanh nghiệp (bao gồm cả DNNN); nâng đỡ, khuyến khích để các hộ gia đình chuyển đổi thành DN siêu nhỏ thành công và hiệu quả; đồng thời, tạo điều kiện để xây dựng một số doanh nghiệp lớn (đầu đàn) dẫn dắt, đi đầu trong kiến tạo, kết nối các chuỗi giá trị.
Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV/kinhtevadubao.vn.