Vì sao Singapore chỉ xây dựng nhà ở sau khi người dân đặt hàng?

24/11/2022 14:52

Thời gian chờ đợi lâu và giá cao hơn những căn hộ bán lại, nhưng Singapore vẫn duy trì chính sách xây dựng dự án nhà ở sau khi nhận đăng ký mua từ người dân.

Chương trình nhà ở gây tranh cãi

Nhà ở xã hội theo chương trình BTO (xây dựng theo đặt hàng) của Singapore đang gây tranh cãi khi có nhiều hạn chế như thời gian chờ đợi quá lâu, chậm trễ bàn giao và giá cao hơn căn hộ bán lại.

Chia sẻ của PGS.Ben Leong (Đại học Quốc gia Singapore) mới đây đã nhận được sự quan tâm dư luận. Giải pháp được ông đưa ra là “cung vượt cầu”. Nguồn cung dồi dào sẽ làm giảm giá nhà và giữ cho các căn hộ có giá phải chăng.

Giới chức cũng đặt câu hỏi rằng liệu chính phủ có xem xét việc xây dựng trước các căn hộ BTO để rút ngắn thời gian chờ cho người mua nhà lần đầu?

Vì sao Singapore chỉ xây dựng nhà ở sau khi người dân đặt hàng?
Chương trình BTO bị người dân Singapore phản ứng.

Desmond Lee - Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia (MND) trả lời rằng, từ năm 2018, Cơ quan Phát triển Nhà ở (HDB) đã cung ứng nhiều căn hộ BTO trong một số dự án với thời gian chờ đợi dưới 3 năm.

Giai đoạn 2022 - 2023, HDB đã tăng nguồn cung căn hộ BTO lên 23.000 căn/năm, tăng 35% so với năm 2021. HDB sẵn sàng tung ra 100.000 căn hộ mới giai đoạn 2021 - 2025.

HDB nhiều lần giải thích, gần 90% người lần đầu đăng ký căn hộ BTO ở khu vùng ven có cơ hội mua được căn hộ trong 2 lần đăng ký.

Giá nhà khu trung tâm tăng mạnh

Trước khi chương trình BTO ra đời, HDB áp dụng Hệ thống Đăng ký Căn hộ. Người dân được chọn khu vực muốn mua với thời gian chờ ngắn hơn. Họ chỉ biết vị trí căn hộ và giá bán khi được gọi chọn căn.

Những năm 1990, khi giá căn hộ bán lại của HDB tăng cao, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp chống đầu cơ để hạ giá. Thời điểm này trùng với khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Khi đó có một lượng lớn căn hộ tồn kho.

Từ năm 2001, chương trình BTO được triển khai để ước tính nhu cầu và tránh tình trạng dư thừa căn hộ.

Năm 2010, Mah Bow Tan - Bộ trưởng MND khi đó cho biết, sau khi nhậm chức ông phải giải quyết 31.000 căn hộ tồn kho. Các giải pháp đưa ra như chuyển đổi các căn 5 phòng ngủ hoặc cao cấp thành các căn nhỏ hơn, cho thuê tạm thời.

Theo vị này, nếu HDB cung ứng một lượng căn hộ cố định hàng năm, bất kể thị trường như thế nào, sẽ có nguy cơ cung vượt cầu nhiều năm. Mỗi năm HDB phải dùng kinh phí lớn để bảo trì các căn hộ tồn kho.

Ban đầu, các dự án nhà ở của HDB chỉ xây dựng khi có 70% căn hộ được đăng ký. Đến năm 2011, nhu cầu mua nhà tăng cao, Bộ trưởng MND khi đó yêu cầu “xây dựng trước nhu cầu”. Tuy vậy, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ các dự án như: Giải phóng mặt bằng, phê duyệt quy hoạch, thời gian thiết kế…

Theo Bộ trưởng Desmond Lee, HDB sẽ tiếp tục xây và bán căn hộ với giá thấp hơn thị trường kèm theo đó là các “khoản trợ cấp”. Giá trung bình một căn hộ 4 phòng ngủ ở vùng ven vẫn “tương đối ổn định” khi có mức 341.000 đô la Singapore (6,1 tỷ đồng) vào năm 2019 và duy trì giá 6,2 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2022.

Vào tháng 8/2022, các căn hộ BTO mới tại khu Central Weave có giá bán gần 14,5 tỷ đồng/căn đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Một số căn hộ bán lại gần đó có giá 20,7 tỷ đồng/căn.

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao Singapore chỉ xây dựng nhà ở sau khi người dân đặt hàng?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).