Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) không bị thanh tra dù đầu tư rất nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp. |
Á quân trái phiếu nhưng không bị thanh tra
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong các công điện về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống.
Theo đó, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank).
Có thể thấy, 8 đơn vị này đều có mặt trong Top 10 các ngân hàng đầu tư vào trái phiếu nhiều nhất (không tính các ngân hàng có vốn nhà nước là BIDV, Vietcombank và VietinBank).
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) không bị thanh tra dù đầu tư rất nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp. Nguồn vốn mà MB rót vào mảng này lớn hơn rất nhiều 7 trong 8 ngân hàng kể trên, chỉ sau Techcombank.
Cụ thể, trong năm 2021, Techcombank là quán quân đầu tư vào trái phiếu với số tiền lên đến 62.809 tỷ đồng, tương ứng 11,04% tổng tài sản.
Vị trí Á quân thuộc về MB với 42.962 tỷ đồng (tương đương 7,08% tổng tài sản). Các vị trí còn lại trong Top 5 bao gồm VPBank, TPBank và HDBank. Dòng vốn mà MB rót vào trái phiếu doanh nghiệp cao vượt trội so với các đơn vị xếp ngay sau, cụ thể, cao hơn “huy chương đồng” VPBank 15.180 tỷ đồng.
Hay nói cách khác, dòng vốn mà VPBank rót vào trái phiếu doanh nghiệp chỉ bằng 64,7% của MB.
Chưa dừng lại ở đó, tới đầu năm 2022, MB tiếp tục rót vốn vào trái phiếu khi chỉ tiêu này vọt lên 50.620 tỷ đồng, tăng 7.658 tỷ đồng, tương đương 17,8% so với cuối năm 2021.
Riêng chi nhánh Bắc Sài Gòn rót 9.791 tỷ vào doanh nghiệp bất động sản
Danh sách các doanh nghiệp nhận vốn từ MB qua kênh trái phiếu không được công khai. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, bất động sản là một trong những điểm đến của dòng vốn này. Chỉ riêng một doanh nghiệp bất động sản lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh là Novaland đã nhận 9.791 tỷ đồng từ MB qua kênh trái phiếu. Đáng chú ý, tất cả đến từ MB – Chi nhánh Bắc Sài Gòn. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2021, doanh nghiệp này ghi nhận 7.595,4 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn, tăng 4.354 tỷ đồng, tương đương 134% so với năm 2020. Đồng thời, chỉ tiêu trái phiếu dài hạn đạt 29.295 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số 22.579 tỷ đồng hồi cuối năm trước.
Không phải trái chủ lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản nhưng MB rót gần 10.000 tỷ vào công ty này qua kênh trái phiếu. Cụ thể, MB mua trái phiếu ngắn hạn tổng trị giá 1.945,4 tỷ và 7.845,6 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Như vậy, tổng số tiền mà MB rót vào doanh nghiệp bất động sản trên qua kênh trái phiếu lên đến 9.791 tỷ đồng. Đặc biệt, tất cả các giao dịch này đều thông qua một đơn vị duy nhất. Đó là MB – Chi nhánh Bắc Sài Gòn.
Lãi suất của các lô trái phiếu này khá cao, thường là trên 10%/năm và có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và quyền tài sản phát sinh liên quan đến một dự án tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, dự án tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án tại phường Long Trường, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh và phần vốn góp của Công ty chủ đầu tư dự án; cổ phần của công ty sở hữu bởi cổ đông...
Ngoài ra, Công ty chứng khoán MB cũng mua trái phiếu của đơn vị bất động sản nói trên trị giá ngàn tỷ đồng. Hồi cuối năm 2021, MB – Chi nhánh Bắc Sài Gòn cho vay ngắn hạn 225 tỷ đồng và 1.275 tỷ đồng vay dài hạn.
Nợ xấu tại MB dù vẫn đứng ở mức thấp nhưng đang có xu hướng tăng đáng cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ. Tại ngày 31/3/2022, tổng nợ xấu của MB là 4.130 tỷ đồng, chiếm 0,99% tổng dư nợ tín dụng, tăng so với con số 3.277 tỷ đồng, tương đương 0,9% hồi cuối năm 2021.