Xảy ra sự cố điện, nước ở chung cư: Ai chịu trách nhiệm?

10/12/2021 09:04

Mới đây, tại một chung cư ở Hà Nội đã xảy ra sự cố đường ống nhà vệ sinh, gây phiền hà rất lớn cho cả chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ. Nhiều người đặt câu hỏi những sự cố về điện, nước, nhà vệ sinh… khi xảy ra trong một tòa nhà thì trách nhiệm sửa chữa thuộc về ai?

Hiện nay, trách nhiệm sửa chữa khi xảy ra sự cố tại các căn hộ chung cư được pháp luật quy định tùy thuộc vào thời điểm xảy ra sự cố cũng như phần diện tích, trang thiết bị hư hỏng.

Cụ thể như đối với những hư hỏng liên quan đến vấn đề thi công xây dựng, kết cấu của tòa nhà như khung, cột, dầm, cầu thang bộ, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt… theo quy định tại Điều 85 Luật Nhà ở thì thời hạn bảo hành tối thiểu là 60 tháng, kể từ ngày hoàn thành việc xây dựng, nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Đối với các thiết bị khác gắn với căn hộ (ví dụ như cửa, kính cường lực, đèn, công tắc, ổ cắm, thiết bị nội thất trong toilet…) thì bên bán nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.

Sau khi hết thời hạn bảo hành, tùy thuộc vào phần diện tích/trang thiết bị hư hỏng thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng mà trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa sẽ khác nhau. Các hư hỏng thuộc phần diện tích sở hữu riêng và trang thiết bị kỹ thuật gắn liền với căn hộ thì người mua nhà (chủ sở hữu) phải có trách nhiệm tự sửa chữa, khắc phục.

Đối với những hư hỏng trang thiết bị xảy ra ở phần diện tích sở hữu chung thì các chủ sở hữu nhà chung cư, người sử dụng nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí để bảo trì (gọi là phí bảo trì) nếu thời hạn bảo hành đã hết.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, chia sẻ: Trong trường hợp chung cư được bàn giao cho phía ban quản trị chung cư rồi thì ban quản trị có trách nhiệm phối hợp với đơn vị bảo hành để sửa chữa. Nếu chung cư chưa thành lập ban quản trị hoặc chưa bàn giao cho ban quản trị thì chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà phải có trách nhiệm khắc phục những sự cố đó. Trường hợp chủ đầu tư không phải là đơn vị trực tiếp thi công thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm làm việc với đơn vị thi công để bảo hành tòa nhà nếu còn trong thời hạn.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, chia sẻ: “Khi mua chung cư, người mua cần nắm rõ thời gian bảo hành, nhất là hệ thống điện nước, thiết bị vệ sinh để khi có hư hỏng thì quy trách nhiệm cho đúng.

Thời hạn bảo hành hệ thống điện, nước thường người mua nhà ít khi quan tâm. Người mua nhà chung cư cần tìm hiểu thêm đơn vị nào thi công hệ thống điện, nước, thiết bị vệ sinh xem căn nhà đang sử dụng loại nào, có đảm bảo chất lượng hay không.

“Thực tế cũng có nhiều trường hợp xảy ra sự cố ở bên trong. Nếu ở chung cư, mỗi năm nên kiểm tra định kỳ những hệ thống này” - ông Quang chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết "Xảy ra sự cố điện, nước ở chung cư: Ai chịu trách nhiệm?" tại chuyên mục Kiến Thức Bất Động Sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).