Vì sao các ngân hàng yếu kém lại trở thành ‘miếng mồi ngon’ của các ông lớn?

31/08/2022 17:40

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém dự kiến sẽ mang lại nhiều ưu đãi cho ngân hàng tham gia tiếp nhận. Trong đó, cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm giúp các nhà băng này có thể tăng trưởng đột phá, mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị trường...

Trong báo cáo: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 ngày 10/5, Chính phủ cho biết, đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank).

Hấp dẫn với ngân hàng trong nước

Có thể thấy, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc gồm: CBBank và OceanBank, ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và một ngân hàng kiểm soát đặc biệt: Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank).

Theo đó, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, NHNN đã cho phép tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng yếu kém là 100%, hạn chế cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại. 

hdbank-da-dua-ra-ke-hoach-gop-toi-da-9000-ty-dong-de-tham-gia-tai-co-cau-mot-ngan-hang-yeu-kem-1661942130.jpg
HDBank đã đưa ra kế hoạch góp tối đa 9.000 tỷ đồng để tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém.

Nhờ cơ chế mở này, có thời điểm rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại 3 ngân hàng 0 đồng và con số này có thể lên tới hàng chục, trong đó, có ngân hàng đã đi đến giai đoạn đàm phán. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có thương vụ nào được công bố thành công.

Tưởng chừng việc tái cơ cấu nhóm ngân hàng yếu kém đã rơi vào bế tắc, nhưng bất ngờ nửa năm gần đây, các ngân hàng này lại trở nên hấp dẫn, không phải với nhà đầu tư ngoại mà với chính nhóm ngân hàng thương mại trong nước.

Mới nhất, HĐQT Ngân hàng HDBank vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về nội dung tham gia chương trình tái cơ cấu TCTD.  Mặc dù chưa công bố danh tính ngân hàng mục tiêu, nhưng HDBank đã đưa ra kế hoạch góp tối đa 9.000 tỷ đồng vào nhà băng này để trở thành ngân hàng mẹ nắm 100% vốn. Ngoài ra, đây chỉ là mức vốn góp ban đầu, HDBank cho biết số vốn góp có thể được tăng thêm phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc được NHNN phê duyệt.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm nay, có 3 ngân hàng hé lộ thông tin liên quan phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém bao gồm: MB, Vietcombank, VPBank. Mặc dù lãnh đạo 3 ngân hàng này khi trả lời cổ đông đều không tiết lộ tên cụ thể ngân hàng sẽ hỗ trợ nhưng với nhiều thông tin được hé lộ trước đó, MB có thể nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank. Còn Vietcombank sẽ chuyển giao bắt buộc CBBank.

Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ năm nay, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, hiện ngân hàng đang triển khai các thủ tục cần thiết trình lên các cơ quan có thẩm quyền về việc nhận chuyển giao bắt buộc.

Riêng với VPBank, hiện vẫn chưa có thêm thông tin gì về việc nhận chuyển giao và hỗ trợ một ngân hàng yếu kém. Tại ĐHĐCĐ, trả lời cổ đông, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, hoạt động này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nên chưa thể công bố chi tiết hơn.

Cơ hội tăng room tín dụng, mở rộng quy mô kinh doanh

Câu hỏi đặt ra là: Lý do gì để các “ông lớn” đang ăn nên làm ra này sẵn sàng “ôm” các ngân hàng yếu kém?

Trả lời các cổ đông, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, với Vietcombank, việc chuyển giao bắt buộc này sẽ giúp ngân hàng có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì tổ chức tín dụng như một ngân hàng con hoặc bán/chuyển nhượng tổ chức tín dụng cho nhà đầu tư mới.

Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, Vietcombank sẽ được được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của Vietcombank đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của Vietcombank; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho Ngân hàng trong suốt thời gian tổ chức tín dụng chưa hết lỗ luỹ kế.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của Vietcombank nếu Ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.

Tương tự, lãnh đạo MBBank cho rằng việc thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc sẽ mở ra cơ hội tăng 1,5-2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới của ngân hàng.

Đây cũng là những lý do HDBank đưa ra để thuyết phục cổ đông phê duyệt kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng của mình.

Về lợi ích, HDBank cho biết việc nhận chuyển giao bắt buộc vừa thực hiện nhiệm vụ của ngành ngân hàng, vừa là cơ hội bứt phá để tăng quy mô.

"Đặc biệt, việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm giúp HDBank có thể tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới", tờ trình gửi cổ đông viết.

Còn giới phân tích đánh giá các ngân hàng sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, Vietcombank sẽ được giao hạn mức tín dụng khoảng 18% đến 19% cho cả năm. Trong khi MB được Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo tăng trưởng tín dụng là 22% cho cả năm, còn Chứng khoán VCBS nhận định, MB sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng thêm 5-10% trong năm 2022 và các năm tới, có thể tăng khoảng 30%/năm mà vẫn đảm bảo an toàn với tỷ lệ CAR duy trì ở mức 10-11%. 

Với việc nhận chuyển giao bắt buộc, HDBank cũng được các công ty chứng khoán đánh giá sẽ giúp HDBank có thêm "room".

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao các ngân hàng yếu kém lại trở thành ‘miếng mồi ngon’ của các ông lớn?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).