Vinatex biến từ “con nợ” của loạt ngân hàng lớn thành "chủ nợ" tại các công ty con

09/09/2022 16:59

BCTC Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) ghi nhận khoản vay của Tập đoàn này tại các ngân hàng lên tới 2.435 tỷ đồng. Đáng lưu ý, Vinatex thế chấp tài sản các công ty con để vay ngân hàng, sau đó dùng chính số tiền này để cho các công ty con vay lại, với lãi và phí bằng 85% nợ gốc.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã:VGT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với doanh thu thuần đạt hơn 4.768 tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 15,4% xuống 14,8%.

tap-doan-det-may-viet-nam-1662706785.jpg

BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại Vinatex ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 4.768 tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 15,4% xuống 14,8%.

Loạt ngân hàng lớn đang là chủ nợ của Vinatex

Theo BCTC kết thúc ngày 36/6/2022, hiện Vinatex đang vay các ngân hàng khoản tài chính lên tới hơn 2.435 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn hơn 645 tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Vinatex vay ngắn hạn Ngân hàng Agribank chi nhánh Mỹ Đình 264 tỷ đồng, Agribank chi nhánh Hà Nội 201 tỷ đồng và tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hoàn Kiếm 179 tỷ đồng.

Cũng theo BCTC, các khoản vay ngắn hạn trên không được đảm bảo.

vay-1662706914.jpg

Kết thúc ngày 30/6/2022 Vinatex đang vay ngắn hạn hơn 645 tỷ đồng tại 2 chi nhánh Ngân hàng Agribank và Vietinbank, khoản vay này tăng 3,1 lần so với cùng kỳ.

Tại khoản vay dài hạn, Vinatex cũng đang là “con nợ” của loạt ngân hàng lớn với tổng nợ lên tới 1.790 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của Vinatex là Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB với khoản vay 1.562 tỷ đồng, khoản vay với lãi suất thả nổi kéo dài từ năm 2020-2039.

Những khoản vay dài hạn còn lại, Vinatex vay của ngân hàng gồm: Vietcombank 64 tỷ đồng, 92 tỷ tại Agribank và 51 tỷ đồng tại Vietinbank.

Vinatex cho biết, khoản vay dài hạn 1.562 tỷ đồng tại Ngân hàng ADB, được đảm bảo bằng một số tài sản cố định tại Vinatex, một số tài sản của Công ty TNHH MTV dệt 8-3, Cty dệt kim Đông Xuân, Cty CP dệt may Huế, Công ty CP dệt may Hà Nội, Cty dệt may Nam Định, Cty dệt may Phong Phú.

vinatex-1662706944.jpg

Vinatex cũng đang là “con nợ” của loạt ngân hàng lớn với tổng nợ lên tới 1.790 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của Vinatex là Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB với khoản vay 1.562 tỷ đồng, khoản vay với lãi suất thả nổi kéo dài từ năm 2020-2039.

Khoản vay dài hạn còn được đảm bảo bằng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hoàn Kiếm…

Còn tại khoản vay dài tại Ngân hàng Vietinbank thì lại được Vinatex đảm bảo bằng toàn bộ máy móc thiết bị hình thành từ dự án nhà máy may Tuyên Quang bao gồm các tài sản đã được Tập đoàn chuyển giao cho Cty TNHH Tổng cty dệt may Miền Bắc, đây là công ty thuộc sở hữu 100% của Vinatex.

Từ “con nợ” của loạt ngân hàng lớn thành “chủ nợ” tại các công ty con với lãi khủng

BCTC quý 2/2022 Vinatex ghi nhận một loạt giao dịch giữa công ty con về các khoản thu nợ, lãi đối với khoản vay tại các ngân hàng mà PV Tài chính Doanh nghiệp đã liệt kê ở trên.

Cụ thể, tại Cty TNHH MTV Dệt 8-3, lãi và phí của khoản cho vay lại nguồn vốn vay Ngân hàng ADB là 658 triệu, còn nợ gốc tại ADB là 770 triệu đồng, chênh 112 triệu đồng, tương đương lãi bằng 85% nợ gốc.

Tổng Cty CP dệt may Hòa Thọ, ghi nhận, lãi và phí của khoản cho vay lại nguồn vốn vay Ngân hàng ADB là 1.855 triệu, nợ gốc tại ngân hàng này là 2.188 triệu đồng, lãi và chi phí gần bằng 85% so với nợ gốc.

cong-ty-con-1662707126.jpg

Hàng loạt công ty con của Vinatex đang phải gồng mình trả lãi và phí lên tới 85% nợ gốc mà Ngân hàng ADB cho Vinatex vay bằng chính tài sản đảm bảo của các công ty con.

Tương tự, tại Tổng Cty CP Phong Phú ghi nhận lãi và phí tại ADB 4.670 triệu, nợ gốc 5.461 triệu đồng, lãi và phí hơn 85% so với nợ gốc.

Các công ty con khác như: Dệt may Nam Định, Dệt kim Đông Xuân, cũng ghi nhận tình trạng lãi và phí phải thu bằng 85% nợ gốc tại ngân hàng ADB.

Lưu ý về tài sản đảm bảo Vinatex đã dùng để vay 1.562 tỷ đồng tại Ngân hàng ADB mà PV đã phân tích. Trong các tài sảm đảm bảo dùng để thế chấp cho khoản vay khá bất ngờ khi tài sản này bao gồm cả tài sản của các công ty con mà Vinatex đang cho vay lại như: Dệt may 8-3, Dệt kim Đông Xuân, Dệt may Nam Định, Dệt may Phong Phú.

Vấn đề đặt ra là, tại sao các công ty con Vinatex không trực tiếp vay tại ADB mà lại để Vinnatex đứng ra vay bằng tài sản đảm bảo chính công ty mình, sau đó lại cho các công ty con này vay lại với lãi suất “cắt cổ”.

Việc các Tập đoàn vay mượn ngân hàng để hoạt động, kinh doanh là đương nhiên trong tình hình kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, việc Tập đoàn dệt may Việt Nam lại tìm cách biến mình thành “con nợ” của các ngân hàng lớn rồi đổi chiều thành chủ nợ tại các công ty con để đích thân đi thu nợ gốc, lãi và phí "cắt cổ" như BCTC thể hiện, là một vấn đề rất đáng phản ánh tại bức tranh tài chính của Tập đoàn này. 

Giá cổ phiếu giao dịch Vinatex - Mã:VGT ngày 9/9 đang ở mức 16,800 đồng/ cổ phiếu. Dự đoán cuối ngày sẽ bán ở mức 17.000 đồng/cổ phiếu.

Theo BCTC,Vinatex ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 572,5 tỷ đồng, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 347,3 tỷ đồng, tăng 22,6%.

Trong bản giản trình về một số vấn đề trong báo cáo soát xét bán niên năm 2022 của Vinatex cho biết, kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng là do các tháng đầu năm 2022, thị trường sợi vẫn phát huy những ảnh hưởng tích cực từ cuối năm 2021 với đơn hàng đều đặn và giá bán tốt.

Sang đầu quý 2, mặc dù thị trường có dấu hiệu chững lại, giá bán sợi không tăng, song do dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị sợi trong tập đoàn đã dự trữ lượng bông lớn với giá thành rẻ, nhờ đó thu được kết quả kinh doanh khả quan.

Bạn đang đọc bài viết "Vinatex biến từ “con nợ” của loạt ngân hàng lớn thành "chủ nợ" tại các công ty con" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).