VIB lãi khủng nhờ vượt chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước cho phép?

26/03/2021 09:41

Trong năm 2020, VIB ghi nhận là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Nhưng điều đó lại đến từ động thái vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cho phép.

VIB

Lợi nhuận tăng mạnh

Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng vẫn trưởng tốt. Hàng loạt đơn vị báo lãi kỷ lục, từ đó đẩy giá cổ phiếu lên mức cao nhất lịch sử. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) khá nổi bật vì có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của VIB lên tới 4.642 tỷ đồng, tăng 1.376 tỷ đồng, tương đương 42,1% so với năm 2019. Lãi ròng cải thiện mạnh khi thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 3.576 tỷ đồng, tương đương 25,8%.

Người lao động VIB là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Trong năm 2020, thu nhập nhân sự VIB tăng mạnh từ 26,21 triệu đồng năm 2019 lên 30,51 triệu đồng/người/tháng. VIB trở thành một trong số ít các ngân hàng có thù lao trên 30 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, tại ĐHĐCĐ diễn ra trong ngày 24/2/2021, lãnh đạo VIB đã đưa ra kế hoạch kinh doanh táo bạo. Theo đó, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 7.510 tỷ đồng, tăng 1.707 tỷ đồng, tương đương 29,4% so với năm 2020.

Vượt "room" của Ngân hàng Nhà nước?

Các chỉ tiêu kinh doanh của VIB đều tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Tại thời điểm cuối năm 2020, chỉ tiêu cho vay khách hàng tại VIB đạt 169.520 tỷ đồng, tăng 40.320 tỷ đồng, tương đương 31,2%.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại VIB lên đến 31,2%. Đây là đà tăng rất mạnh nhưng cần lưu ý, đà tăng này vượt xa “room” mà Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho VIB.

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ 2020, lãnh đạo VIB kỳ vọng room tín dụng của ngân hàng trong năm 2020 sẽ là 24%. Tuy nhiên, tới tháng 8/2020, Công ty chứng khoán BSC tiết lộ Ngân hàng Nhà nước đã nới room cho một số ngân hàng.

BSC không tiết lộ con số chính xác của VIB mà chỉ nói: “Trong top được tăng trưởng tín dụng cao nhất có Techcombank, VPBank, VIB, TPBank và HDBank với hạn mức 19-23%”. Như vậy có thể thấy, mức cao nhất mà VIB có thể hưởng tối đa chỉ là 23%. Nhưng con số thực hiện của VIB lại lên đến 31,2%, vượt xa chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Đây không phải năm đầu tiên, VIB “vượt room” của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2019, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 35%. Cổ đông thắc mắc đây là mức quá cao, ông Ðặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HÐQT VIB cho hay, kế hoạch là như vậy, song Ngân hàng Nhà nước chấp thuận ở mức nào thì VIB sẽ thực hiện trong khuôn khổ cho phép.

Không rõ Ngân hàng Nhà nước cấp “room” bao nhiêu cho VIB nhưng tới tháng 9/2019, BSC cho biết nhiều ngân hàng đã xin nới room tín dụng. VIB được phê duyệt nới lên 12,5%. Nhưng năm 2019, chỉ tiêu cho vay khách hàng tại VIB tăng đến 33.061 tỷ đồng, tương đương 34,4% lên 129.200 tỷ đồng.

Chưa “đoạn tuyệt” Vinashin

VIB từ lâu có mối quan hệ “ngàn tỷ” với Vinashin (hiện tại là Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam – SBIC). Năm 2017, VIB và Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu thủy (VFC) ký Hợp đồng dịch vụ thanh toán quốc tế và Hợp đồng ủy thác cho vay với tổng giá trị lên tới 1.600 tỷ đồng.

Thông qua Hợp đồng dịch vụ thanh toán quốc tế và Hợp đồng ủy thác cho vay, VIB Bank sẽ cung cấp các dịch vụ thanh toán quốc tế cho khách hàng của VFC với hạn mức giao dịch là 40 triệu USD, đồng thời có thể phối hợp với VFC cho các đơn vị thành viên của tập đoàn Vinashin vay với giá trị tối đa là 1.000 tỷ đồng.

Từ khi Vinashin trở thành “con tàu đắm”, nhiều ngân hàng khốn khổ vì những khoản nợ liên quan đến tập đoàn này. VIB cũng nằm trong vòng xoáy đó. Đến ĐHCĐ năm 2014, khi bị cổ đông chất vấn, lãnh đạo VIB cho biết Vinashin vẫn còn nợ VIB tới 600 tỷ đồng.

Tới nay, mối quan hệ nợ vay giữa VIB và SBIC không được nhắc đến nhiều, chỉ biết tại thời điểm cuối năm 2020, VIB vẫn còn trái phiếu liên quan đến SBIC.

Theo đó, trái phiếu do công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam phát hành là trái phiếu chuyển đổi cho các khoản vay SBIC được chính phủ bảo lãnh, có kỳ hạn 10 năm từ 2013 đến 2023. Tại ngày 31/12/2020, trái phiếu này được hưởng lãi suất là 8,9%/năm.

Bạn đang đọc bài viết "VIB lãi khủng nhờ vượt chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước cho phép?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).