Nguy cơ rủi ro cao cho nhà đầu tư
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ngày 5/10 vừa phát đi cảnh báo trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Các doanh nghiệp nói trên có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Thậm chí, việc đầu tư qua Finhay, Passion Invest…, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
“UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh”, UBCKNN cảnh báo.
Ai đứng sau Finhay?
Finhay hiện đang được biết đến là fintech nổi tiếng tại Việt Nam chuyên về hoạt động quản lý tài chính cá nhân thông qua ứng dụng đầu tư tích lũy cùng tên. Fintech này từng nhận được đầu tư của nhiều quỹ trong và ngoài nước như H2 Australia, Insignia Ventures Partner, Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVSC), ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE.
Công ty Cổ phần Finhay Việt Nam được cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh số 0107748373 cấp bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư ngày 6/3/2017 và Giấy chứng nhận số 65/DNKHCN ngày 15/7/2020 bởi Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trụ sở chính đặt tại Tầng 8, Tòa nhà Capital Building, số 58 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.
Finhay được thành lập vào tháng 3/2017. CEO kiêm Founder của doanh nghiệp này là ông Nghiêm Xuân Huy (sinh năm 1991, tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Kế toán và Marketing tại trường Đại học Sydney, Úc). Ngoài ra ban lãnh đạo Finhay còn có bà Vũ Thanh Vân – Giám đốc vận hành và ông Hoàng Minh Châu – Giám đốc công nghệ.
Tháng 6/2017, Finhay lần đầu tiên cho ra mắt sản phẩm đầu tư Chứng chỉ quỹ, cho phép nhà đầu tư bắt đầu đầu tư với số vốn nhỏ chỉ 50.000 đồng.
Trong 4 năm tiếp theo, Finhay cung cấp hàng loạt sản phẩm đầu tư khác như: "Tích lũy" với mức lãi hấp dẫn từ 4% đến 8%/năm, "Hũ vàng"... và nổi bật nhất là sản phẩm đầu tư "Chứng khoán" ra mắt đầu tháng 11/2021.
Thậm chí theo thông tin quảng cáo, việc sử dụng sản phẩm "Chứng khoán" trên Finhay cho phép nhà đầu tư mua từ 0,1 cổ phiếu, tức là bắt đầu đầu tư với số vốn chỉ từ 10.000 đồng.
Sau 5 năm ra mắt, Finhay hiện sở hữu hệ sinh thái sản phẩm đầu tư tài chính với hơn 2 triệu người dùng. Tài sản của Finhay được giới thiệu là quản lý bởi Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM); kiểm toán hàng năm bởi một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới Ernst & Young (EY); kiểm tra tính bảo mật hệ thống bởi CMC - tập đoàn công nghệ, thông tin, viễn thông lớn thứ hai Việt Nam và BIDV là ngân hàng lưu ký khi thực hiện ủy thác đầu tư đối với Finhay và TVAM.
Mua lại công ty chứng khoán làm ăn bết bát Vina Securities
Tháng 6/2022, Finhay công bố thông tin đã chính thức mua lại và trở thành chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Vina (Vina Securities). Như vậy sau 5 năm hoạt động, Finhay trở thành fintech đầu tiên tại Việt Nam sở hữu riêng một công ty chứng khoán để phát triển mảng đầu tư.
Vina Securities được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 273,5 tỷ đồng. Năm 2010 VinaCapital tham gia vào Vina Securities với tư cách cổ đông lớn. Tuy nhiên doanh nghiệp này kinh doanh liên tục thua lỗ, không đảm bảo an toàn tài chính. Tháng 4/2012, Vina Securities đã bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Không lâu sau đó VinaCapital đã phải thoái vốn khỏi Vina Securties.
Vào tháng 10/2012, tuy Vina Securties được đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó vẫn kinh doanh không hiệu quả.
Đến nay, Vina Securities vẫn thuộc nhóm công ty chứng khoán quy mô nhỏ. Ngay cả trong giai đoạn năm 2020-2021, khi thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ, các công ty chứng khoán trong nước lãi lớn thì Vina Securities lại lỗ ròng hơn 98 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của công ty là hơn 263,1 tỷ đồng.
Khoản lỗ luỹ kế lên tới 263,1 tỷ đồng đã "ăn mòn" gần hết vốn đầu tư của chủ sở hữu. Với kết quả này, Vina Securties tiếp tục bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 23/4 – 22/8/2021, tiếp đến là đình chỉ hoạt động từ ngày 17/9/2021 – 16/3/2022.