Theo CNBC, báo cáo mới đây của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) cho biết các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể chịu ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột giữa Nga - Ukraine.
Giá cả leo thang
Giá dầu, khí đốt và ngũ cốc toàn cầu đã tăng vọt kể từ khi chiến sự nổ ra vào cuối tháng 2.
Giá lương thực đặc biệt nhạy cảm với những xung đột. Do đó, việc Nga và Ukraine đều có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất lương thực và phân bón sẽ tác động tiêu cực đến nguồn cung.
Ngay cả khi không nhập khẩu trực tiếp từ Nga hay Ukraine, tình trạng phụ thuộc vào năng lượng và hàng hóa nông nghiệp của khu vực này sẽ vẫn thúc đẩy giá cả tăng cao.
Dù giảm nhẹ, giá lúa mì kỳ hạn hiện tại vẫn cao hơn 65% so với năm ngoái. Giá ngô kỳ hạn cũng đã tăng hơn 40% trong cùng kỳ.
Các nước châu Âu - Thái Bình Dương phải nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Nga và Ukraine. Ảnh: Japan Times.
“Việc phụ thuộc vào nguồn cung phân bón và ngũ cốc của Nga và Ukraine ở Đông Nam Á sẽ gây gián đoạn lĩnh vực nông nghiệp", EIU cảnh báo.
Kể từ thời điểm Nga tiến hành các chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ cùng các nước đồng minh đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đánh vào lĩnh vực tài chính, năng lượng. Bên cạnh đó, giới tài phiệt, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và trái phiếu chính phủ Nga cũng trở thành mục tiêu chịu trừng phạt.
Nga và Ukraine đang đóng góp nguồn cung hàng hóa không nhỏ cho thế giới. Dù cách xa hàng nghìn km, các nước châu Á vẫn dễ dàng bị ảnh hưởng bởi giá cả thị trường. Tuy nhiên, một số quốc gia khác có thể hưởng lợi từ thực trạng này.
“Giá hàng hóa gia tăng và việc tìm kiếm nguồn cung thay thế trên toàn cầu đem lại những lợi ích xuất khẩu cho một số quốc gia”, EIU cho biết.
Ở chiều ngược lại, xét trên tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa từ Nga và Ukraine, nhiều quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, sẽ bị tổn thương do giá cả leo thang.
Du lịch sụt giảm
Dù các đường bay từ Nga đến châu Á vẫn hoạt động, người dân Nga sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn khi đi du lịch.
“Du lịch là tiềm năng chính trong thương mại dịch vụ, hoạt động này có thể tiếp tục duy trì và mở rộng khi các tuyến hàng không đến châu Á vẫn được mở. Song, mức độ sẵn sàng du lịch của người Nga sẽ bị gián đoạn trước tình hình kinh tế, đồng RUB mất giá và việc bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế”, EIU nhận định.
Nền kinh tế nội địa bị ảnh hưởng có thể khiến du khách Nga cân nhắc lại hoạt động du lịch quốc tế, đặc biệt là châu Á. Ảnh: Getty.
Trong những vòng trừng phạt đầu tiên, một số ngân hàng của Nga đã bị loại khỏi SWIFT, hệ thống toàn cầu kết nối hơn 11.000 ngân hàng thành viên tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, việc hàng loạt quốc gia châu Âu và Mỹ đóng cửa không phận đối với máy bay Nga giúp châu Á trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu cho du khách Nga. Hiện tại, Indonesia, Sri Lanka, Maldives cũng thuộc top 5 điểm đến hàng đầu tại châu Á của du khách Nga.
Tuy nhiên, châu Á không phụ thuộc quá nhiều vào khách du lịch Nga.
Trong khu vực, Thái Lan là nước hưởng lợi nhất từ nguồn khách này, xếp trên Việt Nam. Năm 2019, Thái Lan đón 1,4 triệu lượt khách Nga. Nhưng, con số này chiếm chưa đầy 4% tổng lượng khách đến Thái Lan trong năm đó.