10 dấu ấn kinh tế - xã hội nổi bật năm 2021

31/12/2021 16:05

Dấu ấn nổi bật nhất trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước năm 2021 là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, từ đó định ra đường hướng phát triển đất nước và nhân sự lãnh đạo cao nhất của bộ máy Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ mới.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khai mạc ngày 26/1 và bế mạc ngày 1/2, đã thành công rất tốt đẹp, với nhiều văn kiện quan trọng được thông qua, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030), tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đưa nước ta thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030; và thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Đại hội cũng đã bầu Ban Chấp hành Trung ương 200 ủy viên (có 20 ủy viên dự khuyết) và Ban Chấp hành Trung ương mới đã bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm bầu lại làm Tổng Bí thư khóa XIII.

Kết quả của Đại hội Đảng XIII đã tạo cơ sở, tiền đề và định hướng quan trọng để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5. Quốc hội khóa XV đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, đồng thời bầu, phê chuẩn nhân sự lãnh đạo cao nhất với kết quả: các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ được bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

Sau quý “quay đầu” giảm sâu ở mức âm 6,17% do phải ứng phó với Covid-19 biến chủng mới Delta, tăng trưởng GDP quý 4/2021 bật tăng trở lại ở mức trên 7%. Do đó, tăng trưởng GDP cả năm 2021 cán mốc 2,58%.

Sau 2 năm bùng phát, dịch Covid-19 đã gây ra tổn thất về kinh tế lớn chưa từng có (dự tính khoảng 37 tỷ USD), khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ở mức bình quân 7% năm (2018-2019) giảm xuống 2,91% (2020) và 2,58% (2021). Mặc dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, song nhiều điểm sáng đã trở lại.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng “phá đỉnh” kỷ lục 600 tỷ USD của năm 2020 và lạm phát được kiểm soát dưới 4% và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định… Tuy còn tiếp tục đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 vẫn được đánh giá khá tích cực. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong năm 2022 mức tăng trưởng của Việt Nam dự kiến là 6,5%, HSBC dự báo 6,8%, còn WB đánh giá mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% là hoàn toàn khả thi.

TĂNG TRƯỞNG GDP QUA CÁC NĂM (%)

Tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong năm 2021 là 31,15 tỷ USD. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể Delta, song vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư, gây đứt gãy chuỗi cung ứng… làm ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, kết quả thu hút trên là khá tích cực. Điều này chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Niềm tin đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được củng cố khi lần đầu tiên diễn ra Đối thoại Chiến lược quốc gia về Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Chính phủ Việt Nam đồng tổ chức ngày 29/10/2021 với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững bao trùm, đổi mới sáng tạo”.

Năm 2021, xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục thiết lập “kỳ tích mới” với kim ngạch đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Đồng thời, cán cân thương mại thặng dư gần 4 tỷ USD, giữ vững “vị thế” xuất siêu 6 năm liên tiếp. Kết quả này đã đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Xét riêng lĩnh vực xuất khẩu, với kim ngạch đạt 336,25 tỷ USD, không những đã “xô đổ” kỷ lục 282,65 tỷ USD của năm 2020, mà còn đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu thứ 22 trên thế giới.

Thành tựu này càng trở nên đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2021 tăng trưởng chậm, thậm chí có thời điểm “đóng băng” do làn sóng Covid – 19 lần thứ tư bùng phát dữ dội làm “tê liệt” chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, kết quả xuất khẩu năm 2021 cũng cho thấy sự quyết liệt, nhất quán của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo nhiều dự báo, năm 2022 triển vọng phục hồi thương mại toàn cầu sẽ tích cực hơn. Đây sẽ là năm chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.

GIÁ TRỊ XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA QUA CÁC NĂM (TỶ USD)

Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam rất khốc liệt với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm - biến chủng với tốc độ lây lan nhanh đã gây hậu quả nặng nề, cả về tính mạng của người dân và kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Gần 30.000 người tử vong, 346.000 tỷ đồng thiệt hại về kinh tế là những hậu quả tàn khốc mà đại dịch Covid-19 gây ra cho đất nước ta.

Theo khảo sát về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, trong tổng số 21.517 doanh nghiệp tham gia khảo sát online, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh vì dịch bệnh chiếm đến 69%; 16% doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và 15% doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể.

Trước tình hình này, Đảng, Nhà nước đã dùng các biện pháp kiên quyết, tổng lực nhằm kiểm soát dịch bệnh. Chiến lược vaccine phòng Covid-19 được thực hiện vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp: thành lập Quỹ vaccine; tiến hành ngoại giao vaccine...

Năm 2021 Việt Nam hứng chịu tác động mạnh mẽ hơn của đại dịch Covid-19 khiến GDP quý 3 tăng trưởng âm 6,17%. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại có bước tăng trưởng vượt bậc, đánh dấu bằng sự kiện vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2021. Đây là đỉnh lịch sử đã thiết lập trong suốt lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam với hai lần chạm tới vào năm 2007 và 2018.

Sau khi VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử, thị trường tiếp tục thăng hoa và đạt đến đỉnh cao mới quanh 1.500 điểm. Động lực của đà tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ dòng tiền đầu tư đột biến chưa từng thấy. Chỉ trong 11 tháng của năm 2021, đã có trên 1,31 triệu tài khoản đầu tư mở mới, trong đó đại đa số (1,3 triệu) là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Tổng số tài khoản đầu tư cá nhân trong nước đã lên tới con số 4,03 triệu, tương đương hơn 4,1% dân số. Thị trường chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư tích sản hấp dẫn. Làn sóng nhà đầu tư mới đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn mới, với quy mô giao dịch thị trường đạt vượt qua ngưỡng tỷ USD.

DIỄN BIẾN CHỈ SỐ VN-INDEX (ĐIỂM)

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 942 phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Đây là bước ngoặt quan trọng của công cuộc chuyển đổi số nói chung và phát triển chính phủ số nói riêng tại Việt Nam. Chiến lược lần đầu tiên đưa ra nội hàm khái niệm chính phủ số.

Chiến lược đặt ra hàng loạt mục tiêu như: 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền; toàn bộ công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; mỗi người dân sẽ có danh tính số kèm theo QR Code, mỗi hộ gia đình có địa chỉ số; 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận…

2021 có thể coi là năm bản lề đầu tiên trên hành trình hình thành chính phủ số vào năm 2025. Trước ảnh hưởng và tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, hàng loạt các hoạt động, điều hành, quản lý của Chính phủ, bộ ngành và các địa phương từng bước được dịch chuyển lên môi trường số. Năm nay, câu chuyện nông dân lên sàn thương mại điện tử, các ứng dụng số để bán hàng không chỉ trong nước mà sang tận trời Tây đã không còn hy hữu. Công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước vào chuyển đổi số”.

CHỈ SỐ XẾP HẠNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ CỦA VIỆT NAM

Dù đã giảm bớt sức “nóng” so với năm 2020, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục bùng nổ trong năm 2021. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính tới tháng 11/2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%. Ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chiếm vị trí quán quân và á quân về khối lượng phát hành.

Tuy nhiên, sức nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2021 chỉ một phần nằm ở khối lượng phát hành, phần lớn lại nằm ở các động thái cảnh báo rủi ro, tăng chất lượng phát hành đến từ các cơ quan quản lý nhà nước. Chưa năm nào như năm nay, Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là Bộ Tài chính, lại liên tục phát đi các thông tin cảnh báo rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu doanh nghiệp tới nhà đầu tư nhiều như thế.

Đặc biệt hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, đẩy mạnh thanh tra, xử lý sai phạm. Trên thực tế, các đoàn kiểm tra tại các tổ chức phát hành và công ty chứng khoán cũng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp các đơn vị chức năng xử lý.

CƠ CẤU PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP (%)

Một hiện tượng nổi bật trên thị trường bất động sản trong năm 2021 là giá đất được đấu thành công ở nhiều địa phương cao đột biến. Đặc biệt, tại phiên đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức vào ngày 10/12/2021, giá đấu thành công 4 lô đất với tổng diện tích hơn 30.000m2 lên tới 37.350 tỷ đồng, cao gấp hơn 7 lần so với giá khởi điểm 5.300 tỷ đồng, giá bình quân đạt 1,24 tỷ đồng/m2. Riêng lô đất 3 - 12, giá đấu thành công lên tới 2,43 tỷ đồng/m2, cao hơn nhiều so với giá đất quận 1, TP.HCM. Mức giá này đã đưa Thủ Thiêm trở thành một trong những khu vực có giá đất đắt nhất thế giới.

Không chỉ tại Thủ Thiêm, đất ở nhiều nơi cũng được đấu giá lên gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Từ đó, nhiều tổ chức, cá nhân, sàn giao dịch bất động sản… đã câu kết với nhau “ôm hàng”, “tạo sóng”, “đẩy giá” để ăn chênh lệch lớn, đẩy mặt bằng chung của giá bất động sản lên quá cao, gây ảnh hưởng tiêu cực tới an sinh xã hội.

Trước bối cảnh này, cuối tháng 12/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Vụ “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 liên quan Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và một số trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh thành cùng với trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế trong việc phê duyệt bộ kit này đang gây chấ́n động dư luận.

Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 đã cung ứng kit cho nhiều tỉnh, thành với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, ông Phan Quốc Việt, đã cho nâng giá bán bộ kit lên 470.000 đồng, đồng thời chi phần trăm “khủng” cho lãnh đạo các bệnh viện, CDC.

Trong vụ này dư luận cũng đặt câu hỏi về vai trò của Bộ Khoa học Công nghệ khi Bộ này ngay từ tháng 4/2020 đã khẳng định bộ kit đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận, nhưng sự thực là WHO đã có thông báo từ tháng 10/2020 là “không chấp thuận” bộ kit này. Chỉ tới khi vụ án được khởi tố tháng 12/2021, Bộ Khoa học Công nghệ mới nhận có sai sót và đính chính lại thông tin.

Ngày 22/12/2021, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 9373/VPCP-NC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh kit tại Việt Á. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án.

Bạn đang đọc bài viết "10 dấu ấn kinh tế - xã hội nổi bật năm 2021" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).