Thông tin trên trang của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, mâm cơm ngày Tết có nhiều thức ăn ngon, nhưng món ăn độc đáo của dân tộc ta trong những ngày Tết vẫn là tấm bánh chưng xanh.
Xét về mặt dinh dưỡng, bánh chưng quả là một món ăn toàn diện. Từ thời xa xưa nhân dân ta đã biết phối hợp các thực phẩm với nhau một cách khoa học để tạo ra chiếc bánh đậm đà truyền thống dân tộc này.
Trong bánh chưng có đầy đủ các chất protid, glucid, lipid, các vitamin và muối khoáng ở những tỷ lệ thích đáng.
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, một chiếc bánh chưng trung bình chúng ta gói trong ngày Tết gồm gạo nếp 500g, đậu xanh 100g, thịt lợn có nhiều mỡ 100g và khoảng 5g hành củ tươi.
Thành phần dinh dưỡng của chiếc bánh chưng trên sẽ là protid 79,55g, lipid 47,20g, glucid 427,84g, muối khoáng 7,13g (canxi 0,233g, photpho 1,025g, sắt 0,016g… ), vitamin A 0,081mg, vitamin B1 1,68mg, vitamin B2 0,43mg, vitamin PP 13,21mg ... cung cấp cho cơ thể được 2.620 Kcal.
Như vậy chỉ cần ăn mỗi ngày một chiếc bánh chưng là đủ khẩu phần cho một lao động trung bình và là một khẩu phần cân đối cả về lượng lẫn chất.
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, bánh chưng thường được ăn với dưa góp, hành muối. Đây cũng là một cách ăn truyền thống rất khoa học của cha ông ta.
Xét về mặt dinh dưỡng, bánh chưng có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, nguyên liệu bao gồm gạo nếp (nhóm chất bột đường), đỗ xanh, thịt lợn (nhóm chất đạm động vật và đạm thực vật, nhóm chất béo), hành củ, hạt tiêu (nhóm vitamin và khoáng chất)…
Mặt khác, bánh chưng được làm từ gạo nếp, khó tiêu, chính vì vậy khi ăn bánh với dưa góp, hành muối sẽ kích thích tiêu hóa, giúp cho chúng ta không bị đầy bụng.
Hàm lượng dinh dưỡng trong 100g bánh chưng cung cấp năng lượng là 181Kcal, 4,3g chất đạm, 4,2g chất béo, 31,6g chất bột đường, 0,6g chất xơ, 26g canxi, 0,94g sắt, 1,4g kẽm.
Một miếng bánh chưng cỡ vừa có trọng lượng khoảng 114g. Một chiếc bánh nhân đậu xanh loại nhỏ thường có trọng lượng khoảng 25g, cung cấp năng lượng là 50Kcal, 1,8g chất đạm, 0,7g chất béo, 9,2g chất bột đường.