Cuối tháng 5, Apple đã gửi thông báo đến hàng loạt đối tác cung ứng và cho biết rằng công ty sẽ tăng cường hoạt động sản xuất các dòng sản phẩm của mình bên ngoài Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam và Ấn Độ là 2 quốc gia được ông lớn công nghệ này nhắm đến để xây dựng các cơ sở lắp ráp mới.
Trước đó, vào giữa tháng 5, Pegatron - một trong những đối tác cung ứng lớn nhất của Apple, đã đưa ra thông báo rằng họ sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng lắp ráp các thiết bị điện tử. Nguyên nhân là do các nhà máy lắp ráp lớn của công ty tại Thượng Hải đang bị hạn chế hoạt động bởi các biện pháp đóng cửa của chính phủ Trung Quốc nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Theo Ivan Lam, chuyên gia phân tích cấp cao tại Counterpoint Research, các mẫu iPhone mới, bao gồm cả dòng iPhone SE 2022 có thể sẽ giảm tổng sản lượng trong quý này do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Vào tháng 4, Pegatron đã tạm ngừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy chủ chốt của công ty ở Thượng Hải và Côn Sơn. Đến nay, nhà máy tại Côn Sơn được cho là đã hoạt động trở lại sau khi chính quyền địa phương gỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát. Tuy nhiên, các hoạt động ở Thượng Hải vẫn bị hạn chế.
Động thái trên của Pegatron đang làm gia tăng áp lực cho Apple trong việc điều chỉnh các hoạt động của chuỗi cung ứng. Theo ước tính của SCMP, hơn một nửa trong số 192 nhà cung cấp của Apple - bao gồm những cái tên nổi bật như Foxconn Technology Group, Pegatron, Quanta Computer, Wistron Corp và Compal Electronics - có cơ sở sản xuất tại Thượng Hải và các tỉnh phía đông Giang Tô.
Quanta, đối tác chính sản xuất MacBook của Apple, cũng đã phải tạm ngừng hoạt động tại các nhà máy ở Thượng Hải, Trùng Khánh và Thường Thục, do các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 ở địa phương.
Apple cũng đưa ra cảnh báo rằng việc nhiều thành phố tại Trung Quốc đóng cửa đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất các mẫu điện thoại của công ty. Ước tính, điều đó có thể làm giảm doanh thu của hãng đến 8 tỷ USD trong quý này.
Trong một cuộc họp gần đây, CEO Tim Cook cho biết rằng công ty vẫn đang tiếp tục "xem xét việc tối ưu hóa" chuỗi cung ứng của mình. Cook xác nhận rằng nguyên nhân chính của những hạn chế trong chuỗi cung ứng là tình trạng thiếu chất bán dẫn và sự gián đoạn liên quan đến dịch Covid-19.
Trao đổi với Nikkei Asia, Eddie Han, một nhà phân tích tại Isaiah Research, cho biết rằng tình trạng đóng cửa kéo dài tại Trung Quốc đã gây trở ngại lớn đối với quá trình phát triển sản phẩm của Apple.
"Việc nối lại sản xuất sẽ không thể tiến triển tốt vì vẫn còn nhiều hạn chế về sinh hoạt và di chuyển, ngay cả khi các địa điểm sản xuất này có thể hoạt động khép kín. Hiện tại, sự chậm trễ trên chưa có khả năng ảnh hưởng đến lịch trình ra mắt sản phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần theo dõi chặt chẽ để đánh giá các tác động lâu dài", Han nói.
Nguồn tin từ Nikkei Asia còn tiết lộ rằng ít nhất một mẫu iPhone 14 (dự kiến ra mắt vào cuối năm nay) đã bị chậm tiến độ phát triển. Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp đẩy nhanh tốc độ phát triển sản phẩm để bù đắp lại khoảng thời gian đã mất. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin khẳng định rằng trong trường hợp xấu nhất, điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và khối lượng sản phẩm ban đầu cung cấp ra thị trường.
"Thật khó để bù đắp lại khoảng thời gian đã mất. Apple và các nhà cung cấp của họ đang phải làm việc suốt ngày đêm để tăng tốc độ phát triển", Giám đốc điều hành tại một nhà cung cấp của Apple chia sẻ.
Năm 2020, Foxconn - đối tác lớn nhất trong chuỗi cung ứng của Apple, đã nhận định rằng Trung Quốc sẽ không còn là công xưởng của thế giới trong tương lai. Ngay từ thời điểm đó, công ty cũng đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại nhiều quốc gia khác trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.
"Bất kể tại Ấn Độ, Đông Nam Á hay châu Mỹ, mỗi nơi đều sẽ có một hệ sinh thái sản xuất", Young Liu, chủ tịch Foxconn cho biết.
Ông Liu cũng mạnh dạn tuyên bố, dù hiện tại Trung Quốc vẫn là địa điểm quan trọng đối với các nhà máy của Foxconn, nhưng "những ngày được xem như công xưởng của thế giới đã kết thúc".
Thời điểm đó, năng lực sản xuất của Foxconn bên ngoài Trung Quốc đã đạt khoảng 30% tổng công suất của hãng, cao hơn tỷ lệ 25% so với giai đoạn tháng 6/2019. Đến nay, công ty vẫn liên tục mở rộng các hoạt động sản xuất tại Ấn Độ và Việt Nam.
Gần đây, nhiều nguồn tin tiết lộ rằng Apple đang lên kế hoạch chuyển hàng loạt dây chuyền sản xuất sản phẩm của công ty khỏi Trung Quốc. Cụ thể, vào cuối tháng 5, nhà phân tích Ming-Chi Kuo cho biết mẫu tai nghe không dây cao cấp AirPods Pro 2 sẽ được sản xuất hàng loạt tại Việt Nam vào cuối năm nay.
Động thái của Apple nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Kuo nói rằng Apple quyết định chuyển hoạt động sản xuất AirPods Pro 2 từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể là do "chuỗi cung ứng không phức tạp và môi trường sản xuất tốt hơn".
Đến đầu tháng 6, trang Nikkei Asia cho biết Apple sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nguyên nhân là do chính sách giãn cách xã hội tại đây đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của công ty.
BYD - một trong những đối tác lắp ráp iPad hàng đầu tại Trung Quốc - đã hợp tác cùng Apple để xây dựng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Nguồn tin trong chuỗi cung ứng tiết lộ rằng công ty có thể sẽ bắt đầu sản xuất một số lượng nhỏ iPad trong thời gian tới.
Các báo cáo của Nikkei Asia còn cho biết ngay từ tháng 1/2021, Apple đã cân nhắc đến việc xây dựng một số nhà máy lắp ráp iPad bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 vào thời gian đó đã khiến kế hoạch của công ty bị trì hoãn.
Như vậy, iPad sẽ trở thành dòng sản phẩm chủ lực thứ hai của Apple được sản xuất tại các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, sau tai nghe AirPods. Động thái này không chỉ cho thấy nỗ lực không ngừng của Apple trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mà còn thể hiện tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam đối với công ty.
Trong chương trình thăm và làm việc tại Mỹ vào tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ, trong đó có Apple.
Hiện tại, Apple chưa có nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, nhưng có 31 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc tại 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam với khoảng 160.000 lao động. Những nhà máy này chuyên sản xuất các cấu phần điện tử như bảng điện, camera, màn hình cho thiết bị của Apple và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm.
Trao đổi với Giám đốc điều hành Apple Tim Cook, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư và tài chính là trọng tâm và động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ tăng cường hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực có ý nghĩa về cả kinh tế và chiến lược.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá các sản phẩm của Apple đã trở nên rất được ưa chuộng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Người dân Việt Nam ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là ở khu vực thành thị, rất ưa chuộng các sản phẩm công nghệ của Apple. Với bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, chắc chắn rằng các sản phẩm của Apple sẽ ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Ông Tim Cook cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho Apple kinh doanh tại Việt Nam, tham gia ngày càng sâu vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple.
Giám đốc điều hành Apple khẳng định sẽ tích cực xem xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa và nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ và hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của công ty trong thời gian tới. Apple mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ phát triển kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Nội dung: Thế Anh
Thiết kế: Tuấn Huy