VietBank lợi nhuận và nợ xấu tăng mạnh, dự kiến phát hành trái phiếu 3.000 tỷ đồng

17/08/2022 17:17

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank; UPCOM: VBB) đã có báo tài chính hợp nhất quý 2/2022. Theo đó, nợ xấu trong quý 2 của VietBank tăng 19% so với đầu năm.

Cụ thể, trong quý 2, tổng dư nợ cho vay khách hàng của VietBank tăng 11,2% so với đầu năm, đạt 56.222 tỷ đồng. Còn nợ xấu của nhà “bank” này đạt hơn 2.196 tỷ tăng hơn 19% so với hồi đầu năm. Qua đó, ghi nhận mức tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính, Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của VietBank tăng đến 61,5% so với hồi đầu năm lên mức gần 1.489 tỷ đồng, chiếm tới 68% nợ xấu. Còn Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 8,6% lên mức 359,6 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm 41,2% xuống còn 357,7 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 3,65% hồi đầu năm lên mức 3,91%.

Đối với hoạt động kinh doanh của VietBank, ghi nhận một mức tương đối sáng sủa với tổng thu nhập đạt 668,1 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 568,4 tỷ đồng (tăng 2,3 lần). Lãi thu thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 25,2 tỷ đồng (tăng 44,3%). Lãi thuần từ các hoạt động khác thu được 81,7 tỷ đồng (tăng 89,6%).

vietbank-1660728911.jpeg Trong quý 2, VietBank của Chủ tịch Dương Nhất Nguyên có nợ xấu và lợi nhuận sau thuế cũng tăng

Trong quý 2, ngân hàng của ông Dương Nhất Nguyên (Chủ tịch HĐQT VietBank) ghi nhận hoạt động kinh doanh ngoại hối còn 9,7 tỷ đồng (giảm 27,5%) so với cùng kỳ. Lãi từ mua bán chứng khoán chỉ được 2,9 tỷ đồng (giảm 98,7%) so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong quý 2, chi phí hoạt động của VietBank giảm 1%, còn 319,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Còn chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietBank tăng gấp 3 lần (đạt 94,3 tỷ đồng) so với quý 2/2021.

Tính đến ngày 30/6/2022, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietBank ghi nhận ở mức 168,2 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Do đó, VietBank báo lãi trước thuế 274,5 tỷ đồng (tăng 35,8%) so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 220,6 tỉ đồng (tăng trưởng 36,6%) so với quý 2/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của VietBank đạt 387,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 310,4 tỷ đồng, cùng tăng trưởng khoảng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả này, sau nửa đầu năm, VietBank mới chỉ hoàn thành được 35,5% so với mục tiêu đề ra. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của VietBank đạt 109.666,9 tỉ đồng, tăng 6% so với đầu năm.

Ngoài ra, VietBank dự kiến phát hành 300.000 trái phiếu không có tài sản đảm bảo vào tháng 9/2022. Cụ thể, VietBank cho biết, sẽ phát hành 300.000 trái phiếu ra công chúng với giá trị 3.000 tỷ đồng và chia thành 3 đợt chào bán.

Đây là loại trái phiếu được phát hành rộng rãi cho các cá nhân và tổ chức, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và có mệnh giá 10.000.000 đồng/trái phiếu. Nhà đầu tư có thể đăng ký mua trái phiếu tại các điểm giao dịch của Vietbank từ ngày 25/07/2022 đến 12h ngày 15/9/2022.

Mối quan hệ với Tập đoàn Hoa Lâm

Được biết, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra vào ngày 26/4/2021 Hội đồng quản trị VietBank đã bầu ông Dương Nhất Nguyên - thành viên HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Qua tìm hiểu, ông Dương Nhất Nguyên (sinh năm 1983), là cử nhân trường Greenwich University (Anh), có trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Devry (Mỹ).

Trước khi trở thành người đứng đầu VietBank, ông Nguyên từng làm việc trong vai trò quản lý với nhiều chức vụ quan trọng như làm Giám đốc ở Công ty CP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm; Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Lâm.

vietbank-2-1660728959.jpeg Nhiều câu hỏi về sự mật thiết giữa VietBank và Tập đoàn Hoa Lâm. Trong ảnh là ông Dương Nhất Nguyên và bà Trần Thị Lâm (Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm).

Từ tháng 1/2013, ông Nguyên bắt đầu tham gia vào Ban Điều hành của VietBank với vị trí Phó Tổng giám đốc.

Từ năm 2013 đến nay, ông đã kinh qua nhiều chức vụ lớn khác tại VietBank như: Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Một thông tin đáng chú ý, ông Dương Nhất Nguyên là con trai của nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank Dương Ngọc Hoà và bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm.

Mối quan hệ của VietBank và Tập đoàn Hoa Lâm có rất nhiều mật thiết. Điển hình, khi nhà “bank” này thu xếp hơn 4.400 tỷ đồng cho loạt doanh nghiệp nhóm Hoa Lâm thông qua kênh phát hành trái phiếu.

Đáng chú ý, hồi tháng 9/2021, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Gia An – doanh nghiệp có mối liên hệ với Tập đoàn Hoa Lâm đã huy động thành công 456 tỷ đồng trái phiếu. Kỳ hạn 10 năm, lãi suất cho năm đầu tiên là 9%/năm.

Bạn đang đọc bài viết "VietBank lợi nhuận và nợ xấu tăng mạnh, dự kiến phát hành trái phiếu 3.000 tỷ đồng" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).