Phát hành hàng nghìn tỷ trái phiếu rồi cấp tập mua lại được phần nhỏ
Thời gian gần đây, làn sóng mua lại trái phiếu đang diễn ra ồ ạt thời gian gần đây và Trungnam Group cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hàng trăm tỷ đồng trái phiếu đã được các công ty thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn này mua lại. Tuy nhiên, con số này vẫn không thấm vào đâu so với lượng trái phiếu khổng lồ mà nhóm này đã phát hành trong hơn 3 năm qua.
Trong định hướng chiến lược, Trung Nam Group sẽ tiếp tục đầu tư nhiều dự án năng lượng. Cụ thể, đến năm 2025, tập đoàn đặt mục nâng mức công suất sở hữu lên thành 3,8 GW năng lượng tái tạo và 1,5 GW điện khí LNG, doanh thu dự kiến hơn 1,5 tỷ USD.
Để mở rộng phát triển các mảng chủ chốt như năng lượng tái tạo, bất động sản vài năm gần đây, nhóm các đơn vị thành viên của Trungnam Group liên tục phát hành trái phiếu, huy động vốn. Điển hình: CTCP Điện gió Trung Nam - Đắk Lắk 1, CTCP Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, CTCP Trung Nam - Thuận Nam… với quy mô trên chục nghìn tỷ đồng.
Theo thống kê, các thành viên thuộc Trungnam Group đã huy động gần 34.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu kể từ năm 2019 đến nay. Trong đó, 10.250 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Điện gió Trung Nam - Đăk Lăk 1 phát hành năm 2021 là thương vụ tư vấn phát hành trái phiếu lớn nhất.
Riêng từ đầu năm 2022, Trungnam Group đã trải qua 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động 3.230 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Chương trình “Cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng” do VNDirect tổ chức chiều 26/10, ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch Trungnam Group khẳng định tình hình tài chính của tập đoàn hoàn toàn khỏe mạnh. Sắp tới, tập đoàn này còn đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn quốc tế. Công ty dự kiến huy động gần 1 tỷ USD để tiếp tục phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi phát hành trái phiếu ra là đi vào dự án. Nhiều khi phát hành chúng tôi trả luôn cho nhà thầu sản xuất thiết bị nước ngoài luôn vì làm xong thì mới phát hành trái phiếu. Quy mô của mảng năng lượng Trung Nam, tới đây sẽ có báo cáo đánh giá của đơn vị quốc tế định giá 3,5 tỷ USD. Với quy mô hơn 1 tỷ USD trái phiếu phát hành sẽ không là gì” - Chủ tịch Trungnam Group nhấn mạnh.
Trước đó vào đầu tháng 7, Bloomberg đưa tin Trungnam Group đang làm việc với tổ chức tư vấn tài chính để bán từ 30-35% vốn trong danh mục đầu tư, chủ yếu là dự án điện gió và điện mặt trời. Định giá mảng này có thể lên đến 1 tỷ USD. Rất khó để mức định giá trên tăng vọt chỉ trong thời gian ngắn và rất có thể những con số ông Thịnh đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo.
Quy mô khổng lồ nhưng lãi mỏng
Trungnam Group tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, tiền thân là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng được thành lập từ năm 2004.
Sau 18 năm hoạt động, doanh nghiệp đã phát triển thành tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử.
Trungnam Group được chèo lái bởi 2 doanh nhân là ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) - Tổng Gám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Tập đoàn lấn sân sang lĩnh vực năng lượng tái tạo từ năm 2018 và đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Tính đến nay, Trungnam Group có 14 nhà máy điện, tổng sản lượng điện đang phát lên lưới là 4,3 tỷ Kwh hàng năm. Trong đó, điện gió 700MW và 120MW là thủy điện, còn lại là điện mặt trời. 2 dự án lớn nhất của tập đoàn là điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam sản lượng 1,2 tỷ kWh, tổng đầu tư 12.000 tỷ đồng và dự án điện gió Ea Nam, sản lượng 1,1 tỷ kWh có quy mô lớn nhất nước với tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng.
Sau khi xác định đầu tư mạnh cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, Trungnam Group đã tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 20.940 tỷ đồng trong 5 năm. Quy mô tài sản cũng theo đó tăng vọt và đạt hơn 41.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm đạt khoảng 23.300 tỷ đồng tương ứng nợ phải trả ở mức 17.700 tỷ đồng.
Quy mô khủng nhưng Trungnam Group kinh doanh trồi sụt khá thất thường với khoảng lãi mỏng chỉ vài trăm tỷ mỗi năm trong giai đoạn 2017-2020. Đến năm 2021, Trungnam Group ghi nhận doanh thu đạt 8.788 tỷ đồng, giảm 14,5% so với cùng kỳ tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại bất ngờ tăng đột biến lên 2.105 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Nhiều khả năng nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng đột biến trong khi doanh thu giảm có thể đến từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần. Trong năm 2021, Trungnam Group đã bán 49% cổ phần tại Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) và bán 35,1% cổ phần Nhà máy Điện gió Trung Nam cho Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE ) - thành viên của Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản).
Ngoài công ty mẹ, 2 thành viên có tổng tài sản lớn gồm Điện gió Trung Nam - Đắk Lắk 1 - chủ đầu tư dự án điện gió Ea Nam và Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam - chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn lên đến trên 92.568 tỷ đồng.
Đa phần các đơn vị thành viên trong lĩnh vực năng lượng của tập đoàn đều có kết quả kinh doanh tăng vọt. Trong đó, Điện mặt Trời Trung - Nam Thuận Nam ghi nhận doanh thu đột biến từ 346 tỷ đồng năm 2020 lên 1.822 tỷ đồng năm 2021, lợi nhuận tăng từ 637 triệu đồng lên 402 tỷ đồng. Điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh tăng mạnh doanh thu từ 526 tỷ lên 898 tỷ và lợi nhuận tăng từ 96 tỷ lên 114 tỷ đồng. Còn Điện gió Trung Nam - Đắk Lắk 1 và Điện gió Trung Nam - Trà Vinh 1 bắt đầu phát sinh doanh thu, lợi nhuận.