Bê bối tại dự án Ocean Park Vân Đồn, nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa“

14/10/2021 14:48

Dự án Ocean Park Vân Đồn không chỉ dính nghi vấn bán nhà trái luật khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép mà nhiều người dân trót đầu tư vào dự án thấp thỏm còn lo mất tiền vì CĐT bị ngân hàng “siết nợ”.

“Lùm xùm” tại dự án Ocean Park Vân Đồn

Theo tìm hiểu của Phóng viên, dự án Ocean Park Vân Đồn đã được nhiều công ty, sàn môi giới bất động sản tiến hành huy động vốn, mở bán nhà, đất từ năm 2018 bằng hình thức hợp đồng góp vốn dù chưa đủ điều kiện và chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Thế nhưng, phải đến ngày 22/4/2021, Sở Xây dựng Quảng Ninh mới có văn bản nhắc nhở Công ty TNHH Quan Minh dừng ngay việc quảng cáo, giới thiệu, chào bán huy động vốn trên các trang mạng điện tử, cũng như các hình thức khác.

Mặc dù vậy, đầu tháng 5/2021, Sở Xây dựng Quảng Ninh đã có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật (dự án cấp I) Ocean Park Vân Đồn giai đoạn 1.

Theo đó, đối với phần diện tích đất ở nằm trong ranh giới đã được UBND tỉnh Quảng Ninh giao đất (đợt 1) và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao đất tại thực địa đối với dự án Ocean Park Vân Đồn do Công ty TNHH Quan Minh làm chủ đầu tư, đủ điều kiện được huy động vốn.

Được biết, dự án Khu đô thị Ocean Park Vân Đồn được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 theo quyết định số 36/QD-UBND ngày 6/1/2011 và giao cho Công ty TNHH Quan Minh làm chủ đầu tư, đến tháng 10/2016 dự án chính thức được phê duyệt với quy mô lên tới 41,2ha và tổng mức đầu tư xây dựng kỹ thuật hơn 392 tỷ đồng.

phoi-canh-ocean-park-van-don
Phối cảnh dự án Ocean Park Vân Đồn

Thời điểm năm 2018, Khu kinh tế Vân Đồn phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dự án Ocean Park cũng nằm trong Khu kinh tế Vân Đồn và phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo điều chỉnh quy hoạch chung của toàn Khu kinh tế.

Đến ngày 28/9/2020, dự án Ocean Park Vân Đồn mới nhận được quyết định điều chỉnh quy hoạch 1/500 của UBND tỉnh Quảng Ninh (Quyết định số 3699/QD-UBND). Quyết định này đã tạo ra một khu đô thị có tính chất dịch vụ du lịch chất lượng cao với quy hoạch hiện đại, nâng giá trị cho toàn bộ khu đô thị nói riêng và Khu kinh tế Vân Đồn nói chung.

Việc điều chỉnh quy hoạch này cùng với dịch Covid-19 đã tác động tới tiến độ của dự án, điều đó đã ảnh hưởng tới mối quan hệ tín dụng giữa chủ đầu tư dự án Ocean Park Vân Đồn là Công ty Quan Minh và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB).

Theo đó, phía ngân hàng MB cho hay, Công ty TNHH Quan Minh đã vi phạm và không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ đúng hạn, dẫn tới phát sinh nợ xấu tại MB. Điều này khiến không ít nhà đầu tư phải đứng ngồi không yên, với nỗi lo mất trắng số tiền đã “đặt cọc” vào dự án Ocean Park Vân Đồn.

Về phía Công ty Quan Minh, để trấn an các nhà đầu tư, doanh nghiệp này đã có một số ý kiến cho rằng Ngân hàng MB đã gây khó khăn cho họ trong giai đoạn tình hình dịch Covid-19.

Cụ thể, Công ty Quan Minh chia sẻ trên truyền thông, do tác động của dịch Covid-19, từ đầu tháng 1/2020 hoạt động xây dựng các cơ sở hạ tầng của khu đô thị Ocean Park Vân Đồn bị gián đoạn, các đối tác xây dựng không thể bố trí được nhân lực thi công theo kế hoạch đã đề ra. Theo đó, hoạt động kinh doanh bị cắt giảm mạnh do việc thi công các dự án khu đô thị bị tạm dừng.

"Tuy nhiên, do phía MB không áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các TCTC và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà thực hiện chuyển toàn bộ dự nợ của công ty sang nhóm 4. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng huy động các nguồn vốn phục vụ cho hoạt động doanh nghiệp", đại diện Công ty Quan Minh nói.

Bên cạnh đó, Công ty Quan Minh cho rằng, việc doanh nghiệp này thực hiện “bán lúa non” dự án là do tình thế ép buộc bởi áp lực trả nợ từ phía ngân hàng.

Viện cớ để hợp lý hóa sai phạm?

Rõ ràng, việc một doanh nghiệp bị vướng với tai tiếng “nợ xấu” tại ngân hàng là điều không chủ đầu tư và nhà đầu tư nào mong muốn, bởi lẽ điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ, khả năng thanh khoản của dự án, chưa kể là tác động thêm từ dịch bệnh Covid-19.

Cho dù đầu tháng 5/2021, Sở Xây dựng Quảng Ninh đã có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật (dự án cấp I) Khu đô thị Ocean Park Vân Đồn giai đoạn 1. Theo đó, đối với phần diện tích đất ở nằm trong ranh giới đã được UBND tỉnh Quảng Ninh giao đất (đợt 1) và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao đất tại thực địa đối với dự án Khu đô thị Ocean Park Vân Đồn do Công ty TNHH Quan Minh làm chủ đầu tư, đủ điều kiện được huy động vốn. Tuy nhiên, Công ty Quan Minh cũng không thể viện các lý do về nợ ngân hàng cũng như đã được cho phép huy động vốn vào tháng 5 để bao biện cho hành vi sai phạm của mình. Bởi lẽ việc mở bán "lúa non" dự án Ocean Park Vân Đồn đã được thực hiện từ cuối năm 2018, trước cả khi những sự kiện trên phát sinh, trở thành “vấn đề” với dự án.

kdt-ocean-park-van-don
Dự án Ocean Park Vân Đồn đã ngừng hoạt động thi công từ lâu.

Chưa dừng lại ở những khoản nợ khổng lồ tại ngân hàng, mới đây chủ đầu tư dự án Ocean Park Vân Đồn tiếp tục bị Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh “bêu tên” vì là doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, vào ngày 31/8, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh ban hành Công văn số 6861/CTQNI-TTHT công khai danh sách 296 doanh nghiệp nợ thuế kỳ tháng 7/2021. Theo danh sách công khai, Công ty Quan Minh chính là doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất với số tiền lên đến gần 148 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ thuế từ 90 ngày trở lên của công ty này đã là gần 120 tỷ đồng.

Ngay ở thời điểm hiện tại, với những vấn đề phát sinh từ dự án này, ít có công ty hay sàn môi giới bất động sản nào dám đứng ra giới thiệu về dự án cho các khách hàng mới bởi sợ bị liên lụy. Có thể thấy, dự án Ocean Park Vân Đồn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, việc các nhà đầu tư lo lắng cho số tiền đặt cọc của mình hoàn toàn có cơ sở.

Luật sư Nguyễn Văn Đạt - Công ty Luật TNHH SH Legal Việt Nam cho hay, việc huy động vốn được quy định rất rõ tại Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các văn bản dưới luật khác.

Theo đó, tại quy định tại khoản 5, Điều 8 của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định các hành vi bị cấm là: Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định rõ việc huy động vốn theo khoản 2, Điều 69 Luật Nhà ở phải đáp ứng các hình thức, điều kiện: Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn.

Theo các quy định hiện hành, để được huy động vốn, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận và phải có thông báo đủ điều kiện của Sở Xây dựng. Việc chủ đầu tư ký hợp đồng huy động vốn mà chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng xin chấp thuận cho phép huy động vốn theo quy định này là trái pháp luật. Có thể thấy, việc dự án Ocean Park Vân Đồn tiến hành mở bán, ký kết hợp đồng huy động vốn từ năm 2018 là trái với các quy định pháp luật. 

Hiện tại, website của chủ đầu tư là Công ty TNHH Quan Minh đã không còn hoạt động, các thông tin liên hệ công khai cũng đã "biến mất" hoặc bị thay đổi. Phóng viên đã liên hệ tới UBND huyện Vân Đồn để tìm hiểu rõ hơn các "lùm xùm" xoay quanh dự án Ocean Park, tuy nhiên dường như chính UBND huyện Vân Đồn cũng nắm bắt rất ít thông tin liên quan dự án này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

Bạn đang đọc bài viết "Bê bối tại dự án Ocean Park Vân Đồn, nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa“" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).