2023: Liệu có một cuộc khủng hoảng lớn?

30/12/2022 08:48

Chiến tranh ở Ukraine, biểu tình ở Iran, tình trạng thiếu năng lượng ở châu Âu, chủ nghĩa bảo hộ ở Hoa Kỳ, nợ tăng vọt ở các nước đang phát triển cùng với lạm phát phi mã và tăng trưởng chậm lại ở hầu hết mọi nơi. 12 tháng qua nền kinh tế toàn cầu chứng kiến thách thức chồng chất thách thức.Project Syndicate đã mời 3 chuyên gia gồm Anat Admati, Jim O'Neill và Eswar Prasad để dự đoán cho câu hỏi: liệu một cuộc khủng hoảng lớn có sắp xảy ra hay không?

Anat Admati, Giáo sư Tài chính và Kinh tế tại Trường Stanford

Nhiều kịch bản có thể dẫn đến hiện tượng được gọi là “khủng hoảng kinh tế” trong năm 2023. Nếu chiến tranh ở Ukraine leo thang hơn nữa hoặc căng thẳng với Trung Quốc gia tăng, chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá. Các cuộc tấn công mạng có thể phá vỡ cơ sở hạ tầng quan trọng bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu, với những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn. Và vì hệ thống tài chính vẫn mong manh, nguy hiểm và méo mó như trước đây (thậm chí còn hơn thế), nên khả năng một cuộc khủng hoảng xảy ra không thể loại trừ. Các cơ quan quản lý đã nhiều lần bỏ lỡ cơ hội cải cách hệ thống kể từ cuộc khủng hoảng 2007 - 2009, và điều đó có nghĩa là “những cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ đến”.

Những rủi ro tích tụ trên toàn hệ thống tài chính - thường bị các nhà quản lý và nhà đầu tư bỏ qua - là điều đáng lo ngại. Theo một nghiên cứu năm 2018, mức nợ “ngoại bảng” (khoản nợ của những cam kết tài chính nằm ngoài bảng cân đối kế toán) đã tăng lên đáng kể từ năm 2007. Một báo cáo gần đây cho thấy có 65.000 tỷ USD nợ ẩn bằng USD trên thị trường ngoại hối - một khoản lớn hơn nhiều so với trước năm 2008. Theo Ngân hàng Thế giới, kể từ năm 2000, các nước nghèo nhất thế giới đã dành phần lớn doanh thu xuất khẩu của họ để thanh toán các khoản nợ cho các nước giàu và các rủi ro liên quan đến nợ cũng đang gia tăng ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình. Các ngân hàng trung ương thường xuyên can thiệp để làm dịu thị trường hỗn loạn, chẳng hạn như việc Ngân hàng Trung ương Anh gần đây đã hỗ trợ thị trường trái phiếu chính phủ và bảo vệ các quỹ hưu trí. Nhưng một cuộc khủng hoảng liên quan đến nhiều khu vực pháp lý và các tổ chức quan trọng với các cam kết không bền vững có thể trở nên khó ngăn chặn.

Bất kỳ cuộc khủng hoảng “mới” nào cuối cùng sẽ bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Hệ thống kinh tế của chúng ta có vẻ gian lận và bất công, và nhiều người tức giận là có lý. Gần đây, khi được yêu cầu viết một bài luận ngắn về “điều gì đã xảy ra với chủ nghĩa tư bản và cách khắc phục nó”, tôi lập luận rằng “chủ nghĩa tư bản tài chính hóa” đã làm suy yếu, lấn át và làm hỏng các chính phủ dân chủ, và rằng những câu chuyện sai lầm đã tạo ra sự nhầm lẫn và cản trở các cải cách. Martin Wolf, tác giả cuốn sách sắp xuất bản có tựa đề Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản dân chủ, bày tỏ mối quan ngại tương tự. Trừ khi và cho đến khi chúng ta chẩn đoán đúng vấn đề và khắc phục các quy tắc của trò chơi, thế giới của chúng ta vẫn phải đối mặt với những hiểm nguy.

Nguồn: The Economic Times

Nguồn: The Economic Times

Jim O'Neill,cựu Chủ tịch của Goldman Sachs Asset Management và cựu Bộ trưởng Ngân khố Vương quốc Anh

Thành thật mà nói, tôi không chắc chắn về bất cứ điều gì. Vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết hết, chưa kể đến những diễn biến mới có thể xảy ra mà không ai có thể đoán trước được. Đồng thời, sau ba năm xảy ra đại dịch, chiến tranh ở Ukraine và lạm phát tăng đột biến, tất cả chúng ta đều sợ hãi đến mức không sẵn sàng cho những bất ngờ tích cực.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các bên đạt được một giải pháp về cuộc chiến Ukraine? Điều gì sẽ xảy ra nếu việc Trung Quốc từ bỏ chính sách zero Covid một cách suôn sẻ, tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ? Điều gì sẽ xảy ra nếu trên đà phát triển này, thương mại thế giới đột nhiên tăng mạnh? Nếu các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có hành động hiệu quả hơn để kiềm chế lạm phát - một kịch bản có thể xảy ra, phù hợp với dự báo mới nhất của các ngân hàng trung ương - thì không khó để tưởng tượng một đợt phục hồi lớn trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Tôi nghĩ khả năng viễn cảnh tươi sáng này xảy ra không phải là không đáng kể.

Tất nhiên, những kịch bản ít lạc quan hơn cũng có thể xảy ra. Quyết định mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể dẫn đến những kết quả tiêu cực hơn về sức khỏe, gây nguy hiểm cho quá trình phục hồi kinh tế. Với một số vấn đề cơ bản dai dẳng của nền kinh tế Trung Quốc bắt nguồn từ đòn bẩy nợ cao trong các lĩnh vực liên quan đến bất động sản, chứng khoán Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng bấp bênh.

Tương tự như vậy, lạm phát có thể không giảm bớt theo kỳ vọng của các ngân hàng trung ương. Trong trường hợp này, lãi suất ngắn hạn gần như chắc chắn sẽ tăng cao hơn nhiều so với dự kiến hiện tại. Điều này sẽ tạo ra bối cảnh lặp lại vào năm 2022 và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, tôi thấy mình nghiêng về viễn cảnh lạc quan hơn. Bởi nhìn lại thời điểm này năm ngoái - ngay cả trước khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, chúng ta từng cho rằng năm 2022 sẽ đầy thách thức. Nhưng thực tế đã sáng sủa hơn rất nhiều.

Eswar Prasad, Giáo sư Kinh tế học tại Trường Dyson thuộc Đại học Cornell

Năm tới được xác định là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu. Động lực tăng trưởng suy yếu trên diện rộng, hậu quả từ một loạt vết thương chính sách do chúng ta tự gây ra và những hạn chế của các nhà hoạch định chính sách trong khả năng hành động sẽ làm gia tăng rủi ro về tổn thất kinh tế và bất ổn tài chính hơn nữa trong năm 2023.

Tuy nhiên, tôi có một lưu ý tích cực là, nền kinh tế thế giới dường như đã thích nghi với một loạt cú sốc bất lợi trong năm qua, bao gồm cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, giá năng lượng biến động và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách hạn chế hà khắc của Trung Quốc. Lạm phát tại các nền kinh tế lớn dường như đã ổn định và thậm chí đang có dấu hiệu giảm xuống.

Chắc chắn rằng, khi sự hỗn loạn phát sinh từ việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy mình đang phải hành động trên lưỡi dao, với ít sai sót nhất có thể. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ít có khả năng một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính bùng nổ trên toàn thế giới, trừ phi các nhà hoạch định chính sách các nền kinh tế lớn hành động thất thường hoặc để xảy ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn.

Tuy nhiên, thực tế, một số nơi trên thế giới được cho là đã gặp khủng hoảng. Các quốc gia có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề do giá lương thực và hàng hóa tăng cao, tác động tàn phá của biến đổi khí hậu và khả năng tiếp cận tài chính nước ngoài hạn chế. Ngay cả ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình và cao, nhiều yếu tố đang làm trầm trọng thêm mức sống của người nghèo.

Cho dù một cuộc khủng hoảng lớn có xảy ra vào năm 2023 hay không, tình trạng bất bình đẳng kinh tế - cả trong và giữa các quốc gia - có khả năng ngày càng sâu sắc hơn, trừ khi các nhà hoạch định chính sách thực hiện các bước kiên quyết và mang tính chuyên nghiệp để xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết "2023: Liệu có một cuộc khủng hoảng lớn?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).