Viễn cảnh khủng hoảng năng lượng mùa đông ám ảnh châu Âu

26/09/2022 20:01

Một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua đang ám ảnh các nước châu Âu trong bối cảnh mùa đông sắp tới gần.

Xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra một hiệu ứng gợn sóng trên thị trường năng lượng toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này có thể thấy rõ ràng nhất ở châu Âu. Cho đến khi xung đột bùng phát, 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu vẫn phụ thuộc vào Nga tới 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên - nguồn năng lượng phổ biến thứ hai ở lúc địa già sau dầu mỏ.

Nhà máy nhiệt điện đốt than ở Đức. Ảnh: Getty

Nhà máy nhiệt điện đốt than ở Đức. Ảnh: Getty

Giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn ở châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua. Cả người tiêu dùng và các tập đoàn công nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Một số nhà hàng cho biết hóa đơn tiền điện hàng tháng của họ đã tăng lên mức 7.000 euro so với 2.000 euro cách đây một năm. Một số ngành công nghiệp phải cho người lao động nghỉ phép và cắt giảm chi phí do hóa đơn tiền điện tăng cao.

Nhưng đây vẫn có thể là những ngày tốt đẹp đối với châu Âu. Với mùa đông đang đến gần và nhu cầu khí đốt tăng cao, các chuyên gia nói với Fortune rằng thị trường năng lượng của châu Âu chưa bao giờ dễ bị tổn thương hơn lúc này.

Châu Âu có 2 lựa chọn

Ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, các quốc gia châu Âu đã tìm mọi cách để đảm bảo hệ thống năng lượng trước sự gián đoạn nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga. Họ có hai lựa chọn: tăng nguồn cung cấp khí đốt từ bên ngoài vào lục địa, hoặc giảm nhu cầu.

Đầu tiên, châu Âu tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào dòng chảy khí đốt từ Nga. Họ tìm đến Qatar, Mỹ và các quốc gia Trung Á để thỏa thuận về khí đốt tự nhiên và LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng).

Mặc dù vậy, việc giải quyết cuộc khủng hoảng nguồn cung đi kèm với yếu tố then chốt: thời gian. Việc mua khí đốt từ các nước khác ngoài Nga đòi hỏi phải có hệ thống đường ống mới, trong khi nhập khẩu LNG cũng cần phải xây dựng các kho cảng chuyên dụng - quá trình có thể mất 2-5 năm.

Ông Penny Leake, một nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Năng lượng Wood Mackenzie, nói với Fortune rằng việc mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên rất tốn kém, đòi hỏi nhiều năm đầu tư và phải đến mùa hè năm sau mới có thể nhận thấy kết quả.

Theo bà Tatiana Mitrova, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, giảm nhu cầu sử dụng là biện pháp thực tế duy nhất còn lại của Châu Âu và điều đó có thể phải thực hiện bằng các biện pháp “đau đớn” như phân bổ tỷ lệ sử dụng năng lượng trên diện rộng.

“Tôi cho rằng giải pháp duy nhất trong mùa đông này là giảm nhu cầu. Sẽ rất khó tránh được việc phải chia tỷ lệ sử dụng và hạn chế trong nhu cầu khí đốt”, bà Mitrova nói.

Kinh tế rơi vào vòng xoáy bất ổn

Các quốc gia châu Âu bao gồm Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã thông qua biện pháp tiết kiệm năng lượng từ mùa hè nhằm tăng lượng khí đốt dự trữ càng nhiều càng tốt trước khi thời tiết trở nên lạnh hơn.

Một số nước đã thực hiện quy định tiết kiệm và phân bổ năng lượng, chẳng hạn như tắt đèn giao thông vào ban đêm và giảm ánh sáng trên các tòa nhà lịch sử.

Một số nước không yêu cầu người tiêu dùng giảm mức sử dụng năng lượng, nhưng nếu nhu cầu năng lượng tăng cao trong mùa đông, họ có thể buộc phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn.

“Cần phải hiểu rằng chúng ta đang lựa chọn giữa các phương án đều tồi tệ như nhau, chúng ta không có lựa chọn nào tốt vào lúc này” bà Mitrova nhận định.

Giảm nhu cầu khí đốt ở châu Âu thông qua việc chia nhỏ tỷ lệ sử dụng hoặc giá cao có thể tác động kéo dài và gây suy yếu xã hội châu Âu, đồng thời gây mất ổn định đối với một số ngành công nghiệp và nền kinh tế.

Theo bà Mitrova, hơn 70% số nhà sản xuất phân bón ở châu Âu - dựa vào amoniac khai thác từ sản xuất khí đốt tự nhiên - đã tạm dừng hoạt động do và chi phí năng lượng tăng cao. Các nhà sản xuất thủy tinh và các công ty thép vốn phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt tự nhiên, đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa hoàn toàn.

“Giá điện và khí đốt tăng cao có thể sẽ còn tiếp diễn trong vài tuần tới, vài tháng tới và đến năm 2023. Nếu nó càng kéo dài, hoạt động công nghiệp càng bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Mauro Chavez, Giám đốc Nghiên cứu về khí đốt châu Âu tại Wood Mackenzie cho biết.

Tuần trước, công ty sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, Volkswagen, cho rằng hóa đơn tiền điện cao có thể khiến họ phải chuyển hoạt động sản xuất khỏi các quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga - bao gồm Đức, Cộng hòa Séc và Slovakia - sang các quốc gia Tây Nam châu Âu có khả năng tiếp cận với các dòng năng lượng đa dạng hơn, bao gồm cả các kho cảng LNG.

Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên mọi phương diện

Cuộc khủng hoảng xảy đến vào thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với châu Âu, vì hệ thống năng lượng của châu lục vẫn đang phục hồi hoạt động sau một mùa hè thời tiết khắc nghiệt và các cuộc đình công của công nhân. Kết hợp với những thách thức này, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện này được đánh giá là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên lục địa kể từ những năm 1970.

Nếu tất cả các ngành công nghiệp phải đóng cửa hoặc chuyển địa điểm, nó có thể dẫn đến một làn sóng thất nghiệp kéo dài và suy thoái kinh tế trên lục địa châu Âu. Theo các chuyên gia, hậu quả như vậy có thể tồn tại lâu dài sau khi mùa đông kết thúc.

“Việc cắt giảm năng lực công nghiệp có thể dẫn đến hoạt động kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao và rủi ro suy thoái lớn hơn”, Samantha Dart, Chiến lược gia năng lượng cao cấp của Goldman Sachs nhận định.

Giá của các nguồn năng lượng khác - đặc biệt là than đá - cũng đã tăng trong vài tháng qua, do nhu cầu tăng trên toàn cầu.

“Châu Âu hiện đang ở trong một tình huống rất khó khăn. Tôi có thể nói rằng nó còn tồi tệ hơn những năm 1970, khi đó chỉ có một cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Hiện giờ chúng ta có một cuộc khủng hoảng với cả dầu mỏ, hạt nhân, thủy điện và khí đốt”, bà Mitrova cho biết.

Với việc mạng lưới năng lượng tái tạo chưa được chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của mùa đông năm nay, cuộc khủng hoảng năng lượng của Châu Âu được dự báo là cuộc khủng hoảng duy nhất tồi tệ theo mọi chiều hướng, mọi phương diện.

“Viễn cảnh miền Tây hoang dã”

Trong một cuộc phỏng vấn với FT trong tuần trước, ông Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cảnh báo nếu tình hình xấu đi, các nước châu Âu sẽ gặp phải “viễn cảnh miền Tây hoang dã”.

Ông Birol cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng có thể diễn ra theo một trong hai cách: “EU và các thành viên sẽ đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau... hoặc sẽ có một kịch bản khác nếu ‘thân ai nấy lo’”.

Những rạn nứt giữa các đồng minh EU truyền thống đã bắt đầu xuất hiện. Tháng trước, các nước láng giềng Bắc Âu đã chỉ trích nặng nề Na Uy - nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu của châu Âu - vì quyết định hạn chế xuất khẩu năng lượng để bảo vệ người tiêu dùng trong nước.

Nếu hóa đơn tiền điện tăng cao kết hợp với làn sóng thất nghiệp và suy thoái kinh tế, cuộc khủng hoảng có thể tràn ra đường phố.

Ở Đức, Anh, Cộng hòa Séc và một số nơi khác, người dân đã phản đối việc hóa đơn tiền điện tăng cao. Tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo rằng các hóa đơn năng lượng cao là “thùng thuốc súng” đối với xã hội.

“Chúng tôi dự đoán sẽ có các cuộc biểu tình”, bà Mitrova nhận định, đồng thời nhấn mạnh châu Âu nên lường trước các phong trào tương tự như biểu tình Áo vàng ở Pháp vào năm 2018 để phản đối chi phí sinh hoạt và hóa đơn tiền điện cao hơn./.

Bạn đang đọc bài viết "Viễn cảnh khủng hoảng năng lượng mùa đông ám ảnh châu Âu" tại chuyên mục Kinh Tế Thế Giới. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).