Bắt 'sóng' cổ phiếu chăn nuôi

29/12/2022 11:11

Sau thông tin ngành nông nghiệp tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu với kim ngạch 53 tỷ USD, nhiều cổ phiếu nông, thủy sản đua nhau “bùng nổ”, đặc biệt là nhóm cổ phiếu chăn nuôi.

Đóng cửa phiên 28/12, nhóm cổ phiếu chăn nuôi tiếp tục lan tỏa sắc xanh. Trong đó, cổ phiếu DBC (Dabaco) tăng 4,3% lên 14.700 đồng/cp; cổ phiếu MML (Masan MeatLife) tăng 2,9% lên 36.000 đồng/cp; cổ phiếu BAF (Nông nghiệp BaF Việt Nam) tăng 1,4% lên 18.650 đồng/cp; cổ phiếu HAG (Hoàng Anh Gia Lai) tăng 0,1% lên 8.600 đồng/cp…

Gây ấn tượng mạnh

Trước đó, trong phiên 27/12, dòng tiền tích cực đẩy giá, tạo “luồng gió” mới cho thị trường sau một phiên bán tháo. Ấn tượng mạnh hơn cả là nhóm cổ phiếu nông nghiệp xuất khẩu, thịt lợn tăng bùng nổ.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chăn nuôi bật tăng sớm nhất. HAG, DBC, BAF chỉ vài phút thị trường mở cửa buổi chiều đã vọt lên kịch trần với lực cầu đổ xô vào khá ấn tượng, hầu hết đều tăng mạnh thanh khoản và dư mua giá trần lớn. Trong đó, cổ phiếu HAG nằm trong top dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh trên sàn HoSE.

co-phieu-nganh-chan-nuoi-1672280835.jpg
Nhóm cổ phiếu chăn nuôi đang "hồi sức" trở lại.

Còn nhớ, giai đoạn từ cuối tháng 6, cổ phiếu chăn nuôi đã có bước nhảy vọt hồi phục khi giá lợn hơi có dấu hiệu đảo chiều tăng trở lại.

Cụ thể, từ 22/6, trong vòng chưa đầy 1 tháng, thị giá cổ phiếu DBC tăng mạnh từ vùng 16.500 đồng/cp lên 27.800 đồng/cp (+70,6%); HAG tăng từ vùng 7.000 đồng/cp lên 11.050 đồng/cp; BAF tăng từ 30.150 đồng/cp lên 37.750 đồng/cp, MLS của Chăn nuôi – Mitraco tăng từ 13.700 đồng/cp lên 24.000 đồng/cp.

Có thể thấy, giá lợn hơi duy trì ổn định trong nửa đầu năm 2022, ở mức trung bình 55.000 đồng/kg (giảm 25% so với cùng kỳ), sau đó tăng đáng kể trong tháng 7 và tháng 8 và đạt mức cao nhất là 70.000 đồng/kg do hoạt động mua bán của thương lái đầu mối để xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Tuy nhiên, diễn biến này chỉ trong một thời gian ngắn, sau đó Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn đối với hoạt động thương mại biên giới theo chính sách kiểm soát Covid-19. Kể từ đó, giá lợn hơi trung bình đã điều chỉnh về mức 53.000 đồng/kg (tăng 15% so với cùng kỳ) trong quý IV/2022. Cùng thời điểm này, giá cổ phiếu chăn nuôi sau thời gian tăng mạnh đã lần lượt quay đầu điểu chỉnh.

Trở lại với thời điểm hiện tại, việc thị trường Trung Quốc nới lỏng phòng chống dịch đã mang tới kỳ vọng mới cho nhóm ngành xuất khẩu nói chung, nhóm ngành chăn nuôi nói riêng. Từ đó tạo hiệu ứng tích cực cho cổ phiếu chăn nuôi.

Công ty chăn nuôi sẽ phục hồi từ năm 2023

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, sản lượng chăn nuôi lợn hơi tăng 12,4% so với cùng kỳ (quý 1 tăng 4,3% so với cùng kỳ, quý 2 tăng 7% so với cùng kỳ và quý 3 tăng 7% so với cùng kỳ). Mặc dù đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi  chưa được kiểm soát hoàn toàn giữa các trang trại hộ gia đình, nhưng điều này sẽ không ảnh hưởng đến tổng nguồn cung thịt lợn vì dịch bệnh lần này không quá nghiêm trọng như trước đây, và việc triển khai tiêm phòng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.

Trong khi dữ liệu từ OECD cho thấy, mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người đã giảm so với mức tiêu thụ bình quân trước đại dịch, cụ thể giảm từ 31,4kg/người/năm vào năm 2018 xuống còn 26,8kg/người/năm vào năm 2022. Điều này cũng cho thấy khả năng con số này sẽ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ vào năm 2023. Với sản lượng chăn nuôi tăng mạnh trong những tháng gần đây (tăng 12,4% so với cùng kỳ trong 11 tháng đầu năm 2022), nguồn cung lợn hơi khó có thể thiếu hụt trong năm 2023, với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Trong báo cáo mới nhất về ngành chăn nuôi, SSI Research dự báo giá lợn hơi sẽ không tăng đột biến, đạt khoảng 60.000 đồng/kg vào năm 2023 (tăng 10% so với cùng kỳ). Về mặt chi phí, dự báo chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ ổn định và bắt đầu giảm trong quý II/2023.

“Dự báo chi phí chăn nuôi sẽ giảm vào năm 2023, trong khi giá lợn hơi dự kiến sẽ tăng chậm giúp các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2023”, báo cáo nêu.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là chất xúc tác cần theo dõi trong lĩnh vực này, vì hoạt động thương mại qua biên giới sẽ hỗ trợ giá lợn hơi vào năm 2023. Việc xuất khẩu lợn hơi chính thức sang Trung Quốc cũng có thể là yếu tố xúc tác.

Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra do còn nhiều quy định liên quan đến nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Các trang trại thương mại với “mô hình 3F” được tích hợp đầy đủ sẽ là đối tượng hưởng lợi chính nếu điều này được thông qua.

Agriseco Research đánh giá tiềm năng tăng trưởng lớn từ mô hình 3F của các trang trại chăn nuôi lợn mới của BAF, đáp ứng nhu cầu về thịt sạch ngày một cao trên thị trường Việt Nam. Vào năm 2023, khi các dự án này đi vào hoạt động, quy mô đàn lợn của BAF sẽ lên đến 379.000 con lợn thịt, tăng 247% so với cùng kỳ và 44.450 con lợn giống, tăng 144% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, BAF cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi giá lợn hơi có thể tăng trong năm 2023 khi thị trường Trung Quốc mở cửa khiến nhu cầu thịt lợn ngày càng lớn. 2 nhà máy giết mổ đi vào hoạt động giúp BAF đáp ứng được nhu cầu chế biến thực phẩm và hoàn thiện hơn mô hình 3F.

Ở góc độ đầu tư, SSI Research đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu DBC. Xét về kết quả kinh doanh, năm 2022, SSI Research dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của Dabaco lần lượt đạt 12 nghìn tỷ đồng (+11% so với cùng kỳ) và 324 tỷ đồng (-61% so với cùng kỳ) do năm 2020 và 2021 ghi nhận mức nền so sánh cao. Trong năm 2023, SSI Research dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của công ty lần lượt đạt 12,8 nghìn tỷ đồng (+5% so với cùng kỳ) và 500 tỷ đồng (+47% so với cùng kỳ) với giả định giá lợn hơi trung bình sẽ đạt 60.000 đồng/kg vào năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "Bắt 'sóng' cổ phiếu chăn nuôi" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).