Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động trong hơn 1 năm vừa qua. Chỉ số VN-Index từ ngưỡng 1.500 điểm đã giảm sâu và nay vẫn giằng co quanh mốc 1.100 điểm trong nhiều tháng liên tiếp.
Đã có nhiều ý kiến chuyên gia được đưa ra xoay quanh vấn đề trên, trong đó đáng chú ý là việc mất cân đối về cơ cấu ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mới đây, thống kê của Bloomberg đã cho thấy nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản theo hệ thống phân ngành GICS của thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm tỷ trọng tới 57% vốn hoá thị trường. Điều này đồng nghĩa hơn một nửa lượng tài sản của thị trường chứng khoán Việt Nam nằm tại các công ty tài chính và bất động sản.
So sánh với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... thì tỷ trọng mảng bất động sản và tài chính của Việt Nam thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Đơn cử như Thái Lan chỉ chiếm 23%, Indonesia chiếm 36% hay Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 4%.
Về đặc tính ngành, bất động sản và tài chính mang tính chu kỳ cao, phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, các nhóm ngành như công nghệ, y tế, dược phẩm, bán lẻ... mới là những ngành thu hút sự đầu tư của nhóm nhà đầu tư ngoại.
Việc các nhóm này chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị vốn hoá thị trường đã phần nào khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng chính là rào cản khiến dòng vốn ngoại bị hạn chế phần nào khi đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tỷ trọng vốn hoá của cổ phiếu bất động sản và ngân hàng lớn cũng phần nào lý giải việc thanh khoản thị trường nằm phần lớn tại các mã cổ phiếu quen mặt thuộc 2 nhóm ngành này. Điều này dẫn tới dòng tiền đổ vào thị trường thường mang tính ngắn hạn, đồng thời khiến đà tăng vốn hoá của thị trường khó có sự bứt phá lâu dài.