Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (8/9), sau khi giằng co trong phần lớn thời gian của phiên khi nhà đầu tư nghiền ngẫm phát biểu mới nhất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell về cuộc chiến chống lạm phát. Giá dầu thô cũng có một phiên hồi phục, nhưng vẫn ở gần vùng đáy của 8 tháng thiết lập trong phiên trước do nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 193,24 điểm, tương đương tăng 0,61%, đạt 31.774,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,66%, đạt 4.006,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,6%, đạt 11.862,13 điểm.
Trước đó, thị trường tụt điểm trong một chương trình hỏi đáp của ông Powell - người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới - tại viện nghiên cứu Cato. Trong cuộc hỏi đáp này, ông Powell khẳng định lại quan điểm rằng Fed sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để chống lạm phát. Ông cũng phát tín hiệu rằng Fed sẽ không sớm tạm dừng đà tăng lãi suất hay chuyển sang cắt giảm lãi suất.
“Lịch sử là một sự cảnh báo thận trọng về việc nới lỏng chính sách quá sớm. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng các đồng nghiệp của tôi và tôi có sự cam kết mạnh mẽ trong vấn đề này và chúng tôi sẽ tập trung vào đó cho tới khi hoàn thành mục tiêu”, ông Powell nói.
Trước đó cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản đồng Euro lên mức 0,75% từ mức 0. Đây là một động thái không nằm ngoài dự báo, bởi ECB đang đương đầu với mức lạm phát cao kỷ lục trong khu vực Eurozone.
Thị trường đã mở cửa trong trạng thái giảm điểm, rồi cố gắng chuyển “xanh” trước khi bị nhuộm “đỏ” trở lại trong thời gian ông Powell phát biểu. Sự tăng điểm vào cuối phiên là một cú “lội ngược dòng” thành công, nối tiếp phiên hồi phục vào ngày thứ Tư - khi giá cổ phiếu ở Phố Wall có phiên tăng mạnh nhất trong vòng gần 1 tháng và Nasdaq chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm điểm liên tiếp.
Tuy nhiên, xu hướng chung của thị trường vẫn đang là giảm do mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế và những đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed khiến nhà đầu tư ngại rót tiền vào những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu.
Việc Fed nâng lãi suất với bước nhảy như thế nào sẽ tùy thuộc nhiều vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 dự kiến công bố vào ngày 13/9.
“Tôi cho rằng thị trường đang lo lắng trước khi báo cáo CPI được công bố. Có lẽ thị trường đang chuyển sang trạng thái ‘chờ xem’”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của B. Riley Financial nhận định.
Tăng là xu hướng chung của chứng khoán thế giới trong phiên ngày thứ Năm. Chỉ số MSCI All Country World Index của thị trường toàn cầu tăng 0,76%. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,5%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,15 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 89,15 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,6 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 83,54 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu đã giảm hơn 5% trong phiên ngay thứ Tư, xuống mức thấp nhất kể từ trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine, do nỗi lo về lãi suất tăng và nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.
Phiên phục hồi ngày thứ Năm của giá dầu được cho là xuất phát từ lực mua kỹ thuật và lời cảnh báo của Nga về việc có thể tạm dừng việc bán dầu thô và khí đốt cho một số quốc gia. Mặt khác, giá “vàng đen” cũng đương đầu với áp lực giảm từ thông tin nói rằng Mỹ đang cân nhắc xả thêm dầu từ dự trữ chiến lược và các đợt phong tỏa chống Covid ở Trung Quốc.
“Phiên tăng ngày hôm nay có vẻ được thúc đẩy phần nhiều bởi tình trạng đã bán quá nhiều của thị trường trong phiên trước”, một báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Rittterbusch and Associates nhận định.
Hôm thứ Tư, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ dừng việc bán dầu thô và khí đốt cho một số quốc gia nếu có trần giá áp lên dầu thô và khí đốt Nga. Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất áp trần giá khí đốt Nga, và khối 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã đề xuất áp trần giá dầu thô Nga. Hiện tại, Nga đã đóng vô thời hạn Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất giữa nước này với châu Âu.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Bỉ cho rằng nên áp trần giá bán buôn lên khí đốt, thay vì chỉ áp trần giá lên khí đốt nhập khẩu từ Nga. Cùng ngày thứ Năm, tân Thủ tướng Anh Liz Truss công bố áp trần hóa đơn năng lượng ở nước này trong 2 năm, như một nỗ lực đưa người tiêu dùng vượt qua “bão” lạm phát 2 con số.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc về sự cần thiết phải xả thêm dầu từ dự trữ chiến lược.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc gia hạn việc phong tỏa đối với Thành Đô, thành phố với hơn 21 triệu dân, do số ca nhiễm mới Covid vẫn ở mức cao.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng những yếu tố bất lợi này có thể đã phản ánh hết vào giá dầu, và giá năng lượng này tạm thời có thể cắt được đà giảm mạnh.
“Các nhà giao dịch năng lượng đã phản ánh gần hết vào giá dầu việc Trung Quốc đóng cửa chống Covid và mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng do những tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ của ECB và Fed”, nhà phân tích Edward Moya của công ty phân tích Oanda viết trong một báo cáo.