Văn Phú Invest: Hơn 1.800 tỷ “chôn” tại dự án BT dở dang, bị phát hiện mua “chui” cổ phiếu

27/10/2022 10:41

Văn Phú Invest của ông Tô Như Toàn đang đối diện với tình trạng nợ vay tài chính tăng, dòng tiền kinh doanh âm hàng nghìn tỷ. Hơn 1.800 tỷ đang bị “chôn” tại dự án dở dang.

Dự án chậm tiến độ, nghìn tỷ "mắc kẹt"

Dữ liệu tài chính cho thấy, tính đến thời điểm giữa năm 2022, Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú Invest (Văn Phú Invest; mã chứng khoán VPI) đang ở thế khó với dự án BT Dự án Đường vành đai 2 nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Quốc lộ 1). Bởi lẽ, VPI đang “chôn” tới hơn 1.800 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, dự án được khởi công từ năm 2016 đến nay nhưng tiến độ vẫn chưa xong cả bước giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, một loạt nghĩa vụ tài chính với quy mô cả nghìn tỷ đồng đã phát sinh từ dự án này.

vanh-dai-01-1666836683338-1666841842.jpg
Dự án Đường vành đai 2 nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đang dở dang. (Ảnh: Minh Quân)

Cuối năm 2016, UBND TP HCM và liên danh nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Đầu tư HNS Việt Nam - Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú Invest - Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái ký hợp đồng BT dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1. Giá trị hợp đồng là 2.765 tỷ đồng bao gồm 944 tỷ đồng giá trị dự án BT và 1.821 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

UBND TP HCM kiến nghị thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư tại 4 khu đất gồm: khu đất tại số 234 - Lý Tự Trọng (quận 1) diện tích 642 m2; khu đất số 582 - đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) diện tích 12.240 m2; khu đất số 132 - đường Đào Duy Từ (quận 10) diện tích hơn 10.618 m2 và khu đất số 12 - Kỳ Đồng (quận 3) diện tích đất 940 m2.

Một dự án đúng ra phải hoàn thành sau 24 tháng thi công thì sau hơn 6 năm vẫn trong tình trạng bãi đất trống cỏ mọc um tùm và hàng trăm khối bê tông, sắt thép rỉ sét theo thời gian. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thậm chí còn chưa được hoàn tất.

Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên đầu năm nay, Chủ tịch VPI Tô Như Toàn cho biết tới tháng 10, Văn Phú Bắc Ái sẽ có văn bản phê duyệt dự kiến giao đất và thực hiện các thủ tục tính tiền sử dụng đất. Nhưng với tiến độ dậm chân tại chỗ, điều này sẽ khó xảy ra.

Trong khi dự án BT vẫn chưa có dấu hiệu tháo gỡ được nút thắt, Văn Phú đang ghi nhận khoản vay hàng nghìn tỷ đồng từ việc mang chính lợi ích từ dự án này thế chấp ngân hàng. 

Theo BCTC hợp nhất quý 2.2022, Văn Phú Invest ghi nhận khoản vay hơn 816 tỷ đồng từ Vietcombank chi nhánh Thủ Thiêm và Ngân hàng TNHH Indovina chi nhánh Thiên Long.

Ngoài ra công ty này cũng vay riêng hơn 538 tỷ đồng từ Ngân hàng TNHH Indovina chi nhánh Thiên Long. Tài sản đảm bảo cho hai khoản vay này là quyền tài sản, đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng đồng BT 6827 liên quan tới dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1. 

Bất thường vụ mua “chui” cổ phiếu

Ngày 25.6.2021, Văn Phú - Invest mua 3.719.923 cổ phiếu Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội (mã CK: HAF) dẫn đến số lượng nắm giữ sau khi giao dịch là 3.719.923 cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 25,65% vốn điều lệ của HAF nhưng không đăng ký chào mua công khai.

1-0937576-1666836832578-1666841865.jpg
Ông Tô Như Toàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Văn Phú Invest.

Theo tìm hiểu, trong thương vụ này, Văn Phú - Invest chỉ nắm cổ phiếu HAF trong một thời gian rất ngắn sau khi mua xong, rồi sau đó nhanh chóng thông báo thoái toàn bộ phần sở hữu tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội. Cụ thể, ngày 25.6.2021, doanh nghiệp này công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc nhận chuyển nhượng 3,19 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội.

Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, ngày 1.7.2021, Văn Phú - Invest lại thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội.

Cũng liên quan đến giao dịch này, theo thông tin Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 30/6/2021, Văn Phú - Invest là cổ đông lớn của doanh nghiệp này khi sở hữu 3,5 triệu cổ phần (tương đương 24,14% vốn).

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, tức ngày 1.7.2021, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hà Nội đã công bố Văn Phú - Invest không còn là cổ đông lớn.

Thực tế, thời gian qua, các vụ giao dịch "chui" trên thị trường chứng khoán đã gây ra không ít hệ luỵ, ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam, làm tổn hại cho nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý cũng đã và đang mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường, thậm chí là xử lý hình sự, trong đó có vụ bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Đối với những giao dịch cổ phiếu bất thường, thiết nghĩ, cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có biện pháp mạnh mẽ, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, tránh làm tổn hại đến hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Bạn đang đọc bài viết "Văn Phú Invest: Hơn 1.800 tỷ “chôn” tại dự án BT dở dang, bị phát hiện mua “chui” cổ phiếu" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).