Xây 'chui' khu du lịch trên đất nông nghiệp, tỉnh vẫn ủng hộ?

13/12/2022 11:11

Nhiều công trình vi phạm tại Làng du lịch Yên Trung (Yên Định, Thanh Hóa) đang được xem xét, hợp thức hóa vi phạm.

Xây dựng “chui” khu du lịch 

"Chủ đầu tư" Dự án Làng du lịch Yên Trung (Yên Định, Thanh Hóa) là Công ty Anh Phát. Dự án được khởi công tháng 11/2018 và hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1 từ tháng 6/2020. Ban đầu dự án được UBND huyện Yên Định giao đất cho hai cá nhân là ông Trịnh Xuân Nghiệm (lãnh đạo Công ty Anh Phát) và bà Đào Ngọc Dung với tổng diện tích gần 10 nghìn m2, theo hình thức đầu tư hộ gia đình, cá nhân để xây dựng cơ sở dịch vụ thương mại.

Hiện nay dự án đã hoàn thiện các hạng mục như villa, bungalow, nhà thuyền, bể bơi, hệ thống sân vườn… Theo kế hoạch giai đoạn 2 của dự án sẽ được đầu tư các hạng mục công trình như sân golf, các khu villa ven hồ Yên Trung, các bungalow trên núi, bến du thuyền, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, khu du thuyền, khu vui chơi…có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới cả trăm tỷ đồng. 

Để hiện thực hóa mục tiêu dự án, ngày 12/4/2022 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1237/QĐ-UBND về việc chấp thuận cho Công ty Anh Phát nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để mở rộng phạm vi dự án lên hơn 8,5 ha. Tiếp đó, Công ty Anh Phát tiếp tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư trên tổng diện tích đất nói trên.

Làng du lịch Yên Trung. Ảnh: Quốc Toản.Con đường dẫn vào Làng du lịch Yên Trung. Ảnh: Quốc Toản.

Tuy nhiên, theo xác nhận của cán bộ UBND xã Yên Trung, toàn bộ diện tích hơn 8,5 ha đất nông nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty Anh Phát nhận chuyển nhượng và đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm cả các công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp đã bị UBND huyện Yên Định xử phạt.

Cụ thể: Năm 2021, trong phạm vi khu đất liên quan đến làng du lịch, UBND xã Yên Trung phát hiện ông Lê Văn Dũng, thôn Nam Thạch, xã Yên Trung tự ý đầu tư xây dựng một số công trình trên đất như nhà cấp 4, bãi đỗ xe, nhà bán hàng và một số công trình trên đất. Thời điểm này, UBND xã Yên Trung đã lập biên bản vi phạm hành chính, đề nghị UBND huyện xử phạt vi phạm đối với cá nhân này số tiền 62,5 triệu đồng…

Bên trong Làng du lịch Yên Trung. Ảnh: Quốc Toản.Bên trong Làng du lịch Yên Trung. Ảnh: Quốc Toản.

Báo cáo của UBND huyện Yên Định cũng cho thấy, tại khu đất 8,5 ha, còn có 2 hộ tự ý đầu tư xây dựng một số công trình trên đất, UBND huyện Yên Định đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND xã Yên Trung để kiểm tra hiện trạng, lập biên bản vi phạm nhưng chưa thể xử phạt vì 2 hộ này đi làm ăn xa.

Trước những vi phạm trên, UBND huyện Yên định đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm điểm trách nhiệm vì để xảy ra các khuyết điểm trong quản lý sử dụng đất đai trong vụ việc trên.

Hợp thức hóa cho vi phạm?

Hiện nay, Làng du lịch Yên Trung đã xây dựng nhiều hạng mục kiên cố, đồng thời doanh nghiệp đã tổ chức các hoạt động thăm quan, thu tiền các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Tuy nhiên, dự án Làng du lịch (mở rộng) đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư.

Mặc dù những sai phạm nêu trên chưa được khắc phục, nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa lại có văn bản thống nhất về mặt nguyên tắc về việc chưa vội phá dỡ phần công trình vi phạm thuộc phạm vi dự án đang xin chủ trương đầu tư.

“Sau khi dự án được phê duyệt, nếu công trình đã xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết và dự án được duyệt, Công ty Anh Phát phải thuê đơn vị có đủ năng lực, thẩm quyền, đánh giá kết luận đảm bảo an toàn sử dụng công trình… Nếu không phù hợp và không đảm bảo, Công ty Anh Phát phải tự phá dỡ công trình theo quy định. 

Thời gian cho phép các công trình đã xây dựng được tồn tại tối đa là 2 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu quá thời hạn trên, mà Công ty Anh Phát không hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư thì phải chịu trách nhiệm phá dỡ các công trình các hộ dân đã đầu tư xây dựng…

Trường hợp dự án trên không được chấp thuận đầu tư, giao UBND huyện Yên Định chỉ đạo, yêu cầu Công ty Anh Phát và các hộ dân có công trình vi phạm tự phá dỡ công trình vi phạm theo quy định”, văn bản của tỉnh Thanh Hóa nêu rõ.

Tiếp đó,  UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát, thẩm định kỹ, đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật trong từng nội dung cụ thể của đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Làng du lịch Yên Trung của Công ty Anh Phát.

khuon vienLàng du lịch Yên Trung nhìn từ trên cao. Ảnh: Quốc Toản.

Xung quanh vụ việc này, hàng loạt câu hỏi được đặt ra như: Việc UBND tỉnh Thanh Hóa “ân hạn” cho công trình được tồn tại tối đa 2 năm kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư để hoàn thành thủ tục đầu tư (bao gồm cả phần vi phạm) có đúng pháp luật?  

Việc cho phép công trình vi phạm tồn tại trong 2 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đầu tư có phải hợp thức hóa cho vi phạm của chủ đầu tư dự án?

Trao đổi với NNVN về việc xử lý công trình vi phạm nằm trong phạm vi dự án đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng thời điểm phát hiện và xử lý công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thì buộc cưỡng chế khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. 

“Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tại Điều 9 (Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép) và Điều 11 (Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép), ngoài mức xử phạt bằng tiền tính theo diện tích đất vi phạm thì còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: (i) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; (ii) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Cũng theo Luật sư Phượng, việc cơ quan chức năng cho phép công trình tồn tại 2 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư để doanh nghiệp hoàn thành thủ tục đầu tư dự án, mà không tiến hành xử lý vi phạm theo quy định pháp luật là tạo ra sự bất công trong áp dụng pháp luật, có dấu hiệu bao che cho hành vi phạm pháp luật.

“Theo quy định pháp luật, không có quy định nào đối với công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng xây dựng không có giấy phép, trái mục đích sử dụng đất được cho phép tồn tại bằng dạng công văn trên cả.

Do đó, việc đợi Công ty Anh Phát lập hồ sơ thủ tục xin chấp thuận chủ trương dự án được dự báo sẽ kéo theo và phát sinh những vi phạm khác của các cơ quan nhà nước tại địa phương này trong việc “hợp thức hóa” vi phạm”, vị Luật sư cho hay.

Bạn đang đọc bài viết "Xây 'chui' khu du lịch trên đất nông nghiệp, tỉnh vẫn ủng hộ?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).