Tại Talkshow Phố Tài chính, các chuyên gia đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng tốt nửa cuối năm 2022, tuy nhiên nhà đầu tư cần có những chiến lược thận trọng trong giai đoạn này trước sức ép lạm pháp và chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu.
VN-Index "khó" lấy lại mức 1.500 điểm trong nửa cuối năm nay |
TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài chính), nêu ra một số vấn đề mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong nửa cuối năm 2022. Thứ nhất là vấn đề tăng trưởng kinh tế.
“Nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có những tăng trưởng ngoạn mục nhưng bên cạnh những nỗ lực để đạt được tăng trưởng đó thì một điểm phải kể đến là nền so sánh trong năm 2020 và 2021 ở mức thấp”, TS. Vũ Đình Ánh cho biết.
Thứ hai là yếu tố lệch pha của kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới. Trong năm 2021, Mỹ - nền kinh tế khổng lồ tăng trưởng tới 4,6%, trong khi đó Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2,38%. Khi Việt Nam bắt đầu tăng trưởng mạnh thì kinh tế toàn cầu lại đối mặt với vấn đề suy thoái. Giai đoạn năm 2020-2021, khi lạm phát toàn cầu đã lên tới trên 3% thì ở Việt Nam lại ở mức thấp chưa từng có.
“Như vậy, chúng ta không chỉ lệch pha tăng trưởng mà còn lệch pha cả lạm phát. Đó là các yếu tố có thể gây ra lạm phát cao ở Việt Nam trong nửa cuối năm 2022”, TS. Vũ Đình Ánh cho biết.
Hiện nay, giá của nhiều nguyên nhiên liệu đã tăng tới hàng chục phần trăm, trong khi phần lớn các nguyên nhiên vật liệu Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc giá thế giới tăng mà Việt Nam phải nhập khẩu lạm phát như vậy sẽ đẩy giá thành sản xuất cũng như giá bán cuối cùng tăng lên, tạo ra lạm phát ở Việt Nam, theo TS. Vũ Đình Ánh. Ngoài ra, yếu tố khác là nguyên nhân dẫn đến lạm phát là do cầu kéo. Cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng phục hồi tiêu dùng rất có thể sẽ tạo ra lạm phá do cầu kéo.
Yếu tố thứ ba mà TS. Vũ Đình Ánh đề cập là về tỷ giá hối đoái. Theo đó, Việt Nam đang đối mặt với áp lực điều chỉnh tỷ giá hối đoái trong bối cảnh phải giữ được lãi suất ở mức tối thiểu là không tăng và phải hỗ trợ cho phục hồi phát triển kinh tế.
Hiện trên thế giới, lãi suất đã bắt đầu tăng dần, giá trị của đồng USD hay tỷ giá hối đoái của các đồng đồng tiền khác so với đồng USD đều mất giá. Trong khi đó, đồng tiền Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 không những không mất giá mà lại lên giá khoảng 0,2%. Ở năm 2020 và 2021, đồng tiền Việt Nam vẫn lên giá so với đồng USD.
TS. Vũ Đình Ánh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt trên dưới 7%, trong đó ông chắc chắn sẽ vượt mức 6,5%. Lạm phát sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách kiểm soát lạm phát của Chính phủ, với các diễn biễn như hiện tại, ông Ánh dự báo rơi vào khoảng 5-6%.
Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 6-7%. Về thị trường chứng khoán, ông cho rằng thị trường sẽ phục hồi từ mức thấp, tuy nhiên việc quay về mức đỉnh 1.500 là “cực kỳ khó”.
“Phục hồi ở đây chỉ về mặt kỹ thuật, dự kiến vẫn có thể mang lại lợi nhuận tốt để nhà đầu tư có thể mua được ở vùng giá thấp. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tranh thủ vào giai đoạn này”, đại diện Maybank Investment Bank cho biết.
Ngoài ra, ông cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên giao dịch một cách thận trọng, hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy và phải giữ một tỷ trọng tiền mặt nhất định trong danh mục để chờ đợi các cơ hội.
Theo ông Phan Dũng Khánh, vào giai đoạn năm 2023, khi các chính sách ổn định hơn hơn, kinh tế vĩ mô vững chắc và dòng tiền ổn định, cơ hội nâng hạng thị trường có khả năng đạt được sớm hơn, khiến cho dòng tiền đổ vào thị trường mạnh hơn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.