Vietinbank nợ xấu bất ngờ ‘phình to’ và nỗi lo khoản nợ hơn 19.000 tỷ đồng từ thành viên của Đèo Cả

21/09/2021 11:56

Vietinbank là ngân hàng thuộc top đầu nhưng lợi nhuận sụt giảm hàng nghìn tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn phình to và nỗi lo về khoản vay hơn 19000 tỷ đồng từ công ty con Tập đoàn Đèo Cả khiến nhiều chuyên gia tài chính ngỡ ngàng, lo ngại.

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank – HOSE: CTG) đã công bố BCTC quý II/2021. Có thể thấy, các hoạt động kinh doanh của Vietinbank trong kỳ khá tích cực.

v
Nợ có khả năng mất vốn của Vietinbank quý II/2021 tăng gấp đôi, lợi nhuận giảm nghìn tỷ đồng

Cụ thể, thu nhập lãi thuần riêng quý II/2021 đạt 10.878 tỷ đồng (tăng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái); hoạt động dịch vụ đem về 1.357 tỷ đồng (tăng 23,1%); lãi thuần từ hoạt động khác 1.134,3 tỷ đồng (tăng gấp 5,8 lần)... Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt hơn 9.896,3 tỷ đồng, tăng gần 48%.

Kinh doanh tích cực là thế, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 7.106 tỷ đồng, tăng 222%, đã đẩy lãi sau thuế ngân hàng chỉ còn 2.206,4 tỷ đồng, tương đương giảm 38%.

Việc chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhiều khả năng do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tính đến ngày 30/6/2021 là 12.293 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với số đầu năm.

Trong khi đó, giải trình về việc lợi nhuận sau thuế giảm, phía Vietinbank cho rằng ngân hàng trong quý II/2021 chủ động trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước nhằm giúp ngân hàng chủ động nâng cao năng lực tài chính, khả năng chống chịu trước các rủi ro có thể có từ nền kinh tế.

Theo tìm hiểu, một trong những đối tác tín dụng lớn của Vietinbank là CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - công ty con của Tập đoàn Đèo Cả, tính đến hết quý II/20121 Đèo Cả đang nợ ngân hàng này hơn 19.663 tỷ đồng, chiếm chủ yếu tổng nợ vay của Đèo Cả (25.355 tỷ đồng).

d
Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Đèo Cả đã tăng lên 137 tỷ đồng nhưng các khoản nợ lại lên đến 25.163 tỷ đồng, trong khi khoản nợ Vietinbank hơn 19.663 tỷ đồng

Về khoản vay dài hạn, Vietinbank chi nhánh Hà Nội cho Đèo Cả vay hơn 19.663 tỷ đồng để thực hiện các dự án hầm đường bộ Quốc lộ 1A.

Cụ thể, đó là Hợp đồng số 02/2013/NHCT106-DEOCA ngày 22/10/2013 với hạn mức vay 4.800 tỷ đồng; mục đích sử dụng tiền vay là thanh toán các chi phí hợp lý để thực hiện công trình BOT thuộc dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà; thời hạn vay là 180 tháng, lãi suất theo từng lần nhận nợ.

Hợp đồng số 01/2015-HDTDDA/NHCT106-DEOCA ngày 28/07/2015 với hạn mức vay là 2.500 tỷ đồng để thực hiện hạng mục đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và Bình Định thuộc dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tình Khánh Hòa theo hình thức BT và BOT; thời hạn vay là 204 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên,, thời gian giải ngân là 48 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

v
Thời điểm Vietinbank chi nhánh Hà Nội ký hợp đồng giải ngân cho Tập đoàn Đèo Cả vay hàng nghìn tỷ đồng (năm 2013), Giám đốc chi nhánh lúc đó là ông Trần Minh Bình, hiện là Tổng giám đốc Vietinbank (Ảnh: Vietinbank)

 Hợp đồng số 02/2015- HDTDDA/NHCT106-DEOCA ngày 11/12/2015 có hạn mức vay là 1.190 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hầm Hải Vân 1 và đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân (giai đoạn của hạng mục đầu tư mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Quốc lộ 1 tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng; thời hạn vay là 192 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân 24 tháng; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

Hợp đồng số 01/2016-HDTDDA/NHCT106-DEOCA ngày 2/2/2016 với mức vay 4.182 tỷ đồng và phần lãi vay trong thời gian xây dựng được vốn hóa vào tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện giai đoạn 2 – Mở rộng hầm Hải Vân thuộc Hạng mục đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân quốc lộ 1 tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng được bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả; thời hạn vay là 20 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân là 4 năm; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

Hợp đồng số 01/2017-HDTDDA/NHCT106-BOT GBLS của Vietinbank Chi nhánh TP.Hà Nội với hạn mức 1.190 tỷ đồng để thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; thời hạn vay là 17 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân 24 tháng; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.

BCTC của Đèo Cả cho thấy, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng gấp 5,2 lần lên hơn 137 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí lãi vay Đèo Cả phải trả trong 6 tháng đầu năm 2021 lên đến gần 307 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày công ty này phải trả gần 1,7 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Vietinbank nợ xấu bất ngờ ‘phình to’ và nỗi lo khoản nợ hơn 19.000 tỷ đồng từ thành viên của Đèo Cả" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).