Tuần 18 – 22/7: Khối tự doanh tập trung gom bluechip, đẩy mạnh giao dịch phái sinh hơn 3.600 tỷ đồng khi đáo hạn

23/07/2022 22:01

Thị trường chứng khoán Việt Nam (18 – 22/7) diễn biến tích cực theo xu hướng chung của chứng khoán thế giới. Trong tuần này bộ phận tự doanh công ty chứng khoán thu hẹp đà bán ròng cổ phiếu trên HOSE trong khi mua vào trên UPCoM.

Tín hiệu tích cực khi dòng tiền tự doanh trở lại mua ròng cổ phiếu

Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index ở 1.194,76 điểm, tăng 1,32% so với cuối tuần trước đó. Trong phiên cuối tuần chỉ số lình xình quanh ngưỡng 1.200 điểm. Dù phần lớn thời gian giao dịch trên mốc đó nhưng không thể vượt qua do tác động của nhóm VN30. Bởi vậy lực tăng của VN30-Index yếu hơn thị trường chung, đạt 0,71%.

Khởi sắc hơn sàn HOSE, HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 1,56% và 1,74% so với cuối tuần trước.

Tuy vậy, lực tăng của chứng khoán Việt Nam vẫn yếu hơn thị trường chứng khoán lớn trong khu vực và trên thế giới như Indonesia (3,53%), Nhật Bản (4,2%), Hàn Quốc (2,67%), Mỹ (Dow Jones – 1,95%, S&P 500 – 2,55%).

giao-dich-1658551887.png Giao dịch của khối tự doanh theo tuần. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Tín hiệu tốt trong tuần là sự trở của dòng tiền, cải thiện thanh khoản thị trường. Trong khi khối ngoại trở lại mua ròng, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cũng có diễn biến tương tự.

Thống kê trên sàn HOSE, bộ phận tự doanh giảm quy mô bán ròng cổ phiếu xuống còn 19,6 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể giá trị 650,4 tỷ đồng của tuần trước. Hoạt động bán ròng diễn ra trong 3/5 phiên giao dịch. Khối này tiếp tục mua vào 164,3 tỷ đồng chứng chỉ quỹ ETF nội, chứng quyền từ khối ngoại, chủ yếu là FUEVFVND.

Bộ phận tự doanh đảo chiều mua ròng 34,8 tỷ đồng trên thị trường UPCoM và duy trì trạng thái mua ròng nhẹ 4,3 tỷ đồng tại sàn HNX.

Cổ phiếu nào là tâm điểm giao dịch?

Thông tin về những mã được mua bán mạnh nhất trong tuần, mã FUEVFVND của DCVFM VN Diamond ETF dẫn đầu về giá trị mua ròng với 155,6 tỷ đồng. Khối tự doanh là bộ phận đối ứng giao dịch khi dòng tiền ngoại có dấu hiệu rút ròng với chứng chỉ quỹ này.

E1VFVN30 cũng được mua ròng 62,6 tỷ đồng trong khi đó FUESSVFL bị bán ròng 60,3 tỷ đồng.

Tại giao dịch cổ phiếu, dòng tiền hướng đến các bluechip trong khi rút ròng tại các mã rổ VN Diamond. Hai mã MSN và GAS được vào ròng với quy mô tương đương, quanh ngưỡng 115 tỷ đồng.

Cổ phiếu GEX tiếp nối chuỗi mua ròng của tuần trước với 44,4 tỷ đồng. Trong tuần Chứng khoán VIX thông báo hoàn tất mua 10 triệu cổ phiếu này.

Dòng tiền có hướng đến các bluechip trên thị trường như SAB (43,6 tỷ đồng), VCB (27,5 tỷ đồng), STB (27 tỷ đồng). Mã C4G là đại diện duy nhất trên UPCoM lọt top mua ròng tuần này khi được gom 35,1 tỷ đồng.

Ở chiều bán ra, bộ ba cổ phiếu MWG, FPT, PNJ dẫn đầu với quy mô lần lượt 101,8 tỷ đồng, 77,8 tỷ đồng và 64,9 tỷ đồng.

Ba cổ phiếu ngân hàng bị bán ròng mạnh là ACB (30,3 tỷ đồng), TCB (24,5 tỷ đồng), VPB (21,2 tỷ đồng. Dòng tiền tự doanh còn rút tại các cổ phiếu như REE (58,1 tỷ đồng), HAG (16,6 tỷ đồng) và VIC (11,1 tỷ đồng).

giao-dich-2-1658552059.png Những cổ phiếu được khối tự doanh mua bán nhiều nhất trong tuần 11 - 15/7. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Giao dịch phái sinh nhộn nhịp trở lại

Trong tuần đáo hạn phái sinh vào phiên 21/7, giao dịch của bộ phận tự doanh sôi động hơn hẳn so với những tuần trước đó. Tổng khối lượng giao dịch trong tuần đạt 29.705 hợp đồng, tương đương số tiền 3.637 tỷ đồng. Thanh khoản ghi nhận cao nhất trong 4 tuần gần đây.

Hai vị thế tương đối cân bằng, song vẫn nhỉnh hơn về vị thế Mua (Long), tương tự tuần trước đó (11 – 15/7). Cụ thể bộ phận tự doanh Mua (Long) 15.016 hợp đồng trong khi mở vị thể Bán (Short) 14.689 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Tuần 18 – 22/7: Khối tự doanh tập trung gom bluechip, đẩy mạnh giao dịch phái sinh hơn 3.600 tỷ đồng khi đáo hạn" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).