2 dự án nghìn tỷ của Công ty mía đường Lam Sơn gặp nhiều vướng mắc

17/03/2022 20:13

2 dự án có tổng mức đầu tư lớn do Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư đều chậm tiến độ vì có nhiều vướng mắc.

Năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn do Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng quy mô sử dụng đất hơn 103 ha, nằm trên địa phận 3 xã Thọ Xương, Xuân Bái và Xuân Phú (huyện Thọ Xuân). Dự án chậm tiến độ trong 6 năm qua, do vướng mắc hộ dân Nguyễn Văn Thêm, nằm giữa khu sản xuất (diện tích 684 m, thuộc xã Thọ Xương) nằm trên đất Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng quản lý.

Dự án gặp nhiều khó khăn không triển khai được do người dân ngăn cản không cho phá bỏ tuyến đường cắt qua dự án để thi công.

Dự án công viên sinh thái tre luồng Tam Thanh do Công ty CP mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư gặp nhiều vướng mắc

Dự án thứ 2 do Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư là Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam có vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương năm 2016, quy hoạch xây dựng tại 4 xã, gồm: Xuân Bái, Thọ Xương, Xuân Phú, huyện Thọ Xuân và xã Thọ Thanh huyện Thường Xuân. Dự kiến trong giai đoạn 1 được đầu tư 200 - 300 tỷ đồng. Tiếp đó, từ 2020 - 2025 đầu tư khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng. Tuy vậy, quá trình triển khai dự án vẫn đang chậm tiến độ do nhiều vướng mắc.

Đến nay, công ty đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 153,6 ha (đạt 93%), với 618 hộ đã di dời. Tổng số tiền chi trả trên 111 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn 9,82 ha của 33 hộ thuộc địa phận xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân trong đó có 5,62 ha của 24 hộ chưa xác định xong nguồn gốc đất nên chưa có quyết định thu hồi và 4,19 ha đã có quyết định thu hồi, đã thống nhất phương án triển khai nhưng chưa thực hiện. UBND tỉnh Thanh Hóa đã gia hạn thời gian thực hiện dự án tới lần thứ 10 song đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các đơn vị liên quan đã làm việc với Công ty CP Mía đường Lam Sơn để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cho doanh nghiệp.

Ông Lê Đức Giang ghi nhận những nỗ lực của Công ty CP Mía đường Lam Sơn trong việc mạnh dạn đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tiêu thụ một sản lượng lớn nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp ngân sách cho địa phương.

Để các dự án được hoàn thành đúng yêu cầu và tiến độ như phê duyệt và ổn định an ninh - trật tự sớm triển khai sản xuất, Phó chủ tịch tỉnh yêu cầu các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương quan tâm hướng dẫn Công ty tháo gỡ các khó khăn, tồn đọng tại các dự án trọng tâm.

Đối với Dự án Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam, ông Lê Đức Giang giao huyện Thọ Xuân phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người dân theo phương châm tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho người dân, cố gắng thực hiện hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng xong trước ngày 30/6/2022.

Đối với Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh thống nhất chủ trương công ty tiếp tục lập quy hoạch đầu tư khu nông nghiệp Công nghệ cao thứ hai với quy mô 150ha - 200ha trong khu vực quy hoạch chung Đô thị Lam Sơn - Sao Vàng.

Yêu cầu huyện Thọ Xuân đối thoại với dân để thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để công ty triển khai thực hiện Dự án; đồng thời thực hiện quyết toán hồ sơ để công ty hoàn tất nghĩa vụ tài chính và thực hiện hồ sơ xin thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết "2 dự án nghìn tỷ của Công ty mía đường Lam Sơn gặp nhiều vướng mắc" tại chuyên mục Dự Án. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).