Vốn âm 366 tỷ và đang mở thủ tục phá sản, Beton 6 của ông Trịnh Thanh Huy phải huỷ phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ

15/08/2022 16:53

Ngày 9/9 tới, CTCP Beton 6 (BT6) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 để thông qua loạt vấn đề quan trọng, trong đó có việc hủy phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ.

Định hướng năm 2022, Beton 6 đặt mục tiêu doanh thu đạt 40 tỷ đồng. Tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, tái cấu trúc các khoản nợ phải trả hiện có bằng hình thức mua nợ. Hợp tác kinh doanh (cho thuê nhà kho, trung tâm thương mại, khu phức hợp...); quy hoạch lại nhà máy với từng mục địch khác nhau...

Nhìn lại năm 2021, Beton 6 cho biết, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tình hình kinh tế tài chính của Beton 6 đã khó khăn nay lại càng sa sút trầm trọng hơn. Beton 6 đã trượt dài trên con dốc thua lỗ nhiều năm, rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, vốn chủ sở hữu bị âm, doanh thu sụt giảm, số nợ phải trả tăng cao hơn tổng tài sản, thiếu hụt nguồn vốn. 

Trước tình hình đó, năm 2020, Ban lãnh đạo Beton 6 buộc phải mở thủ tục phá sản. Trong giai đoạn thực hiện thủ tục phá sản, công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, năm 2021 doanh thu vỏn vẹn hơn 46 tỷ đồng, giảm 48% so năm 2021. Kinh doanh dưới giá vốn nên Beton 6 lỗ gộp 5,6 tỷ đồng.

von-am-366-ty-va-dang-mo-thu-tuc-pha-san-beton-6-cua-ong-trinh-thanh-huy-phai-huy-phat-hanh-co-phieu-hoan-doi-no-1660556815.jpg
 

Trong báo cáo kiểm toán năm 2021 của Beton 6, đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến, Tòa án đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Beton 6.

Tuy nhiên công ty chưa thực hiện đánh giá lại toàn bộ tài sản và nợ phải trả và chưa thực hiện lập báo cáo theo nguyên tắc lập và trình bày BCTC của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục với các bằng chứng hiện có tại Beton 6. 

Do đó, kiểm toán chưa đánh giá được giá trị của tài sản và nợ phải trả tại ngày 31/12/2021 của Beton 6.

Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của Beton 6 giảm 65 tỷ xuống còn 598 tỷ đồng. Trong đó dự phòng đầu tư tài chính dài hạn "ngốn" tới 120 tỷ đồng; dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi 341 tỷ đồng... 

Lỗ lũy kế lên tới 768 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm nặng 366 tỷ đồng. Trong khi đó nợ ngắn hạn gần 341 tỷ đồng.

Cũng tại đại hội, Beton 6 sẽ bàn về việc huỷ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ. Cụ thể, năm 2019, Beton 6 dự kiến phát hành riêng lẻn gần 1,3 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp để hoán đổi nợ 12,96 tỷ đồng. Tỷ lệ hoán đổi dự kiến 1:10.000, tương đương 1 cổ phiếu sẽ hoản đổi 10.000 đồng nợ.

Đối tượng chào bán cổ phiếu để hoán đổi nợ là các chủ nợ gồm CTCP Công nghệ Việt Ân và Công ty TNHH MTV Hoàng Mã. Tuy nhiên công ty vẫn chưa hoàn thành phương án này do UBCKNN không duyệt hồ sơ phát hành cổ phiếu này. 

Hiện HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 của Beton 6 gồm ông Trịnh Thanh Huy (không điều hành), ông Lê Nguyễn Phương (kiêm Tổng giám đốc), ông Trương Lê Minh, ông Nguyễn Xuân Vinh và bà Lê Thị Hải Ninh. 

Bạn đang đọc bài viết "Vốn âm 366 tỷ và đang mở thủ tục phá sản, Beton 6 của ông Trịnh Thanh Huy phải huỷ phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).