Liên tục vay nợ qua kênh trái phiếu
Theo báo cáo tài chính quý II/2021, nợ phải trả của Công ty Cổ phần Bamboo Capital (mã BCG) thời điểm 30/6 đã tăng hơn 9.300 tỷ đồng so với đầu năm lên xấp xỉ 30.500 tỷ đồng, chiếm hơn 85% tổng tài sản và gấp 5,75 lần vốn chủ sở hữu.
Sự gia tăng chủ yếu do nợ dài hạn tăng đến gần 13.000 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 23.562 tỷ đồng vào thời điểm 30/6. Đặc biệt, nợ vay tài chính đã tăng đột biến từ hơn 2.500 tỷ đồng đầu năm lên đến gần 11.100 tỷ đồng vào cuối quý II. Trong 6 tháng đầu năm, Bamboo Capital đã phát hành xấp xỉ 8.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn với các kỳ hạn từ 2-3 năm, lãi suất dao động 10-11%.
Không chỉ riêng Bamboo Capital, cổ đông lớn có nhiều mối liên hệ với Tập đoàn này là Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios (sở hữu 10,36% vốn) cũng liên tục đẩy mạnh huy động trái phiếu trong thời gian gần đây.
Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios đã huy động thành công 300 tỷ trái phiếu, kỳ hạn 3 năm. Trái phiếu chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền. Lãi suất trái phiếu cố định với 10%/năm, được chi trả 6 tháng/lần. Một phần tài sản đảm bảo là 250.000 trái phiếu của Tracodi (thành viên của Bamboo Capital) phát hành ngày 22/1/2021 thuộc sở hữu Helios.
Trước đó, Helios đã phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu, được bảo đảm bằng cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông tại Miền Đất Hoàng Thịnh Phát - chủ đầu tư dự án khu nhà ở có diện tích 8,25 ha tại phường Cát Lái, quận 2, Tp.HCM. Đáng chú ý, BCG Land (công ty con của Bamboo Capital) chính là tổ chức cam kết bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho toàn bộ các nghĩa vụ thanh toán của Helios liên quan đến số trái phiếu này.
Helios thành lập ngày 22/3/2012, đăng ký trụ sở chính tại Lầu 14, Tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, quận 1, Tp.HCM. Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật là bà Phạm Thị Ngọc Thanh (sinh năm 1987). Được biết, bà Phạm Thị Ngọc Thanh được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Helios từ ngày 2/3/2019. Đáng chú ý, bà Thanh còn là người đại diện theo pháp luật của một số công ty khác và đặc biệt có mối quan hệ với Bamboo Capital như Sao Sáng Sài Gòn.
Âm nặng dòng tiền kinh doanh
Ngoài việc đầu tư vào tài sản cố định, phần lớn nguồn vốn huy động được Bambo Capital và các công ty thành viên góp vốn đầu tư các dự án năng lượng, bất động sản. Tài sản gia tăng chủ yếu nằm dưới dạng các khoản phải thu với công nợ thời điểm 30/6 lên đến 18.776 tỷ đồng, tăng hơn 7.200 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm đến 52% tổng tài sản.
Riêng phải thu dài hạn khác đã tăng gần 6.000 tỷ đồng so với đầu năm lên xấp xỉ 12.000 tỷ đồng vào cuối quý II trong đó đáng chú ý là khoản phải thu đối với Điện Gió Khai Long 1 (3.087,5 tỷ đồng), White Magnolia (1.981,5 tỷ đồng), Thương mại Vũ Tuấn (1.005 tỷ đồng), Đầu tư Dịch vụ Orchid (1.487,6 tỷ đồng),...
Ở chiều ngược lại, nợ ngắn hạn thời điểm cuối tháng 6 đã giảm gần 3.700 tỷ đồng so với đầu năm chủ yếu do công ty thanh toán các khoản phải trả người bán ngắn hạn. Khả năng chiếm dụng vốn bị hạn chế trong khi các khoản phải thu tiếp tục “phình to” khiến Bambo Capital âm dòng tiền kinh doanh đến hơn 7.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, ngoài trái phiếu Bamboo Capital còn muốn huy động thêm tiền từ cổ đông. Theo đó, HĐQT công ty đã thông qua nghị quyết về việc triển khai phương án chào bán 148,77 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến chào bán là trong quý IV/2021 và sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Số tiền dự kiến huy động được 1.785,2 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Đông Thành 2 (450 tỷ đồng); đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Đông Thành 1 (350 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (985,2 tỷ đồng). Đáng chú ý, số tiền bổ sung vốn lưu động bao gồm 411,4 tỷ đồng trả nợ vay, 534,3 tỷ đồng trả nợ tiền mua cổ phần và chỉ có 39,5 tỷ đồng thực sự bổ sung vốn lưu động khác