Báo cáo tài chính mới nhất của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX/UPCoM) ghi nhận, quý III/2022, Xây lắp Dầu khí Việt Nam có doanh thu đạt 527,25 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 47,84 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 15,09 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 32,75 tỷ đồng.
Trong kỳ, Công ty tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 13,02 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng 850,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 8,25 tỷ đồng lên 9,22 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 9,4%, tương ứng giảm 1,25 tỷ đồng về 12,04 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng thêm 29,53 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 29,53 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 0,39 tỷ đồng) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty ghi nhận lỗ 54,59 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 28,45 tỷ đồng. Như vậy, công ty chỉ giảm lỗ do ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến.
Công ty cho biết, lợi nhuận quý III của Công ty mẹ bị lỗ do trong kỳ phải trích lập một số khoản dự phòng đầu tư tài chính, doanh thu không đủ bù đắp giá vốn và chi phí quản lý, chi phí tài chính nên dẫn đến lỗ. Đối với báo cáo hợp nhất lỗ do Công ty mẹ và các công ty con hầu như đều thua lỗ trong quý III/2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Xây lắp Dầu khí Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 1.219,69 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 34,41 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 54,51 tỷ đồng, tức tăng thêm 88,92 tỷ đồng.
Mặc dù có lãi trong 9 tháng đầu năm nhưng tới 30/9/2022, Công ty vẫn ghi nhận lỗ lũy kế 3.813,4 tỷ đồng, bằng 95,3% vốn điều lệ.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2022, Xây lắp Dầu khí Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính dương 18,5 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 163,5 tỷ đồng, tức giảm 145 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 0,66 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 70,7 tỷ đồng.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Xây lắp Dầu khí Việt Nam tăng 0,6% so với đầu năm lên 6.621,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.674,5 tỷ đồng, chiếm 40,4% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.828,7 tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.041,2 tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 34,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 233,59 tỷ đồng về 442,61 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 175,3 tỷ đồng lên 2.674,5 tỷ đồng; tồn kho tăng 6,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 108,75 tỷ đồng lên 1.828,7 tỷ đồng …
Đáng lưu ý, tính tới cuối quý III, phải thu ngắn hạn là 3.777,5 tỷ đồng nhưng Công ty đã trích lập dự phòng 1.103,9 tỷ đồng, bằng 29,2% các khoản phải thu ngắn hạn.
Trước đó, Báo cáo tài chính bán niên được kiểm toán bởi công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, đơn vị này từ chối đưa ra kết luận do tại thời điểm 30/6/2022, lỗ lũy kế là 3.780,91 tỷ đồng, tương đương hơn 94,52% vốn góp của chủ sở hữu, nợ phải trả ngắn hạn là 5.633,5 tỷ đồng, lớn gấp 6,4 lần vốn chủ sở hữu và nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 458,13 tỷ đồng.
Cùng với đó, các khoản nợ quá hạn thanh toán tại 30/6/2022 chủ yếu bao gồm số dư gốc vay là 581,96 tỷ đồng cho thấy Công ty đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn.