4 "ông lớn" ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank kinh doanh lãi lỗ thế nào?

15/10/2022 08:41

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về hoạt động kinh doanh, đầu tư của khối ngân hàng thương mại nhà nước bao gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Vốn chủ sở hữu tăng gần 10%

Theo đó, đến cuối năm 2021, tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu (tổng nguồn vốn) của khối ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước đạt 6.378.380 tỷ đồng, tăng 645.934 tỷ đồng (11,27%) so với cuối năm 2020, cơ cấu nguồn vốn huy động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ở nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư, phát hành giấy tờ có giá (huy động TT1).

Tổng doanh thu 4 NHTM đạt 452.238 tỷ đồng, tăng 9.513 tỷ đồng (2,15%) so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế: đạt 71.367 tỷ đồng, tăng 10.372 tỷ đồng (17%) so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế: đạt 57.265 tỷ đồng, tăng 8.336 tỷ đồng (17,4%) so với cùng kỳ năm 2020.

Hiệu quả sử dụng vốn tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) hợp nhất thời điểm cuối năm 2021: đạt 16,05%, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) hợp nhất thời điểm cuối năm 2020: đạt 0,9%, tăng 0,05% so với cùng kỳ năm 2020.

ngan-hang-tmai-1538-1665793119.jpgNăm 2021, 4 ngân hàng thương mại nhà nước hoạt động có hiệu quả, sinh lời.
 

 

Theo báo cáo các ngân hàng thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật thuế hiện hành. Đến cuối năm 2021, các NHTM nhà nước đã nộp vào ngân sách nhà nước là 22.516,4 tỷ đồng, trong đó: Vietinbank: 5.247,8 tỷ đồng; BIDV: 5.169 tỷ đồng; VCB: 7.517 tỷ đồng và Agribank: 4.582,6 tỷ đồng.

 

Vốn đầu tư nhà nước tiếp tục được bảo toàn và sinh lời. Vốn chủ sở hữu đạt 356.833 tỷ đồng, tăng 31.446 tỷ đồng (9,66%) so với cuối năm 2020, trong đó vốn điều lệ đạt 170.060 tỷ đồng, tăng 24.807 tỷ đồng (17,08%) so cuối năm 2020.

Tổng nợ xấu năm 2021 là 58.451 tỷ đồng, tăng 970 tỷ đồng so với năm 2020 tương ứng với tỷ lệ tăng 1,69%. Tỷ lệ nợ xấu năm 2021 là 1,23% (giảm 9% so với năm 2020).

Theo đánh giá của Chính phủ, chất lượng tín dụng, khối ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục chú trọng thực hiện quyết liệt các biện pháp để nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng một cách thực chất. Hoạt động thu hồi nợ xấu và các khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được kết quả tốt.

Cụ thể, nợ cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ: Đến cuối năm 2021, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 09 và Quyết định 780 của khối NHTM Nhà nước là: 4.034,9 tỷ đồng, giảm 645,8 tỷ đồng so với năm 2020 (tương đương 13,8%), trong đó các ngân hàng giảm dần số dư các khoản nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ (Vietinbank giảm 227,24 tỷ đồng; VCB giảm 247,3 tỷ đồng; Agribank giảm 2.084 tỷ đồng).

Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) đến cuối năm 2021 là 255.600,08 tỷ đồng.

Về tình hình quản lý tài sản, nợ phải thu, phải trả: các khoản nợ phải thu (ngoài các khoản phải thu từ hoạt động tín dụng) là 62.560,1 tỷ đồng, tăng 14.697,3 tỷ đồng so với năm 2020.

Trong đó Vietinbank có các khoản nợ phải thu lớn nhất là 32.812 tỷ đồng, tăng 11.585 tỷ đồng so với năm   2020 (tăng chủ yếu các khoản phải thu bên ngoài).

BIDV có các khoản nợ phải thu là 7.839 tỷ đồng, giảm 1.945 tỷ đồng so với năm 2020.

VCB có các khoản nợ phải thu (ngoài các khoản phải thu từ hoạt động tín dụng) là 14.140,8 tỷ đồng, tăng 7.969,6 tỷ đồng so với năm 2020 (tăng chủ yếu các khoản phải thu khác  bên ngoài).

Agribank có các khoản nợ phải là 7.768,3 tỷ đồng, giảm 2.912,3 tỷ đồng so cuối năm 2020.

Đầu tư vốn lãi hàng nghìn tỷ đồng

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ tình hình đầu tư vốn, thoái vốn ngoài ngành của 4 "ông lớn" ngân hàng thương mại nhà nước đều đạt kết quả tốt.

Đối với Vietinbank, đến cuối năm 2021, tổng số dư đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết, đơn vị nhận vốn khác của VietinBank đạt 5.928 tỷ đồng (không biến động so cuối năm 2020). Về cơ bản, theo báo cáo của Vietinbank, hoạt động của các công ty con ở trong nước và tại nước ngoài của Vietinbank năm 2021 đều có lãi và dự kiến lợi nhuận chuyển về Vietinbank là 750.387 triệu đồng.

Năm 2021, VietinBank tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng thoái vốn tại Công ty Vietinbank Leasing; giảm tỷ lệ sở hữu tại VietinBank Security từ 75.62% xuống 51%; đối với Công ty Quản lý Quỹ Vietinbank đã nộp hồ sơ về chấp thuận giảm vốn điều lệ thông qua phương án hoàn trả vốn về Vietinbank.

Đối với BIDV, đến cuối năm 2021, tổng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh và đầu tư tài chính của BIDV là 8.133 tỷ đồng, chiếm 15,1% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, giảm 79 tỷ so với thời điểm cuối năm 2020.

Về lợi nhuận sau thuế của các công ty con năm 2021 đạt 870,6 tỷ đồng, tăng 328 tỷ đồng (60,4%) so với năm 2020. Đầu tư vào 4 công ty liên kết, lợi nhuận sau thuế đạt 567 tỷ đồng, tăng 117 tỷ đồng (+26%) so cuối năm 2020.

Đối với Vietcombank, đến cuối năm 2021, tổng giá trị vốn đầu tư của VCB là 5.778,7 tỷ đồng, chiếm 13,4% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, giảm 80 tỷ đồng (1,4%) so với thời điểm cuối năm 2020.

VCB đầu tư vào 10 công ty con, công ty liên kết, với tổng vốn đầu tư đạt 4.117 tỷ đồng, chiếm 71,2% danh mục đầu tư của VCB, kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty cơ bản đều ổn định và có lãi.

Đầu tư dài hạn khác: danh mục đầu tư dài hạn khác gồm 11 khoản đầu tư, với tổng vốn đầu tư đạt 1.661,46 tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng danh mục đầu tư của VCB. Danh mục đầu tư dài hạn khác của VCB tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: tổ chức tín dụng (chiếm 67,5%) và hàng không chiếm (22,8%).

Tổng thu nhập từ danh mục đầu tư 2021 là 1.033,78 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ cổ tức/lãi được chia tiền mặt là 139,5 tỷ đồng.

VCB thực hiện 3 khoản đầu tư ra nước ngoài gồm Công ty Chuyển tiền Vietcombank (trong đó VCB sở hữu 87,5%), Công ty tài chính Việt Nam- Hồng Kông và Ngân hàng TNHH MTV Ngoại Thương Việt Nam tại Lào (VCB sở hữu 100% vốn). Tình hình đầu tư vốn ra nước ngoài, thu hồi vốn đầu tư và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư đều có lãi.

Trong năm 2021, VCB đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ tại Công ty Tài chính Việt Nam Tại Hồng Kông từ 36,02 triệu HKD lên 105 triệu HKD (tương đương 306,9 tỷ đồng); thu từ thoái vốn Vietnam Airline đạt 3,93 tỷ đồng.

Đối với Agribank, tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của Agribank vào các doanh nghiệp khác đến 31/12/2021 chiếm 5,97% (tổng số 2.232 tỷ đồng) so với vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng.

Trong năm 2021, các công ty con của Agribank đều kinh doanh có lãi, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được giao. Agribank thu lợi nhuận, cổ tức của năm 2020 từ hoạt động đầu tư vào công ty con và doanh nghiệp khác: 18,7 tỷ đồng và 2.730.000 cổ tức bằng cổ phiếu của ABIC. Ngoài ra, ngày 28/3/2022, Agribank nhận được cổ tức năm 2020 của CMC là 258.219 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ chi trả cổ tức là 9%; ngày 23/4/2022, Agribank nhận được cổ tức năm 2020 của Napas là 43,5 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Agribank đã thực hiện thoái vốn thành công tại Ngân hàng TMCP Đại chúng (Pvcombank) thu về 2,9 tỷ đồng/2,5 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu; thoái một phần vốn đầu tư tại CMC (đến 31/12/2021, Agribank đã bán 908.700/3.777.811 cổ phiếu, thu về 56,1 tỷ đồng/156 tỷ đồng vốn đầu tư). Đồng thời, Agribank xây dựng phương án trình NHNN để thực hiện thoái vốn tại Agriseco và ALCI.

 
Bạn đang đọc bài viết "4 "ông lớn" ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank kinh doanh lãi lỗ thế nào?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).