8,7 triệu cổ phần bị Tập đoàn Khải Vy thế chấp tại BIDV, Hòn Tằm biển Nha Trang làm ăn thế nào?
Như VietnamFinance đã thông tin tại “Bức tranh tài chính Tập đoàn Khải Vy: Báo động khả năng thanh toán ngắn hạn”, Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy có khoản nợ lên tới 1.035 tỷ đồng tại BIDV Phú Tài (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Tập đoàn Khải Vy đã dùng 9 tài sản để bảo đảm cho khoản vay nói trên, trong đó có 2 tài sản liên quan đến Công ty Cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang là: các khoản phải thu trị giá 51 tỷ đồng và 8,7 triệu cổ phần của công ty.
Hòn Tằm biển Nha Trang (viết tắt là HTSEA) được thành lập vào ngày 25/12/2006, có trụ sở chính tại phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây là một trong những thành viên của Khải Vy Group.
Tại thời điểm năm 2014, chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của HTSEA là ông Đoàn Văn Trang. Ông Trang sinh năm 1963, thường trú phường Tân Phong, quận 7, TP. HCM khi đó cũng đồng thời là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy.
Vốn điều lệ của HTSEA lúc này là 186 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số trước đó là 106 tỷ đồng.
Đến tháng 6/2017, HTSEA tăng vốn lên 195,2 tỷ đồng. Tháng 12 cùng năm, người đại diện theo pháp luật của HTSEA đổi từ ông Đoàn Văn Trang sang ông Phạm Minh Nhựt. Ông Nhựt sinh năm 1961, thường trú tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức), TP. HCM.
Tháng 7/2018, vốn điều lệ của HTSEA tiếp tục tăng lên 211 tỷ đồng, mở ra thời kỳ tăng vốn liên tiếp với mật độ dày. Cụ thể, tháng 7/2019, vốn điều lệ tăng lên 643 tỷ đồng, 4 tháng sau tăng tiếp lên 849,4 tỷ đồng, 8 tháng sau đó tăng tiếp lên 862 tỷ đồng và 3 tháng sau nữa tăng lên 903,1 tỷ đồng.
Quá trình tăng vốn mạnh mẽ đã đưa vốn chủ sở hữu của HTSEA từ 207 tỷ đồng (2016) tăng vọt lên 899 tỷ đồng (2019), kéo tổng tài sản trong cùng giai đoạn tăng từ 777 tỷ đồng lên 1.674 tỷ đồng, đồng thời giải quyết được vấn đề hệ số nợ cao.
Cụ thể, nếu trong 3 năm 2016 – 2018, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của HTSEA luôn duy trì ở ngưỡng cao (lần lượt là 2,7 lần, 2,5 lần và 2,9 lần) thì tới năm 2019, lần đầu tiên vốn chủ sở hữu đã lớn hơn nợ phải trả.
Về tình hình kinh doanh, dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2017, doanh thu của HTSEA tăng mạnh từ 219 tỷ đồng lên 403 tỷ đồng. Từ 2017 trở đi, doanh thu không có nhiều đột phá, lần lượt là: 450 tỷ đồng và 431 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của HTSEA ít nhiều có tính ổn định, lần lượt các năm 2016 – 2019 là: 44 tỷ đồng, 40 tỷ đồng, 51 tỷ đồng và 42 tỷ đồng.
Những thành viên khác của Khải Vy Group
Một trong những thành viên đáng chú ý nhất của Khải Vy Group là Công ty Cổ phần Bất động sản Khải Thịnh – đơn vị triển khai dự án khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy tại phường Phú Thuận, quận 7 (được UBND TP. HCM chấp thuận đầu tư năm 2017).
Khải Thịnh được lập ra tháng 1/2018, đóng trụ sở tại phường Phú Thuận, quận 7, TP. HCM. Ngành nghề kinh doanh doanh chính là kinh doanh bất động sản.
Khi mới thành lập, Khải Thịnh có vốn điều lệ 540 tỷ đồng, chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Đoàn Văn Trang – người đã được nhắc tới ở trên.
Tuy nhiên tới tháng 3/2018, người đại diện theo pháp luật của Khải Thịnh đã được đổi sang ông Trần Tựu – đảm nhiệm cương vị tổng giám đốc. Ông Tựu sinh năm 1978, thường trú phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tới tháng 3/2020, người đại diện theo pháp luật của Khải Thịnh một lần nữa lại được đổi sang ông Trương Văn Việt – người đã kế vị chức vụ tổng giám đốc từ ông Trần Tựu. Ông Việt sinh năm 1972, thường trú tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP. HCM.
Giai đoạn 2018 – 2019, Khải Thịnh có sự tăng trưởng về tài sản, từ 2.549 tỷ đồng lên 3.296 tỷ đồng. Tài trợ cho sự tăng trưởng này là nợ phải trả, khi tăng từ 2.001 tỷ đồng lên 2.747 tỷ đồng.
Với nợ phải trả rất lớn, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Khải Thịnh rất cao, năm 2018 là 3,6 lần, năm 2019 lên tới 5 lần.
Trong giai đoạn này, Khải Thịnh không ghi nhận doanh thu, song vẫn có lãi sau thuế, lần lượt là 8,4 tỷ đồng và 654 triệu đồng.
Một đơn vị thành viên khác của Khải Vy Group cũng gây chú ý là Công ty Cổ phần MerPerle Đà Lạt – doanh nghiệp triển khai dự án Merperle Dalat Hotel tại phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Công ty này mới đây đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hơn 1.400m2 đất nông nghiệp sang đất thương mại, dịch vụ để thực hiện dự án Merperle Dalat Hotel.
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy công ty này mới được thành lập hồi tháng 3/2019, trụ sở ban đầu đóng tại đường Trần Quý Cáp, phường 10, TP. Đà Lạt, ngành nghề chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày.
Tại năm thành lập, MerPerle Đà Lạt có vốn điều lệ 190 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy 96,189%, Đoàn Nguyễn Khải 2,632%, Mai Thị Mai 1,179%.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Quốc Bảo. Ông Bảo sinh năm 1960, có hộ khẩu thường trú tại phường 7, quận Phú Nhuận, TP. HCM. Và như đã nói ở bài trước, ông Bảo chính là người kế vị ông Đoàn Văn Trang tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Vy, bắt đầu từ tháng 10/2019.
Tháng 4/2020, MerPerle Đà Lạt chuyển trụ sở sang số 01 Hùng Vương, phường 10, TP. Đà Lạt và giữ địa chỉ này cho tới hiện nay.
Ghi nhận cho thấy vào năm 2019, công ty có tổng tài sản 203 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 190 tỷ đồng, chưa phát sinh doanh thu và lợi nhuận.