Vậy người dân mua nhà hay… thuê nhà?!

12/05/2022 11:08

Trong đề cương Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung quy định về thời hạn sở hữu chung cư. Theo đó, có thể thời hạn sở hữu chung cư sẽ có thời hạn từ 50 – 70 năm tùy theo thiết kế công trình hoặc theo thực tế sử dụng.

Bổ sung quy định về thời hạn sở hữu chung cư:

Đề xuất quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư có khiến người dân ngần ngại với loại hình BĐS này

Quy định về thời hạn sở hữu chung cư

Chính đề xuất về quy định mới này khiến dư luận rất quan tâm, nhiều ý kiến lo ngại nếu quy định về thời hạn sở hữu chung cư sẽ khiến người dân không mặn mà với loại hình nhà ở này nữa. Trong Luật Nhà ở 2014, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 99 quy định thời hạn sử dụng chung cư được xác định căn cứ vào cấp công trình và kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có chung cư. Khi chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư phải tổ chức kiểm định chất lượng công trình chung cư để xử lý theo quy định.

Nếu chung cư bị hư hỏng nặng thì phá dỡ để xây dựng mới; trường hợp không phù hợp với quy hoạch thì bàn giao lại cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ và xây dựng công trình khác theo quy hoạch, chủ sở hữu chung cư bị phá dỡ được bố trí nhà ở tái định cư. Tuy nhiên, trong đề cương Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư với hai phương án. Phương án 2, thời hạn sở hữu chung cư theo quy định của pháp luật đất đai. Phương án 2, thời hạn sở hữu căn hộ chung cư được xác định cùng thời hạn sử dụng của công trình theo pháp luật về xây dựng (niên hạn công trình). Nếu chọn phương án này thì có nghĩa, chung cư sẽ được sở hữu có thời hạn 20 năm, 50 năm, 70 năm… theo cấp công trình như đã quy định.

Lý giải đề xuất này, Bộ Xây dựng cho rằng, pháp luật về nhà ở chưa có quy định về thời hạn sở hữu của nhà chung cư. Căn cứ vào Điều 126 Luật Đất đai thì quyền sử dụng đất sử dụng lâu dài, nhưng đối với tài sản trên đất là công trình xây dựng, nhà ở lại có thời hạn sử dụng (không thể lâu dài ổn định). Vì vậy, đây cũng là vấn đề cần phải xem xét và đặt trong tổng thể các quyền đối với tài sản, bảo đảm phù hợp với pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, dân sự.

Đây là nguyên nhân trong thời gian qua, quá trình thực hiện chính sách cải tạo chung cư cũ gặp những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi, di dời việc phá dỡ nhà chung cư bị kéo dài, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng lớn tới công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.... Do đó, việc nghiên cứu bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là hết sức cần thiết.

Mua hay thuê nhà dài hạn?!

Chuyện đề xuất quy định về thời hạn sở hữu chung cư khiến khá nhiều người lo ngại. Anh Nguyễn Thanh Toàn (Mỹ Đình) cho rằng, nếu áp quy định ấy e rằng sẽ khiến người dân không còn mặn mà với nhà chung cư nữa. “Để mua được một căn chung cư ở Hà Nội bây giờ với người lao động không hề đơn giản. Bản thân gia đình tôi để có chỗ ở trên một tòa nhà cao tầng trên đường Hàm Nghi ngoài vay mượn bạn bè còn phải trầy trật hàng tháng trả ngân hàng. Giờ nếu quy định chỉ được sở hữu 50 – 70 năm thì khác gì chúng tôi đi thuê nhà dài hạn” – anh Toàn nói.

Cũng cùng quan điểm với anh Toàn, chị Lê Thu Loan (quận Thanh Xuân) cho rằng quan điểm của người Việt Nam rất bảo thủ với nhà cửa. Theo đó, việc cố gắng dành dụm mua nhà đất hoặc chung cư là để thực hiện giấc mơ an cư lạc nghiệp. Trong khi đó giá thành một căn hộ chung cư hiện nay ở Hà Nội là rất cao so với thu nhập của người dân. Tuy nhiên, bởi giá thành nhà đất còn cao hơn, nên việc lựa chọn ở chung cư là giải pháp phù hợp, căn cơ với nhiều gia đình. Nếu giờ quy định thời hạn sử dụng, có nghĩa việc mua chung cư để có nhà ở cũng chỉ có tính chất tạm thời. “Sau đó vẫn phải trả lại nhà, trả lại đất cho nhà nước... Thế thì sau chừng ấy năm vợ chồng, con cái chúng tôi vẫn sẽ lại không có nhà. Với nhiều gia đình số tiền để mua căn hộ chung cư ấy đã là khoản đã dành dụm cả đời. Nếu vẫn không được sở hữu lâu dài, vậy thì ai còn muốn mua chung cư” – chị Loan băn khoăn.

Cũng chưa đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng, luật sư Nguyễn Phương Tuyến – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư liệu có đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ hay không?! Trong tình hình diện tích đất của đô thị ngày càng thu hẹp, việc đưa dân lên ở các chung cư là xu thế, cũng như là phương án giải quyết vấn đề nhà ở của người dân. Trong Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021, phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ: "Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhằm giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho người dân đặc biệt tại khu vực đô thị…”.

“Như vậy, có thể hiểu, Nhà nước cũng khuyến khích phát triển loại hình nhà chung cư. Việc đặt ra quy định sở hữu chung cư có thời hạn liệu có khiến người dân ngần ngại với loại hình này, mà một mặt hàng người mua không mặn mà thì đối tượng thiệt hại lại là người bán - ở đây là các chủ đầu tư. Vậy, đề xuất của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi liệu có mâu thuẫn với mục tiêu khuyến khích phát triển nhà chung cư của Chính phủ hay không?” – luật sư Tuyến nói.

Bạn đang đọc bài viết "Vậy người dân mua nhà hay… thuê nhà?!" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).