Vẫn còn mập mờ trong việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp

18/10/2022 10:14

TPHCM - Không công bố thông tin, hoặc lách luật mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)… vẫn là những vấn đề còn tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp bất động sản.

van-con-nhieu-van-de-trong-viec-giam-sat-hoat-dong-mua-ban-trai-phieu-doanh-nghiep-1666057774.jpg
Vẫn còn nhiều vấn đề trong việc giám sát hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: ĐT

Theo số liệu của Bộ Tài chính, các tổ chức vẫn là đối tượng nắm giữ lớn nhất trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) song thực tế, cá nhân mới là đối tượng nắm giữ TPDN nhiều nhất trên thị trường, nếu tính cả các hợp đồng lách luật dạng góp vốn hay ủy thác đầu tư.

Cụ thể, dữ liệu của Bộ Tài chính cho hay, trong quý I/2022, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ mua 9,5% lượng TPDN phát hành. Nhưng trên thị trường thứ cấp, tỉ lệ này cao gấp 3 lần, lượng TPDN riêng lẻ mà cá nhân nắm giữ lên tới 33,82% tổng giá trị TPDN đang lưu ký. Nói cách khác, phần lớn TPDN riêng lẻ được các công ty chứng khoán mua trên sơ cấp và phân phối lại cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức khác.

Nếu như cuối năm 2021, tổng số nhà đầu tư cá nhân nắm giữ TPDN riêng lẻ, theo báo cáo của các tổ chức lưu ký, là gần 289.000 người, thì đến cuối quý I/2022, con số này tăng lên 340.300 người. Nếu tính cả các hợp đồng góp vốn đầu tư, con số này còn cao hơn rất nhiều.

Theo TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc Quỹ đầu tư DG Investment, có thể thấy việc lách luật bán trái phiếu này có 2 hình thức. Một là, sử dụng giấy tờ giả mạo xác nhận nhà đầu tư, sử dụng các hợp đồng mua bán chứng khoản có kỳ hạn hoặc sử dụng tài khoản vay ký quỹ. Hai là, sử dụng hình thức góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư với các tổ chức hoặc cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo luật dân sự như trường hợp Tân Hoàng Minh.

Luật sư Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, hình thức góp vốn đầu tư, ủy thác đầu tư mua TPDN không vi phạm pháp luật hiện hành, song tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp phát hành không trả được nợ, nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ quyền lợi theo pháp luật chứng khoán và Nghị định số 153, vì việc góp vốn, ủy thác đầu tư được điều chỉnh bởi hợp đồng dân sự.

Hiện Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Theo VNDirect, quy định này sẽ làm các doanh nghiệp niêm yết không thể huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân thông qua phát hành trái phiếu. Đồng thời, quy định này cũng sẽ giảm thiểu mạnh giá trị phát hành TPDN riêng lẻ khi phần lớn TPDN riêng lẻ được phát hành bởi các công ty chưa niêm yết nhất là doanh nghiệp bất động sản.

Bạn đang đọc bài viết "Vẫn còn mập mờ trong việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).