Vì sao nợ vay của Nhà Khang Điền tăng vọt trong quý 1/2022?

07/06/2022 11:09

Việc mở rộng quỹ đất và đầu tư phát triển các dự án lớn đã làm tăng đáng kể nhu cầu vốn lưu động của Nhà Khang Điền.

 

Phối cảnh dự án The Privia của Nhà Khang Điền.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) ghi nhận nợ vay tăng mạnh 73,7% so với cùng kỳ lên 4.434 tỷ đồng trong quý 1/2022, dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc quý 1/2022 tăng 15% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng cuối năm, Nhà Khang Điền dự kiến sẽ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư cho các hoạt động đền bù, phát triển cơ sở hạ tầng và chi phí xây dựng cho các dự án The Privia, Classia và Tân Tạo.

Theo dự báo từ Công ty Chứng khoán VnDirect, các dự án mở bán trong nửa cuối 2022 gồm Classia và The Privia sẽ đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhờ vị trí đắc địa, pháp lý minh bạch, và nguồn cung mới tại TP.HCM đang khan hiếm. Do đó, doanh số ký bán năm 2022 sẽ tăng 13 lần so với cùng kỳ lên 5.691 tỷ đồng nhờ mở bán hai dự án này.

Ngoài ra, Nhà Khang Điền đã hoàn tất việc mua lại hai quỹ đất mới là Đoàn Nguyên (6ha tại Cát Lái, TP. Thủ Đức) và Nguyên Thư (chưa tiết lộ thông tin chi tiết về dự án). Những dự án này sẽ hỗ trợ triển vọng lợi nhuận ròng của Nhà Khang Điền trong trung hạn, theo VnDirect.

Nhà Khang Điền hiện sở hữu quỹ đất khoảng 600ha tại TP HCM. Phần lớn nằm ở phía Nam TP HCM và thành phố Thủ Đức.

Quý 1/2022, Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu sụt giảm 82,9% so với cùng kỳ còn 142,7 tỷ đồng do ít dự án bất động sản bàn giao. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng quý 1/2022 tăng mạnh 46,0% so với cùng kỳ lên 299,5 tỷ đồng nhờ khoản thu nhập bất thường 308 tỷ đồng từ đánh giá lại tại Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhà Đoàn Nguyên.

Cổ phiếu KDH của so với cùng kỳ đã giảm khoảng 30% so với mức đỉnh vào đầu 2022. Theo VnDirect, tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn của cổ phiếu KDH đến từ giá bán trung bình cao hơn dự kiến tại các dự án Classia, Clarita, và 158 An Dương Vương; phụ thuộc vào việc liệu KDH có thể xử lý các vấn đề pháp lý nhằm ra mắt dự án Tân Tạo. Rủi ro giảm giá là việc xin cấp phép mở bán cho các dự án mới chậm hơn dự kiến và giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục tăng.

 

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao nợ vay của Nhà Khang Điền tăng vọt trong quý 1/2022?" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).