Tại ngày 31/3/2021, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) có nợ ngắn hạn hơn 37.000 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán là khoản mục lớn nhất với giá trị hơn 16.200 tỷ. Đây là khoản mà Vietnam Airlines mua hàng của nhà cung cấp (vendor) nhưng chưa thanh toán tiền.
Tiếp sau là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trị giá gần 12.700 tỷ. Báo cáo tài chính quý I không nêu rõ các chủ nợ của Vietnam Airlines là ai. Tuy nhiên, theo báo cáo hợp nhất năm 2020, các tổ chức đang cho Vietnam Airlines vay nhiều nhất tại ngày 31/12 là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Tập đoàn ING, Citibank, JP Morgan Chase, HSBC, …
Ngoài ra, tại ngày 31/3 năm nay, Vietnam Airlines còn nợ ngắn hạn người lao động 711 tỷ đồng, giảm 272 tỷ so với đầu năm. Nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 293 tỷ, tăng 15 tỷ.
Tại ngày đầu năm 2020, tức là khi chưa bị ảnh hưởng bởi COVID-19, số nợ của Vietnam Airlines còn lớn hơn cuối quý I/2021. Cụ thể, nợ ngắn hạn người lao động là 1.683 tỷ, còn nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 589 tỷ.
Ngoài các khoản nợ ngắn hạn, Vietnam Airlines còn có nợ dài hạn 22.522 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021, trong đó chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn 21.640 tỷ.
Nếu Vietnam Airlines phá sản, ai được trả tiền trước?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho biết Vietnam Airlines có thể lỗ tới 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, đồng thời đang quá hạn trả nợ 6.200 tỷ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.Theo Khoản 1, Điều 54 của Luật Phá sản năm 2014, khi thẩm phán ra quyết định tuyên bố phả sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
a) Chi phí phá sản;
b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Nếu giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi trả hết cho các đối tượng trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về chủ doanh nghiệp, cụ thể với trường hợp Vietnam Airlines là các cổ đông sở hữu cổ phần HVN.
Có thể thấy, khoản nợ lương, trợ cấp của người lao động có thứ tự ưu tiên chi trả tương đối cao khi doanh nghiệp phá sản.
Ngược lại, các khoản nợ không có tài sản bảo đảm (ví dụ như các khoản cho vay tín chấp, cho mua chịu, ...) hoặc khoản vay có tài sản bảo đảm nhưng giá trị không đủ để thanh toán nợ sẽ nằm ở cuối danh sách chi trả và có nguy cơ mất vốn tương đối lớn.
Quý I năm nay, Vietnam Airlines lỗ gần 5.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại ngày cuối quý chỉ còn 1.030 tỷ. Nếu tiếp tục thua lỗ 5.000 tỷ đồng trong quý II như dự báo, vốn chủ của Vietnam Airlines sẽ bị âm, tức là giá trị sổ sách của tài sản không đủ để trả nợ.
Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu 86,2% vốn của Vietnam Airlines, đã ban hành các chính sách đặc thù để giải cứu Tổng công ty này như cho phép phát hành tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng dù làm ăn thua lỗ và hỗ trợ lãi suất khoản vay 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, vì nhiều lý khách quan cũng như chủ quan, Vietnam Airlines chưa nhận được số tiền cứu trợ trên.