5 tuần giảm liên tiếp với thanh khoản sụt giảm
Chốt tuần giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, VN-Index tiếp tục giảm 37,54 điểm (-2,7%) xuống 1.329,26 điểm, HNX-Index giảm 22,37 điểm (-6,1%) xuống 343,46 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 47,8% so với tuần trước đó với 46.816 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 47,5% xuống 1.623 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 52,9% so với tuần trước đó với 4.855 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 53,7% xuống 210 triệu cổ phiếu.
Thị trường giảm điểm trong 2/3 phiên giao dịch và kết tuần ở gần mức thấp nhất. Đây là tuần giảm điểm thứ năm liên tiếp với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó do chỉ giao dịch trong 3 ngày nhưng nếu tính trung bình từng phiên thì vẫn ghi nhận mức sụt giảm về thanh khoản.
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu có mức giảm mạnh nhất trong tuần qua với 5,1% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu thuộc ngành con thép như HPG (-3,5%), HSG (-8,1%), NKG (-7,6%)...; ngành con hóa chất như DGC (-4,1%), DPM (-5,5%), DCM (-7,4%)...
Tiếp theo là ngành dầu khí và công nghệ thông tin với cùng mức giảm 4,3% với các cổ phiếu tiêu biểu như OIL (-2,2%), PVD (-5,9%), PVS (-1,6%), PVB (-4,9%), PVC (-4,5%), PLX (-4,6%)...; FPT (-4,6%), CMG (-2,5%)...
Ngành trụ cột thị trường là ngân hàng cũng giảm 3,7% tạo ra áp lực điều chỉnh lên thị trường chung, có thể kể đến VCB (-1,9%), CTG (-2,7%), ACB (-5,2%), TCB (-5,7%), MBB (-6%), VPB (-6,9%), SHB (-4,9%)...
Cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,1% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu thuộc ngành con bán lẻ như MWG (-1,7%), FRT (-9,3%), DGW (-10,4%)... và ngành con hàng không như VJC (-1,5%), HVN (-3,4%)...
Các ngành còn lại đều có mức giảm tương đối mạnh là tài chính (-2,8%), hàng tiêu dùng (-1,6%), dược phẩm và y tế (-2,1%), dịch vụ tiêu dùng (-3,1%), công nghiệp (-3,2%).
Ở chiều ngược lại, chỉ có tiện ích cộng đồng là tăng điểm trong tuần qua với 2,4% giá trị vốn hóa nhờ sự tích cực của GAS (+3,6%), POW (+3,7%)...
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 1 đến 13 điểm cho thấy các trader vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể điều chỉnh trong thời gian tới.
2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 5
Trong báo cáo mới phát hành của Công ty Chứng khoán BSC (BSC), nhóm chuyên gia đã chỉ ra 3 sự kiện sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường chứng khoán trong tháng 5:
Thứ nhất, nền kinh tế phục hồi, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Bên cạnh đó, tháng 5 cũng là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31.
Thứ hai, Thủ tướng thành lập 06 Tổ công tác theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 02/05/2022 nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Thứ ba, tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước tiếp tục có tín hiệu tích cực, hoạt động vận tải, du lịch khởi sắc sau giai đoạn nghỉ lễ.
Tuy nhiên, khối ngoại tiếp tục hoạt động mua ròng với mức độ giảm dần trước động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể khiến thị trường giữ tâm lý thận trọng. Đồng thời, việc thắt chặt chính sách tiền tệ, thu hẹp bảng cân đối với tần suất và mức độ rủi ro nhiều hơn nhằm kiểm soát lạm phát là yếu tố khiến thị trường chứng khoán bớt hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, những biện pháp trừng phạt và trả đũa mới với mức độ quyết liệt hơn giữa Nga và Phương Tây xung quanh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga - Ukraine sẽ gây ra tâm lý bất ổn, kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế thế giới. Cùng với đó, chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và sự xuất hiện các biến chủng mới trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp.
Do đó, BSC đã đưa ra 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán trong tháng 5:
Kịch bản 1: VN-Index quay trở lại xu hướng hồi phục sau chuỗi thời gian giảm điểm khi quay trở lại kiểm tra vùng 1.380 - 1.400 điểm, đồng thời hướng đến vùng 1.450 - 1.480 điểm khi tâm lý thị trường tích cực trở lại, sau động thái quyết tâm làm lành mạnh thị trường tài chính nói riêng và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, khôi phục nền kinh tế nói chung của Chính phủ.
Bên cạnh đó, diễn biến địa chính trị và giá cả hàng hóa vận động theo xu hướng tích cực, thị trường sẽ tiếp tục phân hóa khi các cổ phiếu chủ chốt được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt.
Kịch bản 2: Tâm lý tiêu cực quay trở lại, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục biến động mạnh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc tiếp tục khó lường. Diễn biến Nga - Ukraine chưa chấm dứt bên cạnh những biện pháp trừng phạt và đáp trả mới giữa Nga và các nước phương Tây khiến thị trường tiếp tục trong tâm lý thận trọng.
Mặt khác, FED sẽ bắt đầu đợt nâng lãi suất tiếp theo với mức độ lớn hơn điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu. VN-Index được dự báo dao động trong khoảng 1.350 ± 50 điểm.
Về chiến lược đầu tư tháng 5, các chuyên gia đến từ BSC khuyến nghị nên đầu tư vào một số nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, mức định giá đã ở mức hấp dẫn trong xu hướng giảm điểm vừa qua như nhóm ngành ngân hàng, nguyên liệu, năng lượng…
Ngoài ra, trong tình hình gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, nhà đầu tư có thể cân nhắc phân bổ danh mục các cổ phiếu thuộc nhóm ngành: Bán lẻ, công nghệ thông tin, hóa chất, thủy sản, dệt may, cảng biển… Đặc biệt, nhà đầu tư cần theo dõi sát động thái nâng lãi suất từ FED cũng như quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán để có quyết định đầu tư phù hợp.