Trưởng khoa ở ĐH Công nghiệp Hà Nội tự ý tổ chức in ấn tài liệu bán cho sinh viên, thu hàng trăm triệu đồng

25/09/2022 17:56

Quá trình xác minh của tổ công tác Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho thấy, bà Vũ Thị Hồng Vân - Trưởng khoa Lý luận Chính trị Pháp luật chỉ đạo in ấn bài tập đã được biên soạn trước đó để bán cho sinh viên, nhưng không xin phép nhà trường.

Trưởng khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật bị "tố" tổ chức in, bán tài liệu 

Thời gian qua, dư luận Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội xôn xao việc bà Vũ Thị Hồng Vân - Trưởng khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật bị tố cáo tổ chức in tài liệu tham khảo trái phép bán cho sinh viên, thu lợi bất chính, không thông qua Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. 

Trường Đại học Công nghiệp có khoảng 40.000 sinh viên, Khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật phụ trách dạy gần 20 môn; trong đó có 6- 7 môn bao gồm: Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Pháp luật đại cương, Kinh tế chính trị Mác- Lê nin… là những môn học cơ bản dạy cho sinh viên trong toàn trường. Mỗi môn, mỗi kỳ có khoảng 10.000 sinh viên học các môn này. 

"Mỗi cuốn tài liệu rất mỏng, hàm lượng kiến thức không nhiều, chi phí in ấn chỉ từ 2.000- 3.000 đồng, được bà Vân yêu cầu giáo viên bán với giá 17.000 đồng. Để hợp thức số tiền này, bà Vân nói sẽ trích lại trên mỗi cuốn sách 1.000 đồng để làm quỹ hoạt động của Khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật", đơn thư tố cáo viết.

Cũng theo đơn thư tố cáo, hàng năm mỗi kỳ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đều chi trả một số tiền cho giảng viên như: Tiền báo cáo học phần, tiền đi giảng dạy tại phân hiệu Hà Nam và một số loại tiền chi phúc lợi xã hội khác. Bà Vân trực tiếp đi nhận tiền và phát lại cho giảng viên. 

Tuy nhiên, theo đơn thư tố cáo lợi dụng chức vụ và quyền hạn bà Vân đã cắt xén tiền của một số giáo viên như tiền báo cáo học phần môn học hàng năm.

truong-dai-hoc-cong-nghiep-ha-noi-16639202228601426887560-16639202725832027302157-1664062270.jpeg
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có trụ sở tại thị trấn Nhổn, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Cụ thể, theo quy định của trường, những môn dạy theo chương trình Cidio sẽ có báo cáo cá nhân và báo cáo tổng hợp sẽ được Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chi trả 1,5 triệu đồng/báo cáo. Nhưng, thực tế mỗi người làm báo cáo tổng hợp chỉ được nhận từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Việc làm này khiến giáo viên trong khoa bức xúc.

Ngoài ra, năm học 2020- 2021 thực hiện chủ trương của nhà trường về xây dựng bài giảng kết hợp, Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật có một số môn học, mỗi nhóm có 3 giảng viên cho mỗi môn học. Việc xây dựng bài giảng rất khó khăn, vất vả, kéo dài hơn 6 tháng làm việc liên tục. 

Sau khi xây dựng xong và nghiệm thu, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã bồi dưỡng chi cho mỗi giáo viên 7 triệu đồng vào tài khoản riêng. Tuy nhiên, sau khi được nhận tiền, một số thầy cô liên tục bị bà Vân gọi điện thoại yêu cầu cắt lại một phần số tiền nhà trường chi trả bồi dưỡng, khiến các giáo viên bất bình.

Không báo nhà trường, Trưởng khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật in tài liệu "chui"

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội xác nhận, nhà trường nhận được đơn thư nặc danh "tố" bà Vũ Thị Hồng Vân - Trưởng khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật về việc lợi dụng chức vụ quyền hạn tham ô, trục lợi, trù dập cán bộ giảng viên trong khoa.

Sau khi nhận được đơn thư, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức xác minh vụ việc. Tổ xác minh do ông Kiều Xuân Thực- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm tổ trưởng.

Quá trình xác minh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội gặp nhiều khó khăn do không biết người tố cáo là ai để đề nghị cung cấp tài liệu, chứng cứ.

"Chúng tôi vẫn cho xác minh để ổn định tình hình, thực ra mình xác minh trên cơ sở người ta báo cáo, khoa báo cáo, chứ cũng không biết người viết là ai để báo người ta cung cấp cái gì cả...", bà Hương nói.

Về nội dung tố cáo bà Vân tổ chức chỉ đạo in ấn tài liệu tham khảo trái phép không xin phép Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, bà Hương cho biết, quá trình xác minh của tổ công tác cho thấy có việc bà Vân chỉ đạo các Trưởng bộ môn photo tài liệu là bài tập đã được các thầy cô biên soạn, tổng hợp giúp sinh viên ôn thi để bán cho sinh viên.

Một Trưởng khoa Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chỉ đạo in ấn tài liệu “chui” bán cho sinh viên - Ảnh 2.

Quá trình xác minh tổ công tác Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho thấy, bà Vũ Thị Hồng Vân- Trưởng Khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật chỉ đạo thầy cô giáo trong khoa in ấn tài liệu là bài tập đã được các thầy cô biên soạn, tổng hợp giúp sinh viên ôn thi để bán cho sinh viên. Ảnh minh họa (ảnh internet).

 

Việc in ấn tài liệu có sự thống nhất trong toàn Khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật, có cả biên bản họp chi bộ, biên bản họp tất cả trưởng bộ môn với Phó trưởng Khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật.

"Tuy nhiên, cái sai của bà Vân là không xin phép Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Theo nguyên tắc, khi xin phép nhà trường thì mới được thu; ngoài ra thu tiền như nào cũng phải có dự toán"- bà Hương cho biết.

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt qua điện thoại, ông Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cho biết: "Theo phân cấp quản lý cán bộ phòng, ban do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bổ nhiệm, nên Bộ Công Thương chuyển đơn thư tố cáo cho nhà trường xác minh. Hiện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang xác minh nội dung tố cáo bà Vũ Thị Hồng Vân - Trưởng khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật".

Theo bà Hương, từ năm 2019 đến nay dưới sự chỉ đạo của bà Vân các thầy cô giáo trong khoa đã in ấn 43.374 cuốn tài liệu. 

Trong đó, năm 2019 đã bán cho sinh viên 28.185 cuốn tài liệu; Số tài liệu tồn của năm 2020 khoảng 15.000 cuốn, tuy nhiên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chưa thống kê cụ thể trong kho còn bao nhiêu, bởi trước đó đầu năm 2020 các thầy cô giáo đã phát bán cho sinh viên.

Hiện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang đợi các thầy cô nộp về, khi có số liệu cụ thể mới thống kê số lượng tài liệu còn tồn, để từ đây báo cáo lên Bộ Công thương.

Cũng theo bà Hương, số từ số tài liệu bán cho sinh viên Khoa Lý luận Chính trị - Pháp luật đã thu về trên 479 triệu đồng. Trong đó, chi trả cho các đơn vị photo, người thẩm định nội dung với hai hóa đơn chứng từ là hơn 263,6 triệu đồng và 11,234 triệu đồng; số tiền còn lại chi vào các hoạt động chung của Khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật.

Theo bà Hương, từ năm 2021, tài liệu được Khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật tải lên mạng nên không diễn ra chuyện phát tài liệu và thu tiền như trước đó.

Trước thông tin tại sao Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội không xác minh việc in tài liệu từ năm 2015, mà lại xác minh từ năm 2019, bà Hương cho biết, năm 2019 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có 7 môn tách ra, trước đó là những môn khác. Do vậy, nhà trường không thể tìm những người dạy môn khác, hay sinh viên học trước đó để hỏi được.

Về nội dung tố cáo bà Vân cắt xén tiền học phần của một số giáo viên, bà Hương cho hay, không có chuyện bà Vân cắt, xén, lấy lại tiền của giáo viên.

Theo bà Hương, sau khi lĩnh tiền hộ các giáo viên ở Phòng Tài chính, bà Vân căn cứ vào khối lượng công việc mà các giảng viên làm trong báo cáo học phần để phân bổ tiền theo đúng công sức các giảng viên đóng góp trong báo cáo. Việc phân bổ có danh sách, có công khai trước Khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật.

"Thực ra không có chuyện Trưởng khoa lấy lại tiền. Một học phần ví dụ giáo viên làm 3 báo cáo, tên danh sách trên hệ thống đại học là 3 bản, nhưng giáo viên không đủ sức làm 3 bản, chỉ làm có 1,5 thôi. Còn lại phải cắt sang bên khác làm thêm nhưng ghi trên hệ thống vẫn là 3, khi về cũng phải phân bổ lại, có thống nhất của khoa rồi, các trưởng nhóm đều có xác nhận.

Có 12 - 13 người làm việc đấy (làm báo cáo- PV). Thực ra bổ người này sang người kia thôi chứ không phải chị Vân lấy ra. Bởi có những người mang tên thôi nhưng không làm đủ 3 bản...", bà Hương nói.

Theo bà Hương, vừa qua Khoa Lý luận Chính trị- Pháp luật bỏ phiếu đánh giá viên chức đề nghị bà Vân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đánh hạ hai bậc thi đua của bà Vân, xuống thành hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời không xét các danh hiệu thi đua cấp cao.

Về nội dung tố cáo bà Vân yêu cầu giáo viên cắt lại tiền xây dựng bài giảng kết hợp, theo xác minh, nội dung này là Có. 

Theo đó, khi được yêu cầu cắt lại tiền các thầy cô giáo đều đồng ý, có sự thống nhất. Tuy nhiên, số tiền cắt lại là 50% chứ không phải 60%.

Theo bà Hương, sau khi xác minh chỉ có một cán bộ giảng viên chuyển khoản lại, còn lại tất cả nộp tiền mặt. Số tiền này vẫn đang được giữ ở Khoa Lý luận, Chính trị- Pháp luật.

"Chỉ có mỗi cái chưa chi, vẫn giữ lại. Chị Vân đang giao cho thủ quỹ giữ. Chị Vân lại là người nhận trực tiếp, nên mọi người nghĩ chị Vân đang cầm…", bà Hương nói.

PV sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết "Trưởng khoa ở ĐH Công nghiệp Hà Nội tự ý tổ chức in ấn tài liệu bán cho sinh viên, thu hàng trăm triệu đồng" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).